Đào vàng ở Điện Biên - Bài 4: Đóng cửa mỏ vàng “trên giấy” đến bao giờ
Công ty “bỏ trốn" để lại khai trường chưa hoàn nguyên
Nguy cơ lũ ống, lũ quét xảy ra là rất khó lường do môi trường bị tàn phá |
Công ty Cổ phần Công nghiệp Molybden Việt Nam (Công ty Molybden) được UBND tỉnh Điện Biên cấp phép khai thác vàng tại mỏ vàng Háng Trợ, xã Phì Nhừ 2 lần: Lần 1, tại Quyết định số 98/QĐ-UBND có thời hạn 5 năm (từ tháng 1/2008 – tháng 1/2013), khai thác trên diện tích 20ha, công suất 14.000 tấn quặng nguyên khai/năm (tương đương 350kg vàng); Lần 2: UBND tỉnh Điện Biên tiếp tục đóng dấu giấy gia hạn cho Công ty Molybden khai thác vàng, tại Quyết định số 563/QĐ-UBND, cấp ngày 12/8/2013. Theo đó Công ty Molybdel được khai thác trên diện tích 20ha, công suất 1.264 tấn quặng nguyên khai/năm (tương đương 10,83 kg vàng/năm).
Mặc dù chưa hết thời gian cấp phép khai thác (từ 2013 - 2028), tuy nhiên từ năm 2016, Công ty Molybden đã “bỏ trốn” khỏi địa bàn hoạt động. Đến đầu năm 2017, Công ty Molybden thông báo phá sản. Cuối tháng 6/2017, UBND tỉnh Điện Biên ban hành quyết định về việc thu hồi đất, chấm dứt hiệu lực giấy phép khai thác khoáng sản vàng của Công ty này.
Công ty “bỏ trốn”, gần 40ha khai trường tại mỏ vàng Háng Trợ, xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông giờ là những quả đồi núi trọc lóc, sạt lở ngổn ngang đất đá. Thực tế theo quan sát của PV Tuổi trẻ và Pháp luật, những rãnh sâu hun hút, khu vực mỏ vẫn nham nhở hố to, nhỏ.
Tình trạng khai thác vàng trái phép sau khi Công ty Molybdel dừng hoạt động diễn ra phức tạp, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn. Điều đáng nói là môi trường khu vực bị ảnh hưởng rất nặng nề, nguồn nước tại các bản Háng Trợ, Cồ Dề, Nà Ngựu, xã Phì Nhừ bị ô nhiễm kéo dài nhiều năm, sản xuất ngưng trệ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của người dân.
Ngành chức năng huyện ngồi yên, kêu khó
Trở lại mỏ vàng Háng Trợ trong ngày 20/3/2020, chứng kiến cảnh hàng chục phu vàng, trong đó có những người thâm niên đào vàng ở đây đã hơn 5 năm, cũng có những “phu vàng” tuổi đời còn rất trẻ (chỉ khoảng 15, 16 tuổi), có cả phụ nữ cùng tham gia đào vàng. Nhận là “vàng tặc” nhưng dường như người khai thác vàng rất “thoáng” khi vô tư để chúng chúng tôi chụp ảnh, quay hình, sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm tìm vàng.
Người dân mong chờ môi trường sống và sản xuất của người dân sớm được khắc phục |
Một “phu vàng” chia sẻ với chúng tôi: Mỏ vàng Phì Nhừ nếu có đóng cửa thì việc phục hồi môi trường phải được làm triệt để và phải tiến hành trồng rừng ngay sau khi san lập hầm, lò. Nếu chỉ san gạt lấp hầm, lò mà không trồng rừng và giao cho cơ quan chưa năng bảo vệ thì nói thật, nhân dân càng “thích”, thích vì người dân không phải đào bới nữa chỉ việc lấy đất đá đi nghiền đãi…
Nguồn nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của người dân bị “bức tử” |
Đem hình ảnh và câu chuyện khai thác vàng trái phép đang diễn ra tại mỏ vàng Háng Trợ trao đổi với ông Quàng Ngọc Tiên, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Điện Biên Đông, chúng tôi chỉ nhận được một lời giải thích: Thực hiện chỉ đạo của tỉnh Điện Biên, các cấp chính quyền huyện Điện Biên Đông đã có nhiều văn bản, trực tiếp chỉ đạo công an huyện, chính quyền xã nắm bắt tình hình, ngăn chặn tình trạng khai thác vàng trái phép. Tuy nhiên, do cửa mỏ vẫn chưa được đóng, khiến tình trạng khai thác vàng trái phép ở Háng Trợ vẫn rất khó kiểm soát.
Cửa mỏ đóng trên “giấy”, lòng dân bao giờ mới yên?
Trước việc Công ty Molybden không thực hiện cải tạo phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản, ngày 26/5/2017, UBND tỉnh Điện Biên đã có công văn số 1448/UBND-KTN về việc xử lý đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật về khoáng sản, đất đai, bảo vệ an ninh trật tự khu vực mỏ vàng Háng Trợ, xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông gửi các sở ngành, đơn vị liên quan.
Sau 3 năm từ khi UBND tỉnh Điện Biên ra Công văn số 1448/UBND-KTN ngày 26/5/2017 về việc xử lý đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường thì đến ngày 14/1/2020 của Sở TN&MT tỉnh Điện Biên mới có Tờ trình số 11/TTr-STNMT trình UBND tỉnh Điện Biên và phải đên ngày 17/2/2020, UBND tỉnh Điện Biên ra Quyết định số 141/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản tại điểm mỏ vàng Háng Trợ, xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên.
Mục đích đóng cửa mỏ là để quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, thanh lý tài nguyên thuộc phần diện tích đã khai thác hết trữ lượng và giao đất cho UBND huyện Điện Biên Đông quản lý theo quy định pháp luật; phục hồi môi trường các khu vực đã khai thác. Tổng diện tích khu vực đóng cửa mỏ là 39,8ha.
Nội dung thực hiện đề án là: San gạt mặt bằng khu vực đáy moong; tạo hệ thống thoát nước chống ùn ứ; chèn cửa lò bằng tường dá hộc và xi măng mác 50, có biển cảnh báo nguy hiểm đối với các lò dọc vỉa vận tải, lò dọc vỉa thông gió; tiến hành cậy gỡ đá treo, bám vách taluy khu vực moong khai thác; xây tường chắn đáy moong khai thác; nạo vét khơi thông dòng chảy liền kề hang Háng Trợ; san gạt cắt tầng trên các sườn dốc; san gạt khu vực vách trượt và các tuyến đường vào mỏ, nội mỏ.
Tổng kinh phí thực hiện là 2.459.271.538 đồng (đã bao gồm thuế VAT). Kinh phí để lập, thực hiện Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản được lấy từ nguồn kinh phí thực hiện ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường và nguồn vốn sự nghiệp hàng năm của ngân sách tỉnh Điện Biên. Theo đó, UBND huyện Điện Biên Đông có trách nhiệm quản lý, sử dụng kinh phí cải tạo, phục hồi môi trường và đóng cửa mỏ theo quy định với số tiền 2.097.667.867 đồng.
Người dân phải khắc phục bằng việc tự làm đường ống dẫn nước dài hàng km từ các “mó nước” sâu trong rừng. |
Ông Vũ Ngọc Hoành, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông cho biết: Mặc dù đề án đóng cửa mỏ vàng Háng Trợ đã được UBND tỉnh phê duyệt nhưng đến nay, huyện vẫn chưa được bố trí tiền để thực hiện đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường.
Việc UBND tỉnh Điện Biên ra Quyết định đóng cửa mỏ nhưng đã 1 tháng từ khi ra quyết định tỉnh Điện Biên vẫn “bất động” không bố trí kinh phí, khiến chính quyền huyện Điện Biên Đông không thể thực hiện được việc đóng cửa mỏ, phục hồi, cải tạo môi trường.
Môi trường mỏ vàng Háng Trợ chậm khắc phục ngày nào thì lòng dân Phì Nhừ chưa thể yên ngày đó, những ẩn họa về môi trường vẫn đang từng ngày bị tàn phá, những loại chất độc hại xả ra môi trường từ nạn “vàng tặc” từng ngày ngấm sâu vào đất, nguồn nước sinh hoạt của người dân, sinh mạng và cuộc sống của người dân đang trông chờ vào hành động của chính quyền tỉnh Điện Biên.
Chúng tôi sẽ tiếp tục chuyển những ý kiến của người dân lên ngành chức năng của tỉnh để làm sáng tỏ nội dung thông tin.
(Còn nữa…)