Đà Nẵng: Gần vạn người dân khốn khổ vì thiếu nước sạch
Thông báo cắt nước nửa ngày, nhưng 4 ngày sau vẫn chưa có nước sạch |
4 ngày qua, hàng ngàn hộ dân của quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng) rơi vào cảnh khốn đốn vì thiếu nước sạch sau đợt tạm ngưng cung cấp nước để phục vụ thi công dự án nâng cấp tại Nhà máy nước Cầu Đỏ.
Do hàng trăm người dân ngụ tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà liên tục phản ánh, gọi điện qua đường dây nóng về tình trạng nước sạch không về một giọt nào kể từ chiều 18/5, nên vào ngày 21/5, Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (DAWACO) đã đưa xe tải chở bồn chứa (500 lít di động) đến cung ứng để người dân xài tạm.
Vào chiều 21/5, khi xe tải chở bồn nước về đến đầu đường Ngô Thì Hương (phường Nại Hiên Đông), hàng chục người dân đã chen chúc chạy đến, dùng từng thùng nhựa để hứng nước, tranh thủ đem về nhà. Tuy nhiên, sau khi vận chuyển được khoảng 1.000 lít, xe tải này lại di chuyển đến khu vực khác.
“Họ nói là sẽ có nước trở lại sau 5 -7 tiếng nhưng đến sáng nay, nước vẫn chưa về đường ống của gia đình. Tiền nước thì chúng tôi luôn đóng đầy đủ nhưng nước sạch lúc này thì không có. Xe bồn chở nước về đây nên người dân đã đỡ được phần nào” - anh Võ T. (ngụ phường Nại Hiên Đông) bức xúc.
Theo người dân, dọc khu vực đường Vũng Thùng 4, Ngô Thì Hương, Vũng Thùng 3 (phường Nại Hiên Đông) có tới hàng trăm hộ dân phải sinh hoạt trong cảnh không có nước sạch. Khốn khổ nhất là những hộ sinh sống trên các khu chung cư nằm gần cảng cá Thọ Quang vì nước vẫn không thấy chảy về.
Theo ghi nhận của phóng viên, một số khu dân cư tại khu vực phường Nại Hiên Đông, Phước Mỹ, An Hải Bắc (quận Sơn Trà) và phường Hòa Quý, Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) người dân vẫn chưa có nước sạch để sinh hoạt.
Do nước sạch không có nên người dân đã mua các bình nhựa loại 20 lít, đi sang khu vực khác để xin hoặc mua nước về xài tạm, rất vất vả. Tại khu vực đường An Cư 1, An Cư 2, An Cư 3 và Hà Đặc (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà), nước từ thủy cục đã về nhưng vẫn trong tình trạng chảy nhỏ giọt vì áp lực nước rất yếu.
Người dân dùng thùng nhữa lấy nước từ bồn nước di động |
Ông Trần Hưng T. (ngụ tổ 106, phường An Hải Bắc) cho biết, tuy nước đã có nhưng chảy quá yếu khiến việc giặt giũ của gia đình vẫn gặp khó khăn.
10.000 hộ dân bị ảnh hưởng
Ông Hồ Minh Nam, Phó Tổng Giám đốc DAWACO thừa nhận khu vực Sơn Trà vài ngày qua đã xảy ra tình trạng thiếu hụt nước sạch sau khi đơn vị tiến hành tạm ngưng cung cấp nước trên toàn địa bàn thành phố để đấu nối hệ thống điện vào mạng lưới đường ống cho dự án nâng cấp công suất (lên 60.000 m3) tại Nhà máy nước Cầu Đỏ (quận Cẩm Lệ).
“Khu vực Sơn Trà có khoảng 40.000 hộ dân sử dụng nước sạch thì trong đó bị ảnh hưởng khoảng 20 - 30% (tức khoảng 10.000 hộ). Đây là khu vực cuối nguồn, dân cư bao phủ quá lớn, cộng với việc hệ thống đường ống dẫn nước D600 chưa được nâng cấp, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nước sạch làm người dân bức xúc” -ông Nam phân trần.
Về giải pháp trước mắt, lãnh đạo DAWACO cho biết, đơn vị vẫn đang cung ứng nước sạch bằng các bồn chứa di động và chở đến từng hộ dân đang bị thiếu nước. Đến trưa 21/5, tình trạng thiếu nước cơ bản đã chấm dứt. Một số khu vực có nước trở lại nhưng vẫn còn yếu. Về lâu dài, đơn vị sẽ nâng cấp và mở rộng thêm đường ống D600 khác tại Sơn Trà để đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của người dân. Ngoài ra, sau khi được tăng thêm 60.000 m3, công suất tại Nhà máy nước Cầu Đỏ sẽ đạt trên 250.000 m3/ngày đêm.
Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Lê Cao (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng) cho rằng, nguyên nhân này xuất phát từ hệ quả của việc quy hoạch, xây dựng mạng lưới cấp nước và hệ thống dẫn nước không dự liệu được nhu cầu sử dụng của thành phố.
Về lâu dài cần phải có sự quy hoạch, đầu tư hệ thống cấp nước, nhà máy cấp nước, các công trình đường dẫn và các công trình liên quan nhằm đảm bảo nguồn nước đủ cho người dân.
“Nếu DAWACO không đảm bảo năng lực thì cần tính toán, xem xét trách nhiệm về các cam kết của DAWACO đối với thành phố để có giải pháp khắc phục hoặc cần thêm các doanh nghiệp, đơn vị cấp nước đầu tư để đảm bảo nguồn nước cho người dân thành phố” - luật sư Cao khẳng định.
Theo luật sư Cao, chuyện sử dụng nước của người dân không thể đơn giản được xem như việc mua bán một sản phẩm thông thường, mà đây là vấn đề cấp bách liên quan đến sự sống, nhu cầu cấp thiết của người dân, là vấn đề về sức khỏe và dân sinh.