Công ty của ông Johnathan Hạnh Nguyễn mỗi ngày thu 7,5 tỷ đồng
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn: Sân bay Long Thành là tương lai của SASCO Vợ tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn được đề cử vào Hội đồng quản trị SASCO |
Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2024 với những con số tài chính khá tích cực trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn đối mặt với quá nhiều thách thức, khó khăn.
Theo đó, trong quý đầu năm 2024, công ty dưới sự dẫn dắt của ông Johnathan Hạnh Nguyễn đạt doanh thu thuần hơn 680 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế xấp xỉ 46 tỷ đồng, tăng lần lượt 20% và 26% so với cùng kỳ.
Chiếu theo báo cáo tài chính cho thấy, sự tăng trưởng mạnh của doanh thu, cùng với biên lợi nhuận cao ngất ngưỡng là yếu tố chính tạo nên bức tranh kinh doanh khả quan của SASCO.
Cụ thể, trong quý I/2024, cứ 100 đồng doanh thu thì SASCO thu về 53 đồng tiền lãi gộp. Đáng chú ý, trong quý đầu năm nay con số chi phí đi vay bằng 0 cho thấy công ty không hề vay nợ ngân hàng.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch SASCO. |
Theo lý giải của SASCO, nguyên nhân lợi nhuận tăng mạnh do hoạt động kinh doanh của công ty đã được khôi phục bình thường, sản lượng hành khách đi và đến ga quốc nội và quốc tế đều tăng.
Mới đây, SASCO đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 và đã thông qua mục tiêu doanh thu thuần của năm 2024 là 2.903 tỷ đồng, tăng 5% so với 2023. Trong đó, doanh thu thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh là 2.788 tỷ đồng, tăng 8% so với năm trước; mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 343 tỷ đồng, tăng 3% so với năm trước.
Để đạt được mục tiêu kinh doanh, SASCO tập trung một số giải pháp chiến lược: Chuyển đổi số và nâng cấp công nghệ; tập trung phát triển các dịch vụ đẳng cấp, đầu tư vào con người, không ngừng sáng tạo, tiên phong dẫn dắt thị trường, giữ vững thị trường truyền thống tại sân bay Tân Sơn Nhất, đón đầu cơ hội phát triển tại nhà ga T3 Tân Sơn Nhất và sân bay quốc tế Long Thành trong tương lai.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn đánh giá năm nay, dự báo nền kinh tế sẽ phục hồi tốt hơn nhưng ngành hàng không còn đương đầu với nhiều thách thức lớn về giá xăng dầu, tỷ giá, mức độ mở cửa của các nền kinh tế quốc tế trọng điểm.
Nói về cơ hội của sân bay Long Thành, ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói Long Thành sẽ thay thế vai trò của sân bay Tân Sơn Nhất và tương lai của SASCO là nằm ở đó.
Theo đó, SASCO có cơ hội tham gia kinh doanh tại sân bay Long Thành cùng các đối thủ khác, công ty có tài chính và Tập đoàn IPPG sẽ hỗ trợ nếu cần thiết.
Đặc biệt, SASCO có 3 thế mạnh là kinh nghiệm 30 năm hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ hàng không, sở hữu 138 thương hiệu của đối tác chiến lược IPPG và nguồn nhân sự chất lượng hàng nghìn người... sẽ được tập trung, củng cố, phát triển tại T3 và Long Thành
Doanh nghiệp dự báo năm 2024 kinh tế toàn cầu sẽ gặp nhiều khó khăn, do các yếu tố bất ổn từ xung đột chính trị và rủi ro trong thị trường tài chính toàn cầu. Kinh tế Việt Nam cũng sẽ đối mặt tác động từ những yếu tố này.
Trong bối cảnh đó, SASCO sẽ chú trọng vào sân bay Tân Sơn Nhất, tập trung vào bán hàng miễn thuế, phòng chờ và các dịch vụ khác. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ tiếp tục đổi mới và tăng cường phát triển các hoạt động kinh doanh hiệu quả, đồng thời tận dụng cơ hội phát triển tại nhà ga T3 Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành.
Cũng tại Đại hội đồng cổ đông năm 2024, các cổ đông của SASCo đã bầu ra Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2024-2029.
Theo đó, Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2024-2029 của SASCO với 5 thành viên: Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, ông Lê Anh Tuấn, ông Nguyễn Văn Hùng Cường, bà Lê Hồng Thủy Tiên và bà Lê Thị Diệu Thúy.
Trong đó, đáng chú ý là sự góp mặt của bà Lê Hồng Thủy Tiên, là phu nhân của ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Hội đồng quản trị của SASCO.