"Con cưng" của Bộ Xây dựng COMA liệu có thoát cảnh thua lỗ?
COMA giải trình vì sao năm 2018 kinh doanh thua lỗ Nhiều ''con cưng'' của Bộ Xây dựng kinh doanh bết bát, thua lỗ COMA trống "ghế" Chủ tịch trong bối cảnh khả năng hoạt động bị nghi ngờ |
Tổng Công ty cơ khí xây dựng - CTCP (COMA, mã CK: TCK) vừa có văn bản gửi Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) giải trình về việc HNX chưa nhận được thông tin họp Đại hội đồng cổ đông năm 2019.
Theo COMA, nguyên nhân do sơ suất trong quá trình gửi hồ sơ nên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội chưa nhận được hồ sơ liên quan về việc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019.
Theo nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019, COMA đặt kế hoạch 144,1 tỷ đồng doanh thu năm 2019, lợi nhuận sau thuế 550 triệu đồng và nộp ngân sách 25,9 tỷ đồng.
Như vậy, sau nhiều năm hoạt động kinh doanh chìm trong thua lỗ, ông lớn của Bộ Xây dựng COMA đặt mục tiêu thoát lỗ trong năm 2019.
Tòa nhà COMA. |
Trước đó, năm 2018, COMA ghi nhận khoản doanh thu thuần 394,6 tỷ đồng, giảm hơn 50 tỷ đồng so với năm 2017; giá vốn bán hàng chiếm tới 334,7 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp chỉ còn 60 tỷ đồng; doanh thu tài chính của công ty cũng chỉ đạt 1,6 tỷ đồng, giảm mạnh so với năm 2017.
Đáng chú ý, năm vừa qua, khoản chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của COMA đều tăng rất mạnh lên mức lần lượt 5 tỷ đồng và 182,7 tỷ đồng. Năm vừa qua, công ty cũng ghi nhận khoản chi phí lãi vay 14 tỷ đồng.
Năm 2018, khoản lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của COMA âm 141,2 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức âm 36,4 tỷ đồng năm 2017. Kết quả, COMA ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm 147,6 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức lỗ 37,8 tỷ đồng năm 2017. Như vậy, tính đến hết năm 2018, COMA ghi nhận khoản lỗ lũy kế xấp xỉ 225 tỷ đồng.
Trong văn bản giải trình gửi Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, COMA nguyên nhân dẫn đến khoản lỗ 146,7 tỷ đồng năm 2018 là do hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch mà Đại hội đồng cổ đông năm 2018 thông qua đều không hoàn thành, doanh thu thấp, lợi nhuận gộp không đủ bù đắp chi phí quản lý.
Bên cạnh đó, nguyên nhân cũng do COMA thực hiện việc trích lập dự phòng phải thu khó đòi năm 2018 và từ các năm trước, trích lập dự phòng các khoản đầu tư tài chính dài hạn (trích lập dự phòng phải thu khó đòi 135,679 tỷ đồng và trích lập dự phòng các khoản đầu tư tài chính dài hạn 8,433 tỷ đồng).
Cũng theo báo cáo tài chính, đến hết năm 2018, COMA có tổng tài sản 1.139 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 1.263 tỷ đồng năm 2017. Trong đó, tài sản ngắn hạn 896 tỷ đồng (khoản phải thu 402 tỷ đồng, hàng tồn kho xấp xỉ 450 tỷ đồng), tài sản dài hạn chỉ 197,3 tỷ đồng.
Cũng tính đến thời điểm 31/12/2018, COMA ghi nhận khoản nợ phải trả 1.098 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn chiếm tới 1.085 tỷ đồng. Trong đó, chi phí phải trả ngắn hạn là 202,7 tỷ đồng, nợ người mua trả tiền trước ngắn hạn 202,3 tỷ đồng, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn 193,5 tỷ đồng, phải trả ngắn hạn khác hơn 185 tỷ đồng...
Ngoài ra, đến hết năm 2018, nguồn vốn chủ sở hữu của COMA là 41,4 tỷ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu chỉ 38,5 tỷ đồng. Như vậy, tổng nợ phải trả đã gấp hơn 28 lần vốn chủ sở hữu, ảnh hưởng rất nhiều đến ''sức khỏe'' tài chính của công ty.
Đáng nói, tại báo cáo tài chính hợp nhất 2018, Công ty TNHH kiểm toán và tư vấn A&C tại Hà Nội đã nhấn mạnh nhiều vấn đề ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của COMA.
Cụ thể, theo đơn vị kiểm toán, COMA chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ ngày 8/11/2016. Tuy nhiên, đến thời điểm phát hành báo cáo kiểm toán này, các công việc liên quan đến quyết toán cổ phần hóa đang tiếp tục thực hiện và COMA chưa nhận được quyết định của cơ quan có thẩm quyền về phê duyệt quyết toán giá trị vốn nhà nước tại thời điểm chính thức trở thành công ty cổ phần.
Đặc biệt, đơn vị kiểm toán muốn lưu ý người đọc trong bản thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất khoản lỗ 147 tỷ đồng của COMA cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2018 và tại ngày này, khoản lỗ lũy kế của COMA là xấp xỉ 225 tỷ đồng, các khoản nợ ngắn hạn của COMA đã vượt quá tổng sài sản của Tổng Công ty là 189,6 tỷ đồng.
"Những điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắn chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của COMA'', đơn vị kiểm toán nhấn mạnh.