Đảm bảo nguồn lực sàng lọc trước sinh và 9 bệnh, tật bẩm sinh
Vĩnh Phúc: Phẫu thuật thành công cho bệnh nhân 98 tuổi bị u xơ tử cung Nhiều kỹ thuật chỉnh hình nhi ở Việt Nam đã tiệm cận các nước tiên tiến Khuyến cáo cộng đồng phòng chống bệnh Whitmore |
Theo văn bản do PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế ký ban hành Thực hiện Quyết định số 1999/QĐ-TTg ngày 7/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030, Bộ Y tế đã có công văn số 7375/BYT-TCDS ngày 31/12/2020 về việc triển khai thực hiện Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030 gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Lấy máu gót chân xét nghiệm cho trẻ sơ sinh chính là phương pháp hiệu quả để phát hiện sớm các bệnh lý bẩm sinh |
Đến nay, 60/63 tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch, chương trình thực hiện Quyết định số 1999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030. Sau hơn 2 năm triển khai, theo báo cáo của các tỉnh, thành phố, kết quả thực hiện các giải pháp và mục tiêu còn thấp.
Để bảo đảm triển khai có hiệu quả Quyết định 1999, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp để đạt các mục tiêu, chi tiêu của Quyết định 1999 đã được phê duyệt; Ưu tiên tập trung chỉ đạo tổ chức triển khai một số nội dung cụ thể.
Đối với 3 tỉnh, thành phố chưa ban hành kế hoạch thực hiện Quyết định 1999 cần chỉ đạo Sở Y tế chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng và trình UBND tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1999/QĐ- TTg của địa phương theo hướng dẫn tại công văn số 7375/BYT-TCDS ngày 31/12/2020 của Bộ Y tế.
Các địa phương chỉ đạo đôn đốc triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình đảm bảo đạt các chỉ tiêu như sau, trước mắt đến năm 2025, cần chú trọng đạt được các chỉ tiêu tỷ lệ phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất đạt 50%; Tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc ít nhất 5 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất đạt 70%; Tỷ lệ xã, phường, thị trấn có cơ sở cung cấp dịch vụ sàng lọc trước sinh; Sàng lọc sơ sinh theo hướng dẫn chuyên môn đạt 70%; Tỷ lệ cơ sở y tế tuyến huyện trở lên đủ năng lực cung cấp dịch vụ sàng lọc trước sinh; sàng lọc sơ sinh theo hướng dẫn chuyên môn đạt 70%.
Ngoài ra, các đơn vị đôn đốc đẩy mạnh triển khai hỗ trợ các đối tượng sử dụng gói dịch vụ cơ bản (Quyết định số 3845/QĐ-BYT ngày 11/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành danh mục một số bệnh, tật bẩm sinh được tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh thuộc gói dịch vụ cơ bản).
Bộ Y tế thông tin, hiện nay, Bộ Y tế tiếp tục cấp miễn phí hóa chất, giấy lấy mẫu và vật tư tiêu hao đã mua từ Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020 thực hiện xét nghiệm cho đối tượng miễn phí, thông qua 5 Trung tâm sàng lọc khu vực thuộc: Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, trường Đại học Y Dược Huế, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ thực hiện xét nghiệm sàng lọc sơ sinh (2 bệnh thiếu men G6PD và bệnh suy giáp trạng bẩm sinh) cho các đối tượng các tỉnh, thành phố thuộc địa bản phụ trách; Thông qua Trường Đại học Y Dược Huế thực hiện xét nghiệm sàng lọc trước sinh cho các đối tượng thuộc các tỉnh khu vực Miền Trung.
Sau khi sử dụng hết số lượng nêu trên, Bộ Y tế đề nghị ngân sách địa phương đảm bảo để triển khai thực hiện.
Đối với các tỉnh, thành phố triển khai sàng lọc trước sinh và sơ sinh bằng hóa chất, vật tư đã mua giai đoạn 2016-2020, phối hợp với 5 Trung tâm sàng lọc khu vực triển khai lấy mẫu thực hiện xét nghiệm sàng lọc sơ sinh và sàng lọc trước sinh theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại công văn số 146/BYT-TCDS ngày 10/1/2022 về việc hướng dẫn đối tượng sử dụng gói dịch vụ xét nghiệm sàng lọc trước sinh và sơ sinh miễn phí theo quy định tại Quyết định số 1999/QĐ-TTg; Công văn số 5708/BYT-TCDS ngày 11/10/2022 về việc thông báo không thu phí gói dịch vụ xét nghiệm sàng lọc trước sinh và sơ sinh miễn phi theo quy Quyết định số 1999/QĐ-TTg.
Để bảo đảm các đối tượng thuộc diện ưu tiên quy định tại Quyết định 1999/QĐ- TTg được sử dụng miễn phi gói dịch vụ cơ bản, Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh, thành phố đảm bảo nguồn lực cả về cơ sở vật chất, năng lực chuyên môn để sáng lọc trước sinh 4 bệnh, tật bẩm sinh (hội chứng Edward, hội chứng Down, hội chứng Patau, bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia) và sàng lọc sơ sinh 5 bệnh, tật bẩm sinh (bệnh suy giáp trạng bẩm sinh, bệnh thiếu men G6PD, bệnh tăng sản thượng thận bẩm sinh, khiếm thỉnh bẩm sinh và bệnh tim bẩm sinh) thuộc gói dịch vụ cơ bản.
Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố thực hiện thống kê, tổng hợp đầy đủ các đối tượng đã tham gia thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị các địa phương có văn bản gửi về Bộ Y tế để được hỗ trợ, giải quyết kịp thời.