Danh sách 762 công ty liên quan vụ Vạn Thịnh Phát bị "đóng băng" tài sản
Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội vừa có thông báo tạm dừng biến động đối với tài sản, gồm: Bất động sản, cổ phần, vốn góp, cổ phiếu… thuộc sở hữu của các bị can, cá nhân, công ty liên quan trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan để phục vụ yêu cầu điều tra vụ án.
Việc này vừa phục vụ điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) vừa ngăn các cá nhân tẩu tán tài sản.
Chiếu theo danh sách được Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội công bố gồm 762 công ty nằm trong diện bị "đóng băng" tài sản có cổ phần, vốn góp thuộc sở hữu của các bị can, cá nhân, công ty có liên quan vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Bị can Trương Mỹ Lan (Ảnh: Bộ Công an) |
Cụ thể, nhiều doanh nghiệp có tên tuổi nằm trong danh sách gồm: Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 6 - Công ty Cổ phần (Cienco6); Công ty TNHH Phát triển Bất động sản Khải Hưng, Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông, Công ty Đầu tư và Phát triển Sunny World...
Trước đó, ngày 7/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã ra quyết định khởi tố vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan.
Đồng thời, Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 3 đồng phạm về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" do có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định của pháp luật để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của người dân trong thời gian năm 2018 - 2019.
Tại buổi họp báo Chính phủ diễn ra cuối tháng 10/2022, Trung tướng Tô Ân Xô - Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông với bị can là Trương Mỹ Lan và đồng phạm là vụ án rất khó đối với lực lượng thực thi pháp luật trong quá trình điều tra, trinh sát và khởi tố vụ án.
Theo ông Tô Ân Xô, ban chuyên án đã cân nhắc rất kỹ lưỡng các yếu tố, ngang dọc, trên dưới, trong ngoài, những yếu tố có thể ảnh hưởng đến quá trình tố tụng, để có những phương án, đối sách phù hợp, đúng pháp luật, đúng người, đúng tội.
Đại diện Bộ Công an cho biết, mục tiêu của quyết định khởi tố vụ án kể trên nhằm đảm bảo tính thượng tôn pháp luật, đảm bảo pháp luật được thực hiện nghiêm minh, nhằm đảm bảo cho thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán, tài chính ngân hàng hoạt động lành mạnh, ổn định, bền vững, đúng với cơ chế thị trường, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, của người cầm tiền, đảm bảo lợi ích của người dân, doanh nghiệp, đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi, phát triển, nhằm mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.
Trung tướng Tô Ân Xô cũng khẳng định không hề có yếu tố hình sự hoá các quan hệ kinh tế xã hội trong vụ việc. Vấn đề ở đây là yếu tố thượng tôn pháp luật được bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân.
Chi tiết danh sách 762 công ty liên quan vụ Vạn Thịnh Phát bị yêu cầu "đóng băng" tài sản tại đây!