Cựu Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong bị bắt

Cựu Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong bị bắt trong vụ án sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm chức năng xảy ra tại Công ty MediPhar.
Hà Nội lập Đoàn liên ngành kiểm tra thực phẩm chức năng, sản phẩm sữa Hậu kiểm quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng trên toàn quốc

Theo Cổng thông tin Bộ Công an, ngày 12/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn, khám xét đối với 05 đối tượng thuộc Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) liên quan vụ án "Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng", xảy ra tại Công ty MediPhar và các đơn vị, tổ chức liên quan.

Mở rộng điều tra vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã làm rõ dấu hiệu tiêu cực, buông lỏng quản lý của các đối tượng là lãnh đạo, cán bộ Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ thẩm định, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất và giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm (cấp phép sản xuất) các sản phẩm thực phẩm chức năng cho nhiều đơn vị, tổ chức kinh doanh thực phẩm chức năng trên cả nước.

Bước đầu đã làm rõ việc bị can Nguyễn Năng Mạnh (Giám đốc Công ty MegaPhaco, Chủ tịch Công ty Cổ phần Dược phẩm MEDIUSA, trụ sở tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã thông đồng, móc ngoặc và đưa tiền "lobby" cho một số lãnh đạo, cán bộ thuộc Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế.

Cựu Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong bị bắt
Các đối tượng Nguyễn Thanh Phong; Đinh Quang Minh; Nguyễn Thị Minh Hải; Lê Thị Hiên; Cao Văn Trung (theo thứ tự từ trái qua).

Từ đó, các lãnh đạo, cán bộ này bỏ qua các lỗi vi phạm, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thẩm định, hậu kiểm, cấp 4 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt cho 2 Nhà máy (MediPhar và MediUSA); cấp 207 giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm (cấp phép) cho 207 sản phẩm thực phẩm chức năng của 9 công ty (gồm: MediPhar, MEDIUSA, MegaLife, Việt Đức, MegaPharco, Việt Pháp, Liên doanh USA, PharmaCist, VitaPhar).

Việc này giúp Nguyễn Năng Mạnh và đồng phạm sản xuất thực phẩm chức năng giả với số lượng đặc biệt lớn, thu lời bất chính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, gây thiệt hại về kinh tế cho người dân, gây bức xúc trong xã hội.

Căn cứ kết quả điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn, khám xét đối với 5 đối tượng thuộc Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế, gồm: Nguyễn Thanh Phong, nguyên Cục trưởng; Đinh Quang Minh, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và đào tạo an toàn thực phẩm; Nguyễn Thị Minh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và đào tạo an toàn thực phẩm; Lê Thị Hiên, Chuyên viên 2 Trung tâm Ứng dụng và đào tạo an toàn thực phẩm; Cao Văn Trung, Phó trưởng phòng Giám sát ngộ độc, về tội "Nhận hối lộ", quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự.

Sau khi Viện KSND tối cao phê chuẩn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện tống đạt các thủ tục tố tụng nêu trên theo đúng quy định của pháp luật.

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang củng cố tài liệu, chứng cứ làm rõ hành vi phạm tội của các bị can; đồng thời mở rộng điều tra làm rõ sai phạm, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan, xử lý theo quy định pháp luật.

Trước đó, ngày 26/4, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết đã khởi tố vụ án sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.

Cơ quan cảnh sát điều tra cũng khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với 5 người gồm: Nguyễn Năng Mạnh; Đỗ Mạnh Hoàng (Giám đốc Công ty MediPhar); Khúc Minh Vũ (Giám đốc Công ty Việt Đức); Phạm Thị Hường (kế toán phụ trách 4 Công ty MediPhar, MEDIUSA, MegaLife, Hùng Phương); Lê Thị Toan (thủ quỹ 6 Công ty MediPhar, MEDIUSA, MegaLife, Hùng Phương, MegaPhaco, Việt Đức).

Theo điều tra, từ năm 2016 Nguyễn Năng Mạnh và các đồng phạm đã thành lập, điều hành nhiều công ty để hợp thức hành vi sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng giả từ khâu nhập khẩu nguyên liệu đến sản xuất, đóng gói bao bì, tiêu thụ trên thị trường.

Nhóm này sử dụng 2 hệ thống sổ sách kế toán (một sổ sách kế toán nội bộ và một sổ sách để kê khai nộp thuế) nhằm giảm số thuế phải nộp, gây thất thu thuế cho Nhà nước.

Cảnh sát xác định các nghi phạm sử dụng thủ đoạn in trên bao bì, nhãn mác sản phẩm là nhập khẩu từ Mỹ, châu Âu... nhưng trên thực tế chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc và mua trôi nổi trên thị trường.

Về chỉ tiêu chất lượng, nhiều thành phần chỉ đạt dưới 30% so với công bố. Khi nghi ngờ bị điều tra, các nghi phạm tẩu tán, tiêu hủy nguyên liệu, sản phẩm, đóng cửa nhà máy.

Người tiêu dùng mà nhóm này nhắm tới bán sản phẩm chủ yếu tập trung vào người già, trẻ em.

Khám xét tại các kho hàng và một số cơ sở kinh doanh, Bộ Công an thu giữ số lượng thực phẩm chức năng đặc biệt lớn, đa dạng về chủng loại, được phân phối rộng rãi trên cả nước với tổng số thực phẩm chức năng thu giữ khoảng 100 tấn.

Hậu Lộc
Phiên bản di động