Đào vàng ở Điện Biên - Bài 3: Dân mất "nguồn sống" do ô nhiễm môi trường từ đào vàng
Đào vàng ở Điện Biên - Bài 1: Nuôi mộng đổi đời từ vàng ở Phì Nhừ |
Khai thác vàng gây ô nhiễm, người dân lâm cảnh thiếu nước sạch sinh hoạt
Kể từ ngày Công ty Molybden Điện Biên tiến hành khai thác mỏ vàng tại bản Háng Trợ, xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông, dòng suối Khó Sâu dài gần 10km, bắt nguồn từ bản Háng Trợ, chảy qua một số bản lân cận rồi dẫn xuống khu dân cư bản Nà Ngựu, xã Phì Nhừ, trước khi đổ vào sông Mã (khu vực tiếp giáp với xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông) nhiều năm trở lại đây không có ngày nào nước trong. Dòng nước đục ngầu, đỏ bùn đất, khiến người dân chật vật tìm kiếm nước sạch dùng trong sinh hoạt, phục vụ cuộc sống.
Nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm này được người dân chỉ ra là do, quá trình khai thác vàng của Công ty Molybden Điện Biên ở khu vực đầu nguồn nước; khối lượng đất, đá phát sinh quá lớn, chảy xuống lấp một dòng suối Khó Sâu. Không những thế, nước thải sinh hoạt của hàng trăm công nhân và những người dân khai thác vàng trái phép được thải trực tiếp xuống suối. Cùng với đó, trong quá trình sản xuất, các loại chất thải như dầu, mỡ từ các phương tiện máy móc thải ra môi trường đều đổ dồn về suối làm cho dòng suối Khó Sâu thêm ô nhiễm nặng nề.
Những mảnh ruộng bị vùi lấp không thể sản xuất, canh tác |
Bản Háng Trợ, xã Phì Nhừ là khu vực ảnh hưởng đầu tiên do ở vị trí đầu nguồn nước. Ông Hờ A Chá, trưởng bản Háng Trợ cho biết: Trước đây, hàng chục hộ dân trong bản sử dụng nguồn nước suối Khó Sâu để sinh hoạt. Nhưng nhiều năm trở lại đây, từ khi có khai thác vàng nước suối có nhiều bùn và tạp chất nên người dân không dám sử dụng. Bản có 66 hộ dân đều lâm vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Có hộ dân phải đi cõng nước trong khe cách nhà vài cây số. Nhưng vào mùa khô, nước trong khe đá cũng không có, nên tình trạng thiếu nước sinh hoạt vẫn thường xuyên diễn ra. Có những lúc người dân còn xảy ra tranh cãi chỉ vì nguồn nước...
Nước dòng Khó Sâu không thể sử dụng, người dân bản Háng Trợ phải đầu tư hàng chục triệu đồng làm đường ống dẫn nước từ khe suối với chiều dài hàng cây số mới có nước sinh hoạt. |
Không chỉ riêng bản Háng Trợ, hàng trăm hộ dân thuộc các bản Cồ Dề A, Cồ Dề B, bản Nà Ngựu, xã Phì Nhừ cũng lâm vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt khi dòng suối Khó Sâu bị ô nhiễm. Bao nhiêu năm khai thác vàng là ngần ấy năm người dân phải lặn lội đi tìm nguồn nước để sống. Dòng suối Khó Sâu trong vắt, quanh năm nước chảy giờ chỉ còn trong ký ức đối với người dân nơi này.
Bài toán khó khắc phục môi trường
Hằng ngày người dân tại các bản dọc nguồn suối Khó Sâu phải đối mặt với nhiều nguy cơ từ việc ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do hoạt động khai thác vàng. Thế nhưng, doanh nghiệp đứng tên khai thác đã “dứt áo ra đi”, còn chính quyền và ngành chức năng dường như vẫn loay hoay đưa ra “giải pháp trên giấy”.
Doanh nghiệp thì dứt áo ra đi, còn một bộ phận người dân vẫn miệt mài khai thác vàng sau "đống đổ nát" khiến môi trường ô nhiễm từ nạn khai thác vàng vẫn chưa chấm dứt |
Ông Nguyễn Xuân Tiến, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Điện Biên Đông, cho biết: Công ty Molybden đơn vị khai thác đã "mất tích", không thực hiện cải tạo phục hồi môi trường, bề mặt địa hình tại khu vực khai thác không bằng phẳng, bị chia cắt, ảnh hưởng đến môi trường, khó khăn trong việc trồng rừng phủ bề mặt. Trong những năm trước, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện Điện Biên Đông, đề nghị các đơn vị chức năng vào cuộc kiểm định mức độ độc hại của dòng suối. Tuy vậy, theo kết qủa phân tích nước, ngày 18/3/2013 của Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về Môi trường, Công an tỉnh Điện Biên, nước suối chỉ có độ đục cao hơn bình thường, mọi chỉ số môi trường khác đều “đạt tiêu chuẩn”. Kết quả đó dường như chưa giải đáp thỏa đáng trước những lo ngại của người dân về mức độ ô nhiễm của nguồn nước và những hậu quả mà việc khai thác vàng mang lại cho đồng bào ở nơi này.
Lý do gia súc uống nước suối bị chết, thủy sinh bị hủy diệt, hoa màu không phát triển... đến nay vẫn còn là ẩn số. Nhưng quan trọng hơn, ai sẽ là người đứng ra giải quyết những hậu quả môi trường do Công ty Molybden Điện Biên khai thác vàng để lại?
Được biết, Công ty Molybden Điện Biên đã lập bản cam kết bảo vệ môi trường năm 2007; Dự án cải tạo, phục hồi môi trường năm 2009. Công ty đã ký nộp quỹ cải tạo phục hồi môi trường được phê duyệt với số tiền 465 triệu đồng. Trong trường hợp công ty dừng hoạt động, chính quyền địa phương sẽ sử dụng số quỹ đó để cải tạo, phục hồi môi trường. Thế nhưng, với số tiền đó liệu có đủ để cải tạo, phục hồi môi trường tại khu vực này?
Ông Vừ A Bằng, Bí thư Huyện ủy Điện Biên Đông khẳng định: Số tiền 465 triệu đồng không đủ thực hiện cải tạo môi trường, vì môi trường bị ảnh hưởng rất nặng nề, nguồn nước tại các bản Háng Trợ, Cồ Dề, Nà Ngựu, xã Phì Nhừ bị ô nhiễm kéo dài nhiều năm, sản xuất ngưng trệ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của người dân.
Môi trường nước đã bị bức tử bởi hoạt động khai thác vàng mà chục năm qua chưa có cấp nào xử lý |
Việc để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường sau khai thác khoáng sản tại Phì Nhừ, đã cho thấy sự buông lỏng quản lý của chính quyền các cấp tỉnh Điện Biên, dẫn đến tình trạng sau khi Công ty Molybden Điện Biên dừng hoạt động, người dân tự tiện đến khai thác vàng, sử dụng biện pháp thủ công để thu vàng, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Công ty Molybden Điện Biên đã dừng khai thác được 3 năm, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện cải tạo môi trường tại điểm mỏ khai thác. Vậy cơ quan nào sẽ đứng ra giải quyết hậu quả môi trường khi Công ty này “chạy làng” mà đến nay vẫn “bặt vô âm tín”?
Phải chăng Điện Biên đã quá dễ, để cho doanh nghiệp mặc sức đến rồi tự ý đi? Đến vì “món hời” và đi khi nguồn tài nguyên đã cạn kiệt, để lại sau lưng một khai trường nhếch nhác, một vấn nạn môi trường không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Đến bao giờ dòng suối Khó Sâu mới trong trở lại, cuộc sống mưu sinh của dân bản mới vơi bớt nỗi lo âu, vùng đất “dữ” Phì Nhừ mới trở nên yên bình và bớt nóng? Những câu hỏi đặt ra cho các cấp ngành quản lý tỉnh Điện Biên, giờ đây không còn “quá sớm”...
(Còn nữa...)