“Cởi trói” cho đầu tư công
Luật Đầu tư công (sửa đổi) cụ thể hóa vào 5 nhóm chính sách lớn |
Ngày 29/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Qua thảo luận, các đại biểu đều cho rằng, sau gần 5 năm thực hiện, Luật Đầu tư công 2019 đã bộc lộ một số khó khăn, hạn chế, vướng mắc cấp bách cần phải xử lý, tháo gỡ; một số quy định trong luật chưa đáp ứng, phù hợp với tình hình thực tiễn, yêu cầu phát triển trong tình hình mới.
Mất thời gian vì phải trình, báo cáo nhiều cấp
Theo đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam), thời gian qua Luật Đầu tư công 2019 và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể, việc phân cấp, phân quyền còn chưa triệt để; một số trình tự, thủ tục còn phải trình, báo cáo qua nhiều cấp, gây mất thời gian và ảnh hưởng đến tiến độ triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn và kết quả giải ngân trong kế hoạch đầu tư công hằn năm.
Đồng thời, một số nội dung còn chồng chéo, chưa được quy định cụ thể hoặc còn có nhiều cách hiểu đối với cùng một nội dung, gây lúng túng cho các bộ, cơ quan và địa phương trong quá trình triển khai.
Đáng chú ý là đã phát sinh những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025: Chất lượng của công tác chuẩn bị đầu tư dự án còn chưa bảo đảm yêu cầu, việc phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án còn mang tính hình thức; việc phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công hằng năm còn chậm và thực hiện nhiều lần.
Bên cạnh đó, việc thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài còn nhiều vướng mắc, tỷ lệ giải ngân thấp gây ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch đầu tư công nói chung…
Cùng với đó, đã phát sinh các yêu cầu mới về đa dạng hóa các hình thức, phương thức quản lý thực hiện dự án đầu tư công nhằm tối ưu hóa, tận dụng tối đa năng lực quản lý, nguồn lực của địa phương và các thành phần kinh tế khác, tuy nhiên do liên quan đến nhiều luật khác nhau, nên chưa được sửa đổi để thể chế hóa chung mà chủ yếu đang được quy định tại các nghị quyết thí điểm đặc thù của Quốc hội cho một số dự án, địa phương cụ thể.
Từ những bất cập trên, đại biểu Trần Văn Khải cho rằng, việc nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét Luật Đầu tư công (sửa đổi) nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công, khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc phát sinh là rất cần thiết.
Đại biểu Phạm Hùng Thắng (đoàn Hà Nam). |
Cũng nhất trí với quan điểm trên, đại biểu Phạm Hùng Thắng (đoàn Hà Nam) cho rằng, dự thảo luật trình Quốc hội lần này đã cơ bản đã khắc phục được các bất cập, các điểm nghẽn trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công của các đơn vị, địa phương.
Cụ thể hóa đầy đủ, toàn diện 5 nhóm chính sách lớn, thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá, cải cách, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các đơn vị, địa phương; nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện các dự án đầu tư công.
“Tôi tin rằng khi các quy định mới của luật này đi vào thực tiễn sẽ cơ bản tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc, bất cập hiện nay, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công cũng như quy trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư công”, đại biểu nêu rõ.
Khắc phục tình trạng có tiền mà không tiêu được
Đại biểu Nguyễn Thanh Phong (đoàn Vĩnh Long) trăn trở, hiện nay, trong xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm thường xuyên xảy ra tình trạng phải kéo dài thời gian bố trí vốn. Một số dự án đã sẵn sàng nhưng chưa thể bố trí vốn nên phải chậm lại hoặc dừng hẳn.
Đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định thủ tục để dừng lại những dự án mà không thể triển khai. Theo đó, cơ quan có thẩm quyền hoặc cá nhân nào quyết định chủ trương đầu tư thì sẽ quyết định dừng dự án để bảo đảm đồng bộ trong quy định pháp luật.
Kỳ vọng bước đột phá trong đầu tư công. |
Bên cạnh đó, đại biểu Phong cũng đề xuất quy định phân cấp nhiều hơn thẩm quyền cho UBND, cơ quan chủ quản; cho phép các dự án viện trợ không hoàn lại được hưởng quy trình như dự án khẩn cấp trong nước thay vì quy định chỉ được giải ngân, triển khai thực hiện khi có kế hoạch trung hạn và kế hoạch đầu tư công hàng năm…
Đặc biệt, đại biểu cũng đề xuất quy định cho phép giải ngân độc lập vốn vay lại và vốn cấp phát thay vì quy định 2 phần nhận nợ này phải diễn ra đồng thời như trước đó. Đây cũng được xem là một trong những nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân vốn ODA tại địa phương rất chậm.
Ngoài ra các đại biểu cũng chỉ ra thực tế, một số địa phương chưa có sự thống nhất trong phân cấp quyết định trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý. Do đó, việc phân cấp này là phù hợp nhằm rút ngắn thời gian trong quá trình chuẩn bị thủ tục đầu tư và tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện dự án (đặc biệt là trong trường phải có thay đổi, phải điều chỉnh nội dung chủ trương đầu tư đã được phê duyệt).
Việc phân cấp cũng sẽ tạo điều kiện để sớm phân bổ kế hoạch vốn, sớm phê duyệt, đưa các dự án vào khai thác, sử dụng, qua đó tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn vốn, kịp thời đáp ứng những nhu cầu phát sinh trên thực tế. Đồng thời, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy tính linh hoạt, chủ động của các cấp, các ngành trong quản lý và thực hiện kế hoạch đầu tư công phù hợp với năng lực quản lý và thực tế.
Từ phân tích trên, các ý kiến đề nghị Chính phủ quan tâm đến việc tập huấn hỗ trợ, tư vấn pháp lý nâng cao năng lực và hiệu lực hoạt động của các cơ quan có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát kết quả quản lý và sử dụng đầu tư công. Quy định rõ ràng trách nhiệm vật chất của những người đứng đầu cơ quan chính quyền Nhà nước mỗi cấp trước kết quả quản lý đầu tư công của cấp đó.