Đà Nẵng: Chưa đủ bằng chứng để xử lý vụ suất bún cá cam của công nhân có sán
Công ty Việt Hoa nơi công nhân phát hiện trong suất bún cá cam có sán |
Sáng 21/6, ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Đà Nẵng cho biết, đơn vị vừa có thông cáo báo chí gửi đến các phóng viên liên quan đến vụ xác minh thông tin có sán đã chết trong các suất bún cá cam, do Công ty TNHH An Thạnh (Công ty An Thạnh) chế biến để phục vụ công nhân thuộc Công ty TNHH Điện tử Việt Hoa vào ngày 13/6.
Theo đó, qua thông tin phản ảnh của báo chí về việc công nhân làm việc tại Công ty TNHH Điện tử Việt Hoa phát hiện trong bún cá cam có sán. Theo đó, Ban Quản lý An toàn thực phẩm đã tiến hành kiểm tra để xác minh vụ việc.
Qua xác minh, vụ việc trên diễn ra vào lúc 10 giờ 30 sáng 13/6 tại Công ty TNHH Điện tử Việt Hoa (Lô A1 KCN Hòa Khánh, quận Liên Chiểu), trong lúc ăn bún cá cam thì có 3 công nhân đang ăn phát hiện và phản ảnh trong lát cá cam của tô bún có sán chết. Suất ăn này do Công ty An Thạnh cung cấp.
Ông Hải xác nhận, tổng số suất ăn (bún cá cam) cho bữa trưa ngày 13/6 là 1.047 suất và chia làm nhiều đợt. Cụ thể, đợt 1 phục vụ được 200 suất thì có sự phản ảnh của công nhân. Sau khi tiếp nhận phản ánh, Công ty An Thạnh đã dừng ngay phục vụ món bún cá cam và đã thay thế món ăn khác cho số công nhân còn lại.
Kết quả kiểm tra tại Công ty An Thạnh cho thấy, Công ty có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm số 371/2017/ATTP-CNĐK do Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm cấp ngày 14/9/2017; có đầy đủ giấy khám sức khỏe của nhân viên và chủ cơ sở. Về điều kiện vệ sinh đối với cơ sở, điều kiện trang thiết bị dụng cụ, các điều kiện đảm bảo yêu cầu theo đúng quy định.
Về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu nhập để chế biến suất ăn có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đầy đủ hồ sơ. Về chế độ kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn: có thực hiện việc lưu mẫu thực phẩm 24h, ghi chép sổ sách đầy đủ theo quy định (hiện có mẫu lưu của ngày 18/6. Tuy nhiên, mẫu lưu thức ăn của ngày 13/6 đã bị hủy do thời gian lưu đã quá 24 giờ.
Ông Nguyễn Tứ, Phó Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Đà Nẵng trả lời báo chí về vụ việc có sán trong suất bún của công nhân |
Qua kiểm tra cho thấy, nguyên liệu cá cam để chế biến món bún cá cam phục vụ ngày 13/6, qua kiểm tra hồ sơ, Công ty An Thạnh nhập lô cá cam đông lạnh gồm 300 kg vào ngày 8/6 của Công ty Cổ phần Thủy sản Anh Minh (địa chỉ: số 03 đường Ngô Quyền, phường Máy Chai, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng). Lô hàng này có Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu do Chi cục Thú y Vùng II cấp ngày 25/5/2019.
Tại thời điểm kiểm tra, trong kho không còn nguyên liệu cá cam do đã sử dụng hết trong ngày 13/6. Đoàn kiểm tra lúc này đã không lấy được các mẫu thức ăn lưu của ngày 13/6 và mẫu cá nguyên liệu của ngày 13/6 để làm các xét kiểm cần thiết theo quy định.
"Như vậy, qua quá trình kiểm tra và xác minh tại Công ty An Thạnh, Ban Quản lý An toàn thực phẩm nhận định chưa có cơ sở pháp lý để xác định thịt cá cam có sán như phản ánh. Việc phát hiện ban đầu của công nhân và Công ty An Thạnh về một số lát cá cam trong tô bún có sán chỉ bằng cảm quan, chưa đủ bằng chứng pháp lý để xử lý, mà cần phải có bằng chứng chứng minh thông qua kết quả thử nghiệm của phòng kiểm nghiệm theo quy định của pháp luật” – ông Hải cho hay.
Ngoài ra, Công ty An Thạnh đã kịp thời tiếp nhận thông tin phản ảnh của công nhân và nhanh chóng áp dụng biện pháp khắc phục là dừng ngay cho công nhân ăn bún cá cam và thay thế món ăn khác; đồng thời tạm dừng việc sử dụng nguyên liệu cá cam để chế biến suất ăn để tổ chức xem xét đánh giá lại chất lượng, an toàn thực phẩm, đối với nguồn nguyên liệu cá cam nhập từ Hải Phòng.
Cơ quan chức năng Đà Nẵng cho rằng, một số lát cá cam trong tô bún có sán chỉ bằng cảm quan, chưa đủ bằng chứng pháp lý để xử lý. |
Qua kiểm tra, Ban Quản lý An toàn thực phẩm Đà Nẵng yêu cầu Công ty TNHH An Thạnh thực hiện ngay việc kiểm tra, rà soát lại quy trình quản lý an toàn thực phẩm và tăng cường công tác kiểm tra chặt chẽ, kỹ lưỡng các khâu trong suốt quá trình chế biến thức ăn từ khâu tiếp nhận nguyên liệu đến sơ chế, chế biến, bảo quản… nhằm phát hiện, ngăn ngừa kịp thời không để xảy ra các sự cố về an toàn thực phẩm tương tự.
Ngoài ra, trong thời gian đến, khi nhập nguyên liệu cá cam về chế biến phải thực hiện lấy mẫu kiểm nghiệm chỉ tiêu ô nhiễm ký sinh trùng và báo cáo kết quả cho Ban Quản lý An toàn thực phẩm. Khi có sự cố bất thường về ATTP phải báo cáo ngay cho Ban Quản lý an toàn thực phẩm để phối hợp xử lý kịp thời.
Theo ông Hải, Ban Quản lý An toàn thực phẩm đã có kế hoạch phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng và các đơn vị liên quan trong việc giám sát an toàn thực phẩm đối với nguồn nguyên liệu cá cam nhập khẩu từ Hàn Quốc của Công ty Cổ phần Thủy sản Anh Minh (TP Hải Phòng) để đánh giá chất lượng, an toàn thực phẩm cá cam cung cấp cho thành phố Đà Nẵng.
Ông Hải cho rằng, qua vụ việc này, Ban Quản lý An toàn thực phẩm Đà Nẵng sẽ tăng cường công tác giám sát an toàn thực phẩm, đặc biệt là đối với giám sát ô nhiễm ký sinh trùng trong thực phẩm, ô nhiễm thực phẩm nhằm đánh giá mối nguy để có giải pháp quản lý trong thời gian đến, trong đó trọng tâm kiểm tra các cơ sở cung cấp thức ăn trong các khu công nghiệp, dịch vụ ăn uống phục vụ cho người dân và du khách.