Còn phát sinh "giấy phép con" gây khó người dân, doanh nghiệp
Rủi ro thanh khoản doanh nghiệp bất động sản vẫn ở mức cao Tăng lương tối thiểu: Thế khó của cả doanh nghiệp và người lao động |
Ngày 8/9, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã chủ trì phiên họp thứ nhất Tổ công tác về cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng cho rằng, việc cải cách quy trình, thủ tục nội bộ sẽ góp phần nâng cao hiệu quả xử lý thủ tục hành chính đối với người dân và doanh nghiệp, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.
Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh không thực hiện cắt giảm thủ tục hành chính một cách máy móc, mà phải đáp ứng hai yêu cầu vừa bảo đảm thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước, vừa tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định cải cách thủ tục hành chính là một trong những giải pháp quan trọng tạo động lực phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp…
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì phiên họp thứ nhất Tổ công tác về cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ. |
Đến nay đã cắt giảm, đơn giản hóa 385/1.086 thủ tục hành chính theo 19 nghị quyết chuyên đề của Chính phủ và hơn 2.300 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; sửa đổi 28 văn bản quy phạm pháp luật để thực thi phân cấp giải quyết 139/699 thủ tục hành chính, đạt 20% theo Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó nhiều thủ tục hành chính phân cấp từ Trung ương về địa phương.
Các bộ ngành, địa phương đã tích cực công bố danh mục thủ tục hành chính nội bộ để rà soát, đề xuất phương án đơn giản hóa. Việc đổi mới thực hiện, giải quyết thủ tục hành chính được chú trọng, bước đầu có kết quả. Cụ thể, tỉ lệ hồ sơ giải quyết đúng hoặc sớm hạn của bộ, ngành đạt 40,16%, địa phương đạt 87,31%.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính trong thời gian qua thực sự đã có những chuyển biến "tích cực", từng bước tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp, tạo động lực để các bộ, ngành địa phương tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.
Bên cạnh những kết quả đạt được, lãnh đạo Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận còn những tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục để công tác này thực chất, hiệu quả hơn.
Cụ thể, một số lãnh đạo các cấp chưa thực sự quan tâm, quyết liệt chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực cho cải cách hành chính. Việc cắt giảm thủ tục hành chính, quy định kinh doanh còn mang tính đối phó, có lúc, có nơi chưa thật sự tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cả về chất lượng và tiến độ.
Theo Phó Thủ tướng, thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực còn nhiều rào cản; quy trình thực hiện thủ tục hành chính chưa liên thông giữa các cơ quan Nhà nước; thành phần hồ sơ còn rườm rà, phức tạp, đôi khi còn phát sinh các thủ tục, giấy phép con gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
"Vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, xử lý hồ sơ thủ tục hành chính còn chậm ở một số cơ quan", Phó Thủ tướng cho biết.
Đồng thời, công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp tại một số bộ, ngành, địa phương còn chưa kịp thời, nội dung trả lời đôi khi chưa thỏa đáng dẫn đến chưa giải quyết dứt điểm kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.
Để công tác cải cách thủ tục hành chính có những bước tiến thực chất hơn nữa, Phó Thủ tướng yêu cầu từng bộ, ngành và địa phương phải quyết liệt hơn, trách nhiệm hơn, nhất là người đứng đầu và các thành viên của tổ công tác; tránh tình trạng phó mặc cho cấp dưới và khi đi họp chỉ đọc báo cáo do cấp dưới chuẩn bị.