Có nên lo lắng khi nhiễm Covid-19 dù đã tiêm vắc xin?

Hiện tại, trong số những người tiêm đã vắc xin Covid-19 vẫn có một tỷ lệ mắc bệnh. Nhìn bề ngoài, điều này có vẻ đáng lo ngại nhưng bạn đừng quên mục đích của các loại vắc xin Covid-19 hiện tại không phải giúp miễn dịch với virus mà để ngăn ngừa bệnh trở nặng.
3-4 triệu liều vắc xin Covid-19 sắp về Việt Nam trong vài ngày tới Dự đoán của các chuyên gia về đại dịch Delta

Ngoài ra, không có vắc xin nào hiệu quả 100%, nên có thể sẽ xảy ra một số trường hợp nhiễm bệnh ở những người được tiêm chủng đầy đủ. Tuy nhiên, việc này dường như không quá phổ biến và một tỷ lệ cao có thể không có triệu chứng.

Có nên lo lắng khi nhiễm Covid-19 dù đã tiêm vắc xin?

Theo một nghiên cứu của Mỹ, trong tất cả những quân nhân đã được tiêm phòng bị nhiễm Covid-19, không ai cần điều trị tại bệnh viện.

Nói chung, những người đã được tiêm chủng đầy đủ vẫn có thể nhiễm virus, nhưng vắc xin kích hoạt phản ứng miễn dịch giúp bệnh nhân bị nhẹ hoặc không có triệu chứng.

Vắc xin giúp hệ miễn dịch của con người nhận ra và tiêu diệt virus SARS-CoV-2 trước khi chúng có cơ hội ảnh hưởng tới sức khỏe của bệnh nhân.

Trước đây, các nhà khoa học cho rằng những người được tiêm chủng đầy đủ ít có khả năng truyền virus cho người khác hơn vì họ có tải lượng virus thấp hơn. Tuy nhiên, hiện tại, giới chuyên môn đang xem xét lại kết luận trên khi biến thể Delta trở nên phổ biến.

Vắc xin dường như giảm hiệu quả ở người lớn tuổi với tỷ lệ nhiễm bệnh dù đã tiêm phòng cao hơn ở những người từ 65 tuổi trở lên. Hệ miễn dịch suy yếu tác động tới khả năng mắc bệnh - như bệnh nhân ung thư, người dùng thuốc làm suy giảm hệ miễn dịch…

Sự xuất hiện của biến thể Delta cũng làm tăng nguy cơ vì cả vắc xin mRNA (Pfizer, Moderna) và vắc xin AstraZeneca đều kém hiệu quả hơn đối với Delta khi so sánh với biến thể gốc và biến thể Alpha.

Virus SARS-CoV-2 vẫn phổ biến trong dân cư dẫn tới khả năng cao những người được tiêm chủng đầy đủ vẫn có thể nhiễm bệnh với triệu chứng nhẹ hơn.

Hiện tượng này cũng gặp trong nhiều bệnh khác. Hai liều vắc xin MMR có hiệu quả 97% với bệnh sởi và 88% với bệnh quai bị. Các đợt bùng phát bệnh quai bị vẫn có thể xảy ra trong các cộng đồng được tiêm chủng cao, đặc biệt là ở những nơi mọi người tiếp xúc gần gũi và kéo dài.

Các trường hợp nhiễm virus cúm theo mùa xuất hiện ở những người được tiêm vắc xin. Tỷ lệ hiệu quả của vắc xin cúm thay đổi theo từng năm, trong khoảng 40-60%.

Nhiễm bệnh dù đã tiêm phòng là một thực tế cần phải đối mặt. Theo các nhà khoa học, điều quan trọng là toàn thế giới được chủng ngừa để giảm số lượng ca nhiễm và bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Đó là câu thần chú cho tất cả các chương trình tiêm chủng trước đây và cả Covid-19 hiện nay.

Nguồn: VietNamNet
vietnamnet.vn
Phiên bản di động