Dấu mốc mới trong lịch sử ngoại giao Việt Nam
Đột phá tư duy đưa Việt Nam thành cường quốc du lịch Việt Nam chủ tịch ASEAN 2020: 5 trọng tâm, 7 hoạt động chính Việt Nam chính thức kích hoạt Trung tâm khẩn cấp ứng phó với dịch viêm phổi |
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: TTXVN |
Nhiều thách thức vẫn còn trên con đường 23 tháng sắp tới trên cương vị ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, nhưng với những gì Việt Nam đã thể hiện được ngay trong tháng đầu tiên đảm nhiệm trọng trách này, vai trò chủ động và tích cực của Việt Nam với tư cách "đối tác tin cậy vì hòa bình" đang được minh chứng rõ nét. Như Đại sứ, Trưởng phái đoàn thường trực Indonesia tại LHQ, Dian Triansyah Djani nhận xét: “Việt Nam đã đảm trách vị trí chủ tịch một cách rất hiệu quả và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình”
Một cán bộ ngoại giao ở phái đoàn Việt Nam tại LHQ đã ví vui khi trò chuyện với giới báo chí ít ngày trước kết thúc năm 2019, rằng ngày đầu tiên đảm nhiệm trọng trách quốc tế lại đồng thời đảm nhiệm vị trí khó nhất, Chủ tịch HĐBA, là một thách thức rất lớn, giống như “phải học thẳng bằng thạc sĩ trước khi học đại học, cho nên nếu thành công trong tháng Một thì việc đối mặt với những thách thức sau này sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều”. Quả thực, mặc dù chỉ có 6 tháng chuẩn bị tính từ khi trúng cử ủy viên không thường trực HĐBA với số phiếu gần như tuyệt đối 192/193 vào ngày 7/6/2019, nhưng khi chính thức đảm trách vị trí Chủ tịch HĐBA tháng 1/2020, Việt Nam đã liên tục chủ trì hàng loạt cuộc họp quan trọng nhằm đưa ra các quyết sách cho những vấn đề nóng nhất trên thế giới, bao gồm cả những vấn đề rất phức tạp và kéo dài chưa thể giải quyết.
Thành công đã tới ngay trong những ngày đầu tiên của tháng. Phiên thảo luận mở cấp bộ trưởng của HĐBA do Việt Nam chủ trì và đề xuất chủ đề về 75 năm Hiến chương LHQ được các nước tham gia với số lượng cao kỷ lục, 110 nước. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, người chủ trì phiên họp đã chia sẻ, chủ đề này nhận được sự quan tâm lớn như vậy bởi được đưa ra rất đúng thời điểm, trong bối cảnh các nước thành viên LHQ đều bộc lộ quan điểm rằng Hiến chương LHQ phải được tuyệt đối tôn trọng và thực thi, nhất là đối với các ủy viên HĐBA.
Trên thực tế, do quan điểm chính trị có nhiều khác biệt nên cách hiểu và vận dụng Hiến chương LHQ của nhiều nước trong HĐBA cũng khác nhau và đây chính là mấu chốt dẫn đến sự chia rẽ, bất đồng của các ủy viên thường trực, đặc biệt giữa một bên là Mỹ và bên kia là Nga và Trung Quốc. Sự chia rẽ này đã khiến HĐBA nhiều lần không thể có được giải pháp nhanh và hiệu quả khi khủng hoảng xảy ra, cho nên phiên thảo luận mở do Việt Nam đề xuất là cơ hội cho các nước thảo luận tìm giải pháp để HĐBA có thể phản ứng nhanh hơn, có quyết sách đúng đắn hơn đối với các nguy cơ đe dọa an ninh và hòa bình trên thế giới, đồng thời củng cố mối quan hệ hợp tác giữa các ủy viên, nhất là ủy viên thường trực HĐBA.
Dưới sự chủ trì, điều phối của Việt Nam, tối 10/1, HĐBA sau khi họp kín khá căng thẳng đã thông qua được nghị quyết 2504 gia hạn cơ chế cung cấp hàng viện trợ nhân đạo qua biên giới Syria. Nghị quyết 2504 được thông qua với 11 phiếu thuận và 4 phiếu trắng (của các ủy viên thường trực Mỹ, Anh, Nga, Trung Quốc), đã tạo điều kiện thuận lợi để công tác cứu trợ cho người dân Syria sống tại các khu vực không do chính quyền Damascus kiểm soát được tiếp tục trong thời gian tới. Đây cũng là một thành công về hợp tác ngoại giao đáng ghi nhận của các nước nói chung và Việt Nam nói riêng bởi trước đó, HĐBA đã không thể gia hạn cơ chế này do sự bất đồng ý kiến sâu sắc của các nước ủy viên. Hồi cuối tháng 12/2019, HĐBA đã họp bỏ phiếu 2 lần vấn đề này nhưng cả 2 dự thảo đều không được thông qua, do một số quan ngại rằng hàng viện trợ sẽ rơi vào tay khủng bố và làm tiến trình tìm kiếm hòa bình cho Syria thêm phức tạp. Tuy nhiên, việc phải đảm bảo viện trợ liên tục và thông suốt cho Syria, nơi đang trải qua cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ với gần 12 triệu người dân sống phụ thuộc vào hàng cứu trợ, cũng đang hết sức cấp thiết. Nếu cơ chế này không được gia hạn vào thời hạn chót ngày 10/1 vừa qua, HĐBA sẽ phải đàm phán một cơ chế mới để thay thế và như vậy, cuộc sống của những người dân Syria sẽ rơi vào cảnh vô cùng khốn khó.
Những kinh nghiệm của Việt Nam về hòa giải dân tộc, giải quyết xung đột và khắc phục hậu quả chiến tranh đã được lắng nghe và đóng góp tích cực vào nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc tìm giải pháp cho nhiều khu vực ở Trung Đông và châu Phi, như cuộc xung đột ở Yemen, bạo lực gia tăng giữa Israel và Palestine, cuộc chiến Libya và tình trạng hỗn loạn ở Mali cũng như nhiều nước châu Phi nói chung. Với vấn đề Yemen, những tháng gần đây, HĐBA khá đồng thuận trong việc nhìn nhận sự cần thiết là các bên liên quan phải tái khởi động tiến trình chính trị và nỗ lực thực thi thỏa thuận Stockholm. Dưới sự chủ trì của Việt Nam, HĐBA ngày 13/1 đã thông qua được Nghị quyết 2505, gia hạn hoạt động của Phái bộ LHQ Hỗ trợ thực thi thỏa thuận Hodeidah tại Yemen (UNMHA) đến ngày 15/7/2020, với kết quả bỏ phiếu nhất trí của tất cả 15 nước ủy viên.
Trong vấn đề Israel và Palestine, vốn vẫn gây chia rẽ, bất đồng sâu sắc giữa Mỹ và các ủy viên HĐBA, Việt Nam đã tái khẳng định sự ủng hộ nhất quán đối với giải pháp hai nhà nước Palestine và Israel chung sống hòa bình trên cơ sở nghiêm túc thực hiện các nghị quyết của LHQ và các thỏa thuận trước đó cũng như kêu gọi các bên liên quan kiếm chế tối đa, không để tình hình leo thang. Trên cương vị Chủ tịch HĐBA, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn đại diện Việt Nam tại LHQ đã thêm một tiếng nói lên án các cuộc tấn công nhằm vào dân thường, phụ nữ, trẻ em cũng như các cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng của người dân. Việt Nam cũng khẳng định chính sách nhất quán ủng hộ mạnh mẽ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Palestine vì các quyền bất khả xâm phạm, trong đó có quyền dân tộc tự quyết và thành lập một Nhà nước Palestine độc lập, chủ quyền.
Trong vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam cũng đã đề xuất và vận động để đưa được vấn đề hợp tác LHQ - ASEAN lên bàn nghị sự của HĐBA vào ngày 30/1, đáp ứng mối quan tâm chung của các nước ASEAN hiện nay. Đây là lần đầu tiên HĐBA có một phiên họp riêng về hợp tác với ASEAN và rõ ràng sự kiện này đã góp phần nâng cao vai trò, hình ảnh của các nước Đông Nam Á ở một diễn đàn lớn như LHQ.
Như Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã đề cập trong cuộc trả lời phỏng vấn của TTXVN bên lề phiên thảo luận mở về Hiến chương LHQ trong tháng 1/2020, Việt Nam nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung không thể giải quyết được tất cả các vấn đề trong một tháng, nhưng chắc chắn Việt Nam sẽ chủ động, tích cực phối hợp với các nước Không liên kết, các nước đang phát triển để đấu tranh bảo vệ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ cũng như nguyên tắc về bình đẳng chủ quyền, không can thiệp công việc nội bộ các nước, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, đồng thời bảo vệ lợi ích của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Với quan điểm đó, trên cương vị Chủ tịch HĐBA LHQ tháng 1/2020, Việt Nam đã thể hiện mình luôn là một thành viên có trách nhiệm và đóng góp tích cực vào mọi lĩnh vực hoạt động của LHQ, trong đó có HĐBA. Hiệu quả hoạt động trong tháng đầu tiên của nhiệm kỳ ủy viên không thường trực HĐBA 2020-2021, trên cương vị Chủ tịch HĐBA, không chỉ ghi thêm một dấu mốc thành công của ngành ngoại giao Việt Nam, mà còn tạo tiền đề để Việt Nam tiếp tục có những đóng góp chủ động, phát huy hơn nữa vai trò "đối tác tin cậy vì hòa bình", khẳng định uy tín và vị thế của mình trên trường quốc tế.