Cổ phiếu Masan tiếp tục lao dốc sau cú 'bắt tay' lịch sử của 2 tỷ phú
Masan 'mất' trên 5.000 tỷ vốn hóa sau thương vụ khủng với Vingroup VinMart, VinMart+ sáp nhập vào Masan |
Trong phiên giao dịch sáng 4/12, cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan tiếp tục chìm trong sắc đỏ tương tự như phiên hôm qua. Kết thúc phiên giao dịch sáng nay, cổ phiếu MSN ở mức 61.400 mỗi đơn vị, giảm 2.800 đồng/cổ phiếu, tương đương 4,36% so với thời điểm chốt phiên 3/12.
Trước đó, ở phiên ngày hôm trước, cổ phiếu của Masan cũng mất giá tới 4.800 đồng/cổ phiếu, tương đương giảm 6,96% so với thời điểm chốt phiên 2/12. Cũng trong phiên giao dịch ngày 3/12, hơn 3,4 triệu cổ phiếu MSN đã được các nhà đầu tư sang tay cho nhau.
Thị giá cổ phiếu MSN tiếp tục đi xuống kéo mức vốn hóa của Masan trên thị trường chứng khoán cũng sụt giảm trầm trọng. Tính từ hôm qua đến thời điểm hiện tại, vốn của của Masan đã giảm mất khoảng gần 9.000 tỷ đồng, từ 80.657 tỷ đồng xuống còn 71.773 tỷ đồng.
Ảnh minh họa. |
Không tiêu cực như MSN, cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup vẫn ở mức cao. Tính đến thời điểm kết thúc phiên sáng 4/12, cổ phiếu VIC đang ở mức giá 115.200 đồng/đơn vị, tăng 200 đồng so với thời điểm chốt phiên 3/12. Hôm qua cũng có gần 900.000 cổ phiếu VIC được giao dịch.
Như Tuổi trẻ và Pháp luật đã thông tin, ngày 3/12, Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Masan đã thoả thuận nguyên tắc về việc hoán đổi cổ phần Công ty VinCommerce và Công ty VinEco. Thoả thuận nhằm tối ưu hóa thế mạnh hoạt động của mỗi bên, đồng thời tạo nên một Tập đoàn Hàng tiêu dùng - Bán lẻ mới có sức cạnh tranh vượt trội và quy mô hàng đầu Việt Nam. Hiện hai bên đang tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để tiến tới việc ký hợp đồng chính thức.
Theo nội dung thỏa thuận, Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce của Vingroup (bán lẻ), Công ty VinEco (nông nghiệp), Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer Holding (tiêu dùng) sẽ sáp nhập để thành lập Tập đoàn Hàng tiêu dùng - Bán lẻ hàng đầu Việt Nam, theo đó Vingroup sẽ hoán đổi toàn bộ cổ phần trong VinCommerce thành cổ phần của Công ty mới sau sáp nhập. Masan Group sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động, Vingroup là cổ đông.
Được biết, hiện quy mô toàn thị trường bán lẻ của Việt Nam ước tính khoảng 142 tỷ USD, tương đương 59% GDP, trong đó, riêng bán lẻ hàng hóa chiếm hơn 40%, với quy mô 60 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân năm của ngành khoảng 13%, cao gấp rưỡi tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Trong thời gian qua, Tập đoàn Vingroup đã trở thành một trong những người chơi nắm quyền chi phối thị trường với mạng lưới hơn 2.600 siêu thị và cửa hàng VinMart & VinMart+ tại 50 tỉnh thành. Vậy tại sao, tỷ phú Phạm Nhật Vượng lại nhượng mảng bán lẻ cho tỷ phú Nguyễn Đăng Quang của Masan, có ý kiến cho rằng, lý do chuyển nhượng do VinCommerce và VinEco đã không đạt được kỳ vọng kinh doanh của Vingroup.
Tuy nhiên, theo báo cáo kinh doanh quý 3/2019, doanh thu từ mảng bán lẻ của Vingroup đạt hơn 7.800 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ và chiếm tới 25% tổng doanh thu của Vingroup, chỉ đứng sau mảng bất động sản.
Theo nhiều dự đoán, nguyên nhân thực sự là Vingroup thay đổi chiến lược phát triển với định hướng tập trung vào những thế mạnh vốn có của mình là cng nghệ - công nghiệp - dịch vụ.
Trong khi đó, không giống như Vingroup, ngoài lĩnh vực khoáng sản, các hoạt động lõi còn lại của Masan đều xoay quanh bán lẻ. Với chuỗi Vinmart và Vinmart + sẽ là mảnh ghép quan trọng cho tham vọng trở thành đế chế trong lĩnh vực hàng tiêu dùng - bán lẻ của Tập đoàn Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang.