Con ngoài giá thú có được hưởng thừa kế của bố mẹ không?

Con ngoài giá thú có được hưởng thừa kế của bố mẹ không? Phân chia di sản thừa kế khi có người thừa kế là con riêng - con ngoài giá thú như thế nào?
Vụ tranh chấp đất đai ở huyện Bảo Thắng cần được xét xử thấu tình đạt lí Công an huyện Quế Võ giữ người trái quy định pháp luật Vụ đưa côn đồ đến chém cả nhà anh ruột: Công an, Cảnh sát đến quá muộn Vụ Trường Newton, Pascal: Đùn đẩy trách nhiệm, đá bóng cho nhau

Thừa kế tài sản là một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm dù cho người có tài sản để lại đã chết hay chưa. Bởi việc được thừa kế tài sản không chỉ nhằm xác định thân phận người thừa kế mà còn là cơ sở để phát sinh tài sản, lợi ích mà người thừa kế sẽ được hưởng khi mà người chủ sở hữu tài sản chết. Hiện nay, về vấn đề này, có nhiều người còn băn khoăn về việc con ngoài giá thú có được hưởng tài sản thừa kế hay không. Cơ sở pháp lý của việc thừa kế của con người giá thú như thế nào? Về vấn đề này, trong phạm vi bài viết, đội ngũ luật sư và chuyên viên luật Dương Gia sẽ đề cập đến nội dung “con ngoài giá thú có được hưởng thừa kế hay không”.

Hiện nay, trong văn bản của pháp luật hiện hành, vấn đề về quyền thừa kế của con ngoài giá thú được quy định chung trong Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014. Cụ thể:

Thứ nhất, về khái niệm “con ngoài giá thú”

Hiện nay, trong quy định của các văn bản pháp luật hiện hành không có định nghĩa cụ thể về khái niệm con ngoài giá thú. Tuy nhiên căn cứ vào khái niệm quy định trong từ điển tiếng việt và các quy định chung về mối quan hệ cha, mẹ con trong Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 có thể hiểu, con ngoài giá thú là khái niệm để chỉ con sinh ra trong các trường hợp con không được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hợp pháp. Cụ thể:

Nếu như một người con được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hợp pháp của vợ, chồng – tức là sinh ra sau khi vợ chồng đã xác lập quan hệ hôn nhân qua việc thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền thì trường hợp này, người con được được gọi là con chung của vợ chồng. Tuy nhiên, nếu vì nhiều lý do mà con không được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hợp pháp của cha, mẹ, ví dụ như cha, mẹ không thực hiện việc đăng ký kết hôn theo quy định, không đủ điều kiện đăng ký kết hôn, hoặc sinh ra khi một trong hai người cha, hoặc mẹ đang tồn tại quan hệ hôn nhân hợp pháp với người khác, hoặc sinh ra trước thời kỳ hôn nhân… thì những trường hợp này, người con được xác định là con ngoài giá thú.

Hiện nay, trong các văn bản pháp luật hiện hành, cụ thể là Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, Bộ luật Dân sự năm 2015 không có sự phân biệt giữa con ngoài giá thú hay con chung trong việc hưởng các quyền lợi cũng như thực hiện các nghĩa vụ giữa cha mẹ và con cái, hay các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật. Bởi cho dù con có được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hợp pháp hay không, có phải là con ngoài giá thú hay không thì cũng không thể phủ nhận được mối quan hệ ruột thịt giữa cha mẹ đẻ và con đẻ, nhất là khi có đầy đủ chứng cứ, để xác lập quan hệ cha, mẹ con.

Thứ hai, về quyền hưởng di sản thừa kế đối với con ngoài giá thú.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, khi một người chết đi, dù các quan hệ nhân thân, như quan hệ hôn nhân, và các quyền công dân của người này sẽ đương nhiên chấm dứt theo quy định của pháp luật thì quyền của người mất đối với tài sản vẫn được bảo vệ và trở thành nội dung về quyền thừa kế của những người thừa kế của họ. Tài sản, dù là bất động sản hay động sản, dù là hoàn toàn thuộc về người này hay người này chỉ sở hữu một phần tài sản thì khi người này chết đi, những tài sản này theo quy định tại Điều 612 Bộ luật Dân sự năm 2015, đều được xác định là di sản thừa kế, dùng để phân chia thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật cho những người thừa kế hơp pháp của họ. Cụ thể:

Hiện nay, có hai trường hợp phân chia thừa kế như sau:

Trường hợp 1: Phân chia thừa kế theo di chúc:

Di chúc, dù thể hiện bằng hình thức nào, bằng miệng, hay bằng văn bản thì nó đều được xác định là sự thể hiện ý chí của một cá nhân đối với việc định đoạt, chuyển dịch tài sản cho người khác trước khi chết. Di chúc sẽ là cơ sở để phân chia di sản thừa kế (tài sản do người chết để lại) sau khi chủ sở hữu tài sản chết được xác định là di chúc hợp pháp và là di chúc cuối cùng do người đó lập trước khi chết.

Trường hợp người chủ sở hữu tài sản có để lại di chúc hợp pháp, thì việc con ngoài giá thú có được thừa hưởng tài sản do người này để lại trước khi chết hay không phụ thuộc vào ý nguyện của người này được thể hiện rõ trong nội dung di chúc. Bởi như đã phân tích, khi tồn tại di chúc hợp pháp do người chủ sở hữu tài sản trước khi chết thì việc phân chia tài sản là di sản thừa kế sẽ phải được định đoạt theo nội dung di chúc.

Trường hợp này việc phân chia thừa kế theo di chúc được thực hiện như sau:

+ Nếu trong nội dung di chúc của người mất thể hiện ý nguyện để lại tài sản của họ cho nhiều người thừa kế nhưng không xác định rõ các phần tài sản cho những người thừa kế, thì trường hợp này, di sản thừa kế sẽ được chia đều cho những người được định đoạt trong nội dung di chúc, trừ trường hợp những người thừa kế này có sự thỏa thuận khác. Trường hợp này, người con ngoài giá thú – nếu được chỉ định là người thừa kế theo di chúc thì họ cũng được hưởng phần thừa kế như những người khác được hưởng di sản theo nội dung di chúc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

+ Trường hợp, trong nội dung của di chúc mà người mất để lại đã có sự phân định rõ về phần di sản mà mỗi người thừa kế được hưởng từ tài sản của người mất để lại thì việc phân chia di sản thừa kế được xác định theo nội dung di chúc. Trường hợp này, nếu người con ngoài giá thú được chỉ định là một trong những người thừa kế theo di chúc thì họ cũng được hưởng phần thừa kế tương ứng với nội dung của di chúc – phù hợp với ý chí của người để lại di sản.

Tuy nhiên, cần lưu ý, trường hợp người con ngoài giá thú không phải là người được thừa kế được hưởng tài sản theo nội dung di chúc thì mặc dù pháp luật tuân thủ và tôn trọng nguyện vọng của người lập di chúc – người để lại tài sản trước khi chết, nhưng người con ngoài giá thú này vẫn có thể được hưởng di sản thừa kế nếu thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Điều 644 Bộ luật dân sự năm 2015. Theo đó, nếu người con ngoài giá thú này là người chưa thành niên, hoặc là con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động của người mất – người để lại di sản thì mặc dù họ không phải là người được định đoạt trong nội dung di chúc, nhưng họ vẫn được hưởng ít nhất 2/3 suất của một người thừa kế nếu tài sản này được chia theo pháp luật. Quy định này là hoàn toàn phù hợp, bởi cho dù không được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hợp pháp của bố mẹ nhưng người con ngoài giá thú vẫn là con đẻ của người mất và pháp luật cũng không có bất kỳ quy định nào phân biệt về quyền thừa kế của con ngoài giá thú hay con đẻ thông thường nên có thể hiểu họ vẫn được xác định là con hợp pháp của người để lại di sản.

Mặc dù vậy, quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015 được xác định ở trên lại không áp dụng cho những người thừa kế, trong đó có con ngoài giá thú đã có hành vi từ chối nhận di sản hoặc không có quyền hưởng di sản do có hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người để lại di sản…

Trường hợp 2: Phân chia thừa kế theo pháp luật:

Đối với việc phân chia thừa kế theo pháp luật, hiện nay theo quy định tại Điều 649, 650 Bộ luật Dân sự năm 2015, di sản thừa kế sẽ được phân chia thành các phần bằng nhau cho những người thừa kế theo pháp luật nếu người chết không để lại di chúc hoặc di chúc không hợp pháp hoặc những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc cùng thời điểm với người lập di chúc hoặc họ không có quyền được hưởng di sản, từ chối nhận di sản. Việc phân chia thừa kế theo pháp luật sẽ được xác định dựa trên hàng thừa kế và các quy định chung của bộ luật dân sự cụ thể:

Căn cứ theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015, di sản thừa kế sẽ được chia thừa kế theo pháp luật theo hướng chia đều thành các phần bằng nhau cho những người thuộc hàng thừa kế theo pháp luật theo thứ tự ưu tiên như sau:

+ Hàng thừa kế thứ nhất gồm những người là vợ hoặc chồng hợp pháp, cha và mẹ đẻ, cha mẹ nuôi hợp pháp của người chết (với điều kiện những người này còn sống tại thời điểm người để lại di sản chết); con đẻ của người chết; con nuôi hợp pháp của người chết.

+ Hàng thừa kế thứ hai là những người thừa kế là các ông bà bên nội, bên ngoại,cháu ruột của người có tài sản mà người chết là ông bà bên nội, bên ngoại của người cháu đó, anh chị, em ruột của nhau thì sẽ được hưởng thừa kế.

+ Hàng thừa kế thứ ba bao gồm những người như cậu, cô, dì, chú, bác của người có tài sản để lại thừa kế, cụ bên nội ngoại hoặc chắt của người để lại tài sản khi người chết là cụ của bên nội hoặc bên ngoại.

Về mặt nguyên tắc, di sản thừa kế sẽ được chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Những người ở hàng thừa kế thứ hai, thứ ba chỉ được hưởng tài sản thừa kế nếu những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất nên trên đã chết, không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản hoặc bị truất quyền thừa kế theo pháp luật.

Có thể thấy, con ngoài giá thú, dù không được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hợp pháp của bố, mẹ, nhưng họ vẫn được xác định là con đẻ của người bố (mẹ) đã mất, do vậy họ được nhận định là một trong những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất trong những người thừa kế theo pháp luật của người đã mất. Do vậy, việc con ngoài giá thú được hưởng di sản thừa kế của người đã mất là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.

Việc pháp luật không phân biệt con trong giá thú và con ngoài giá thú đều có các quyền và nghĩa vu hưởng thừa kế của cha mẹ ngang nhau là một quy định nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của những người con ngoài giá thú này vì nó là quan hệ huyết thống, đảm bảo sự công bằng trong các quy định của pháp luật.

An Khê
Phiên bản di động