Đầu năm, đến với Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc

Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc (TP Chí Linh, Hải Dương) năm nay diễn ra từ ngày 23/2 - 3/3 (tức từ ngày 14 - 23 tháng Giêng) với nhiều nghi lễ truyền thống.
Hải Dương: Khai bút đầu xuân tại đền thờ nhà giáo Chu Văn An Hải Dương: Phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Giáp Thìn 2024 Thủ tướng đi cấy, lì xì đầu năm cho nông dân Hải Dương

Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2024 gắn với Lễ tưởng niệm 690 năm ngày viên tịch của Đệ tam tổ Thiền phái Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả được tổ chức với quy mô lớn, các hoạt động phần lễ và phần hội được chuẩn hóa, theo nghi thức truyền thống.

Đầu năm, đến với Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc
Lễ cáo yết xin mở hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc.

Tại lễ hội sẽ có các hoạt động và nghi lễ như: Thi gói bánh chưng; thi giã bánh giầy; lễ rước nước; liên hoan pháo đất tỉnh Hải Dương lần thứ XI; thi đấu giải vật dân tộc; thi đấu giải cờ tướng; lễ tế trên núi Ngũ nhạc; lễ giỗ Đệ tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả; lễ Mông Sơn thí thực…

Đặc biệt, Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc 2024 có nhiều điểm mới như: Tổ chức Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận “Bộ tượng Tam Thế Phật chùa Côn Sơn" là Bảo vật quốc gia; Tuần Văn hóa, Ẩm thực, Du lịch và Xúc tiến thương mại với các hoạt động hấp dẫn như lễ hội ẩm thực giới thiệu món ăn tiêu biểu của Hải Dương và các địa phương trong cả nước; trình diễn áo dài sắc màu Hải Dương; các trò chơi dân gian…

Dịp Lễ hội mùa Xuân năm 2024, Hải Dương lần đầu tiên tổ chức Giải việt dã “Hành trình kết nối di sản". Đây là giải việt dã có quy mô lớn nhất, cự ly dài nhất tổ chức tại tỉnh.

Đầu năm, đến với Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc

Theo thông tin từ Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, các đơn vị liên quan trực tiếp thực hiện các sự kiện đã chuẩn bị các điều kiện để lắp đặt sân khấu, gian hàng, trang trí… Năm nay, khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc được cải tạo 10.000m2 cây và hoa.

Đặc biệt, nhiều khu vực tiểu cảnh, khu check-in mới đã được thiết kế bắt mắt đáp ứng tốt nhu cầu và thị hiếu của du khách như: Khu tiểu cảnh “Sắc xuân Côn Sơn”, “Suối hoa Côn Sơn”, “Côn Sơn tiên cảnh”; “Cây ước nguyện đầu xuân”, khu trải nghiệm Tết xưa, viết thư pháp, xin chữ, cho chữ… thu hút đông đảo du khách tới trải nghiệm.

Điểm mới năm nay là toàn bộ biển bảng chỉ dẫn, thuyết minh tại di tích đã được thay bằng song ngữ Việt - Anh; các hộp đèn LED tuyên truyền hai bên đường lên đền thờ Nguyễn Trãi cũng được làm mới… đáp ứng theo tiêu chí của UNESCO. Dọc các tuyến đường vào di tích treo hàng chục băng rôn tuyên truyền; cắm 2.000 hồng cờ, cờ thần, treo hàng nghìn mét cờ dây, đèn nháy, đèn lồng… tạo điểm nhấn cho di tích.

Đầu năm, đến với Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc
Đông đảo du khách đến với chùa Côn Sơn.

Ngoài ra, tại lối lên đền Nguyễn Trãi được bố trí khu vực giao lưu hát chèo, hát quan họ tạo không khí vui tươi, phấn khởi. Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc còn bố trí 2 khu vực trưng bày giới thiệu các sản phẩm du lịch, đặc sản của Côn Sơn - Kiếp Bạc và Hải Dương.

Hội thi gói bánh chưng, giã bánh giầy tỉnh Hải Dương năm 2024 sẽ mở màn cho lễ hội năm nay. Các đội đã chuẩn bị nguyên vật liệu sẵn sàng cho ngày tranh tài. Lãnh đạo Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh cho biết, hội thi sẽ thu hút 12 đội đến từ các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tham gia. Công tác chuẩn bị về nhân lực phục vụ, địa điểm, cơ sở vật chất đã sẵn sàng.

Đáng chú ý, Tuần Văn hoá, Ẩm thực, Du lịch và Xúc tiến thương mại năm nay cũng có quy mô lớn hơn với 43 gian hàng, gồm: 19 gian giới thiệu về ẩm thực của tỉnh Hải Dương và các vùng miền trong cả nước; 24 gian giới thiệu các sản phẩm OCOP, du lịch, làng nghề truyền thống tỉnh Hải Dương.

Đầu năm, đến với Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc
Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm nay được tổ chức với quy mô lớn, các hoạt động phần lễ và phần hội được chuẩn hóa, theo nghi thức truyền thống.

Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã phối hợp chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát việc niêm yết giá; không để xảy ra tình trạng đeo bám khách, bán hàng rong, lấn chiếm vị trí bán hàng; bố trí lực lượng thường trực tại điểm di tích, khu vực tập trung đông du khách để bảo đảm phòng cháy, chữa cháy và kịp thời hỗ trợ du khách; tuyến đường vào di tích Côn Sơn đã được mở rộng và đẹp hơn...

Côn Sơn - Kiếp Bạc gắn bó mật thiết với cuộc đời, sự nghiệp của các danh tướng, danh nhân văn hóa như Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Đán...

Đây không chỉ là trung tâm tôn giáo tín ngưỡng lớn mà còn là phòng tuyến quân sự quan trọng trấn giữ phía đông bắc của Kinh đô Thăng Long. Chùa Côn Sơn từ thế kỷ XIII, XIV là một trung tâm của Thiền phái Trúc Lâm. Đền Kiếp Bạc được xây dựng tại căn cứ quân sự Vạn Kiếp của Trần Hưng Đạo, trở thành một trong những trung tâm nội đạo thờ Đức Thánh Trần.

Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cùng tồn tại, phát triển trên một vùng đất, thờ tự 2 tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau, nhưng hòa đồng tạo nên một bản thể văn hóa tâm linh hoàn chỉnh, thống nhất.

Chính vì thế, hơn 7 thế kỷ đã qua, khu di tích này luôn là một trong những trung tâm văn hóa tâm linh lớn của đất nước, đi vào tâm thức người dân: "Côn Sơn, Yên Tử, Quỳnh Lâm/ Nếu ai chưa tới thiền tâm chưa đành", hay: “Dù ai buôn bán gần xa/ Hai mươi tháng tám giỗ Cha thì về”... đã nói lên điều đó.

Năm 2023, Côn Sơn - Kiếp Bạc của Hải Dương cùng với Yên Tử (Quảng Ninh), Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) được hoàn thiện hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Hoàng Duy
Phiên bản di động