Đa dạng hóa nội dung và hình thức tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm

Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình đa dạng hóa nội dung và hình thức tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm nâng cao ý thức người dân.
Tây Hồ: Tạm giữ gần 1 tấn cánh gà đông lạnh vi phạm an toàn thực phẩm

Tăng cường kiểm tra, giảm thiểu nguy cơ mất an toàn thực phẩm

Thời gian qua, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đã vào cuộc quyết liệt, tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm giảm thiểu nguy cơ về mất an toàn thực phẩm. Ngoài các cuộc kiểm tra định kỳ và đột xuất, công tác hậu kiểm cũng đã được tăng cường. Những hoạt động này nhằm kịp thời phát hiện thực phẩm không bảo đảm an toàn, các cơ sở còn tồn tại các vi phạm, chưa tuân thủ đầy đủ quy trình chế biến.

Đoàn kiểm tra Sở Y tế Hà Nội xét nghiệm nhanh mẫu bát đĩa tại một khách sạn trên địa bàn quận Ba Đình
Đoàn kiểm tra Sở Y tế Hà Nội xét nghiệm nhanh mẫu bát đĩa tại một khách sạn trên địa bàn quận Ba Đình

Thành phố Hà Nội hiện có 76.807 cơ sở thực phẩm. Cùng với việc triển khai có hiệu quả, kịp thời các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành và của thành phố về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm cũng tiếp tục được ngành Y tế Thủ đô tăng cường; Trọng tâm là tập trung kiểm tra hậu kiểm sau công bố, kiểm tra đột xuất, xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Trong 5 tháng đầu năm, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức 3 đoàn thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm an toàn thực phẩm theo kế hoạch; 2 đoàn truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại bếp ăn tập thể của 10 quận, huyện: Long Biên, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Đông Anh, Quốc Oai, Phúc Thọ, Ba Vì, Đan Phượng và truy xuất nguồn gốc rau, củ, quả cung cấp cho các bếp ăn tập thể trường học.

Sở cũng tổ chức các đoàn giám sát mô hình điểm về an toàn thực phẩm tại các quận, huyện, thị xã. Kết quả, qua thanh tra, kiểm tra 206 cơ sở thực phẩm, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý vi phạm 38 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 578 triệu đồng.

Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền

Bên cạnh việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, các địa phương cũng chủ động triển khai các hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức người dân về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo Trưởng phòng Y tế quận Hai Bà Trưng Cao Thị Hoa, thực hiện Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023, quận Hai Bà Trưng đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm.

Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 kiểm tra công tác bảo quản thực phẩm tại Công ty cổ phần thực phẩm Thiên Vương - ACE FOODS (30 Nguyễn Khang, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội)
Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 kiểm tra công tác bảo quản thực phẩm tại Công ty cổ phần thực phẩm Thiên Vương - ACE FOODS

Quận cũng kịp thời thông tin các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao, các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn thực phẩm; Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; Nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.

Tương tự, tại quận Cầu Giấy, hiện có 3.153 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm (thành phố quản lý 481 cơ sở, quận quản lý 1.095 cơ sở, phường quản lý 1.577 cơ sở); Trong đó có 14 trung tâm thương mại, 145 siêu thị và cửa hàng tiện ích, 10 chợ...

Trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023, các đoàn kiểm tra của quận và phường đã kiểm 238 cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống, xử phạt 16 cơ sở với số tiền 99,5 triệu đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu là cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống không có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm...

Còn tại huyện Ba Vì, công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn đang dần đi vào nền nếp. Kết quả đó là nhờ huyện đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật An toàn thực phẩm và các văn bản dưới luật, tác hại của việc mất vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sức khỏe cộng đồng. Huyện cũng yêu cầu các xã, thị trấn tăng cường quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm; 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh được tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm...

Tại buổi làm việc với Đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về an toàn thực phẩm mới đây, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong thông tin, thực hiện Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023, TP chủ động và đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền, thông tin kịp thời về thực trạng an toàn thực phẩm, khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, công khai cơ sở vi phạm trên phương tiện truyền thông đại chúng.

Ngoài ra, thành phố cũng chủ động tổ chức giám sát chất lượng thực phẩm lưu thông trên thị trường và những vùng sản xuất trên địa bàn, cảnh báo nguy cơ, truy xuất nguồn gốc thực phẩm không bảo đảm an toàn; Tăng cường phối hợp với các tỉnh trong quản lý, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, nông, lâm, thủy sản vào Hà Nội.

Trong thời gian tới, bên cạnh các hoạt động tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm, Hà Nội tiếp tục tăng cường công tác thanh, kiểm tra định kỳ, đột xuất, hậu kiểm, kiểm nghiệm việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, kiên quyết xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Thực hiện Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023, các quận, huyện thị xã tổ chức 609 buổi tập huấn cho người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng với tổng số 46.525 lượt người; Viết 950 bài về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, tuyên truyền 9.050 lượt trên hệ thống loa truyền thanh của xã, phường, thị trấn.
Diệu Linh
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động