Đề xuất phải có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm cho người giúp việc gia đình
Phẫn nộ clip giúp việc xách ngược chân bé gái 13 tháng tuổi, quăng đi quăng lại như món đồ Các vụ bạo hành người giúp việc dã man ở Hong Kong, Singapore |
Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng dự thảo Nghị định quy định lao động là người giúp việc gia đình theo khoản 2 Điều 161 của Bộ luật Lao động.
Ảnh minh họa. |
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong Bộ luật Lao động năm 2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định số 27/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động là người giúp việc gia đình, trong đó đã đưa các nội dung của Bộ luật Lao động áp dụng đối với người lao động nói chung vào Nghị định, đồng thời quy định chi tiết, gắn với các yếu tố đặc thù của lao động giúp việc gia đình.
Qua quá trình triển khai thực hiện cho thấy các quy định trong Nghị định đã tạo điều kiện thuận lợi cho các bên trong quan hệ lao động tìm hiểu và áp dụng các quy định về lao động giúp việc gia đình. Một số các quy định đặc thù về giao kết hợp đồng lao động, xác định tiền lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, quản lý lao động đã giúp bảo vệ tốt hơn quyền lợi cho người giúp việc gia đình trong quan hệ lao động, góp phần tích cực đưa nghề giúp việc gia đình phát triển tốt hơn trong cơ chế thị trường.
Tuy nhiên, một số quy định đặc thù đối với lao động giúp việc gia đình tại Nghị định số 27/2014/NĐ-CP cũng chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn như chưa có mẫu hợp đồng lao động để hai bên áp dụng được thuận lợi, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi chưa quy định linh hoạt với tính chất đặc thù của lao động giúp việc gia đình, chưa quy định rõ ràng trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc quản lý lao động giúp việc gia đình...
Qua đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội gửi tờ trình dự thảo Nghị định trên gồm 12 điều. Ngoài các quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và hiệu lực thi hành, Nghị định tập trung quy định những nội dung chủ yếu như:
1. Hợp đồng lao động (Điều 3), tập trung quy định cụ thể một số nội dung đặc thù áp dụng đối với lao động giúp việc gia đình về hình thức hợp đồng lao động, nghĩa vụ cung cấp thông tin trước khi ký kết hợp đồng lao động, mẫu hợp đồng lao động, thời hạn báo trước và trách nhiệm của các bên khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
2. Tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (Điều 4, Điều 5), tập trung quy định về xác định mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, khấu trừ tiền lương, trách nhiệm trả cho người lao động một khoản tiền bằng mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người sử dụng lao động.
3. Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi (Điều 6), tập trung quy định trách nhiệm bảo đảm thời giờ nghỉ ngơi tối thiểu cho người lao động, ít nhất nghỉ 6 giờ liên tục trong 24 giờ liên tục và bình quân nghỉ ít nhất bốn ngày trong một tháng.
4. Kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất (Điều 7), tập trung quy định giao quyền cho hai bên thỏa thuận cụ thể các hành vi và hình thức xử lý kỷ luật lao động trong hợp đồng lao động.
5. Quy định trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động và các cấp chính quyền trong việc quản lý và sử dụng lao động giúp việc gia đình (Điều 9, 10 và 11).
Vì vậy, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng thực hiện khoản 2 Điều 161 của Bộ luật Lao động năm 2019 là cần thiết phải ban hành Nghị định để quy định cụ thể việc áp dụng các nội dung của Bộ luật Lao động phù hợp với đặc thù của lao động giúp việc gia đình, gắn với yêu cầu thực tiễn.