Chuyển nhượng vốn liên quan dự án 43 ha đất ở Bình Dương: Có thất thoát hàng trăm tỷ đồng tiền thuế?

Nhà chức trách cần điều tra, làm rõ việc chuyển nhượng vốn doanh nghiệp liên quan đến dự án 43 ha đất giữa Công ty Kim Oanh với Công ty Âu Lạc liệu có làm thất thoát hàng trăm tỷ đồng tiền thuế hay không?
Vì sao 3 lãnh đạo công ty thuộc Tỉnh uỷ Bình Dương bị bắt? Bắt 3 lãnh đạo Tổng Công ty Bình Dương liên quan đến 43 ha đất vàng

Sai phạm bị xử lý, quyền lợi khách hàng ra sao?

Như chúng tôi đã thông tin, Công an tỉnh Bình Dương vừa khởi tố bắt tạm giam 3 lãnh đạo Tổng Công ty CP Sản xuất xuất nhập khẩu Bình Dương (TCT Bình Dương) liên quan đến những sai phạm tại dự án Khu đô thị - Thương mại - Dịch vụ Tân Phú (KĐT Tân Phú) có diện tích 43 ha đất.

Theo tìm hiểu của phóng viên, khu đất 43ha tọa lạc tại phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương đang triển khai thực hiện dự án Khu đô thị Tân Phú, có nguồn gốc từ đất công và bị doanh nghiệp tự ý chuyển nhượng trái quy định.

Trước đó, vào ngày 24/11/2004, TCT Bình Dương đã ký Hợp đồng “Đền bù mặt bằng đất đai và đầu tư công trình tạo lực” với Ban quản lý dự án khu liên hợp Công nghệ - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương với số tiền hơn 414 tỷ đồng cho hơn 567 ha.

Sau đó, ngày 1/7/2010, TCT Bình Dương ký Hợp đồng thỏa thuận với Công ty Cổ phần bất động sản Âu Lạc (Công ty Âu Lạc) thành lập liên doanh - Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tân Phú (gọi tắt là Công ty Tân Phú) với mục đích là đầu tư xây dựng và kinh doanh dự án tại khu đất 43 ha thuộc khu đất dịch vụ hơn 567 ha của khu liên hợp trên. Trong đó, TCT Bình Dương góp 60 tỷ đồng, chiếm 30% vốn điều lệ và Công ty Âu Lạc góp 140 tỷ đồng, chiếm 70% vốn điều lệ.

Ngày 29/7/2016, Tỉnh ủy Bình Dương đã có công văn đồng ý chuyển giao 59 khu đất cho Công ty TNHH MTV Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương đang được quản lý trực tiếp bởi TCT Bình Dương, trong đó có 43 ha đất nêu trên.

chuyen nhuong von lien quan du 43 ha dat o binh duong co that thoat hang tram ty dong tien thue
Dự án Khu đô thị Tân Phú được khởi công xây dựng trên nền đất 43 ha.

Không lâu sau khi công văn ban hành, ngày 8/12/2016, TCT Bình Dương ký Hợp đồng chuyển nhượng 43ha đất này cho Công ty Tân Phú với giá hơn 250 tỷ đồng. Ngày 13/3/2017, TCT Bình Dương gửi công văn đến Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương xin chủ trương chuyển nhượng phần vốn góp 30% tại Công ty Tân Phú.

Tỉnh ủy Bình Dương sau đó đã ban hành Thông báo “đồng ý chủ trương cho TCT Bình Dương được chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc”. Đồng thời yêu cầu TCT Bình Dương phải thuê đơn vị tư vấn độc lập thẩm định giá đất làm cơ sở đàm phán ký kết hợp đồng chuyển nhượng và chịu trách nhiệm việc ký kết hợp đồng, thu tiền theo đúng quy định.

Đến ngày 19/7/2017, TCT Bình Dương có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Dương và Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp tỉnh Bình Dương báo cáo về “Phương án sử dụng đất sau khi chuyển TCT Bình Dương thành công ty cổ phần”.

Theo đó, TCT Bình Dương vẫn khẳng định 43 ha đất này sẽ chuyển về Công ty TNHH MTV Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương (100% vốn của Tỉnh ủy) quản lý. Thế nhưng, trên thực tế, TCT Bình Dương đã ký chuyển nhượng hết cho Công ty Tân Phú.

Đáng chú ý, Công ty Tân Phú sau đó được Công ty Âu Lạc chuyển nhượng cho Công ty CP Đầu tư và Phát triển Kim Oanh TP HCM (thành viên của Kim Oanh Group).

Trong đơn kêu oan để giải cứu doanh nghiệp ngày 17/2/2020 của Tập Đoàn Kim Oanh (Kim Oanh Group), do bà Đặng Thị Kim Oanh ký tên cho biết: “Ngày 2/10/2017 và ngày 6/2/2018 Công ty Kim Oanh và Công ty Âu Lạc đã ký 2 hợp đồng với nội dung Công ty Âu Lạc chuyển nhượng toàn bộ 100% vốn góp trong Công ty Tân Phú cho Công ty Kim Oanh”.

Theo Kim Oanh Group, sau khi hoàn tất thủ tục chuyển nhượng, Công ty Kim Oanh đã nhanh chóng bắt tay vào đầu tư phát triển dự án. Trong khi đó, tại website của Kim Oanh Group vào tháng 1/2018 đã đăng tin về khởi công KĐT Tân Phú, tọa lạc giao lộ Phạm Ngọc Thạch – Võ Văn Kiệt TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Thế nhưng, ngay sau đó Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính và ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 08/QĐ-XPVPHC ngày 12/2/2018 đối với Công ty Tân Phú do đã có hành vi vi phạm tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng theo quy định và đã bàn giao quyết định xử phạt vi phạm hành chính, yêu cầu công ty nghiêm túc chấp hành quyết định, thực hiện ngừng việc tổ chức thi công xây dựng tại dự án và phải lập thủ tục xin phép xây dựng theo quy định.

Tuy vậy, thông qua nhiều hình thức khác nhau như hợp đồng vay vốn, góp vốn…chủ đầu tư mới đã huy động vốn của hàng trăm khách hàng. Vấn đề đặt ra là đã có bao nhiêu khách hàng đã cho vay vốn, góp vốn với Kim Oanh Group để thực hiện đầu tư tại dự án KĐT Tân Phú với diện tích 43 ha?.

Theo quy hoạch 1/500 tại KĐT Tân Phú được phân lô hơn 2.000 nền đất. Trong khi đó, tại bảng cân đối kế toán ngày 31/12/2018 của Công ty Tân Phú thì tổng cộng tài sản là hơn 1.396,9 tỷ đồng (số đầu năm hơn 277,6 tỷ đồng), nợ phải trả là hơn 1.047,1 tỷ đồng (nợ ngắn hạn là hơn 922,9 tỷ đồng). Liệu số tiền nợ phải trả là tiền huy động hàng nghìn tỷ đồng từ khách hàng của Kim Oanh Group tại dự án 43 ha/

Với tài liệu chúng tôi có được chỉ tính từ thời điểm tháng 7/2018 đến hết tháng 10/2019, Kim Oanh Group đã có 615 giao dịch được chuyển tiền qua ngân hàng theo số tài khoản của Công ty Tân Phú với tổng số tiền lên đến khoảng hơn 466,4 tỷ đồng (chưa kể lượng giao dịch tiền mặt). Trong đó, có những giao dịch có tổng giá trị chuyển nhượng lên đến hơn 37 tỷ đồng và tháng 01/2019 đã chuyển cho Công ty Tân Phú hơn 33,3 tỷ đồng, cho 7 lô đất với với tổng diện tích lên đến 856 m2. Với giao dịch này có thể thấy được bảy ô đất này được bán với giá hơn 43,2 triệu đồng/m2.

Tại bản hợp đồng được ký kết với khách hàng có giá trị lên đến hơn 37 tỷ đồng, điều kiện hợp đồng được ghi rất rõ “Bên B là chủ đầu tư dự án KĐT Tân Phú; dự án hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện các bước thủ tục pháp lý có liên quan để triển khai hạ tầng và sớm đưa sản phẩm ra kinh doanh. Bên B đồng ý dành cho bên A quyền chọn mua sản phẩm với các chính sách ưu đãi của bên B tại thời điểm công bố chính thức “quyền chọn” khi dự án đáp ứng các điều kiện pháp lý theo quy định của pháp luật”.

chuyen nhuong von lien quan du 43 ha dat o binh duong co that thoat hang tram ty dong tien thue
Kim Oanh Group.

Phân tích về điều kiện tại hợp đồng này, một chuyên gia về bất động sản khẳng định: “Sai tè le rồi. Cái này chỉ cần Kiểm toán Nhà nước, Cơ quan điều tra, Thanh tra tỉnh, Thanh tra Chính phủ…vào là kết luận huy động vốn trái phép ngay”.

Có dấu hiệu trốn thuế trong chuyển nhượng vốn

Tại đơn kêu oan để giải cứu doanh nghiệp, về vụ việc liên quan đến sai phạm tại TCT Bình Dương, Kim Oanh Group cho rằng: “Xét về góc độ pháp luật, Công ty Kim Oanh hoàn toàn không biết các vấn đề nêu trên và hoàn toàn không liên quan mà chỉ giao dịch dân sự với một công ty 100% vốn tư nhân và đã tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật”.

Tuy nhiên, với những tài liệu chúng tôi có được thì việc chuyển nhượng vốn điều lệ giữa Công ty Âu Lạc với Kim Oanh Group tại Công ty Tân Phú liệu có đúng pháp luật khi đã có hàng loạt dấu hiệu trốn thuế lên tới hàng trăm tỷ đồng?

Trong một cuộc trao đổi với báo chí về việc mua lại vốn tại Công ty Tân Phú, bà Đặng Thị Kim Oanh cho biết, giá mua ngang với giá vốn của công ty. Trong khi đó, theo bảng cân đối kế toán đến ngày 31/12/2017 của Công ty Tân Phú tổng tài sản là hơn 277,6 tỷ đồng, nợ ngắn hạn hơn 77,6 tỷ đồng; hàng tồn kho là hơn 250 tỷ đồng. Giá vốn này phù hợp với 5 giao dịch chuyển tiền của cá nhân bà Đặng Thị Kim Oanh và Công ty CP Đầu tư và Phát triển Kim Oanh TP HCM để góp vốn. Trong đó, có 4 lần Công ty Kim Oanh chuyển tiền cùng ngày 31/01/2018 với nội dung “Thanh toán tiền theo hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp N19.09.2017 (Tan Phu)”, tổng giá trị hơn 200 tỷ đồng.

Thực tế, trước đó ngày 2/08/2017, TCT Bình Dương đã ký chuyển nhượng 30% giá trị vốn góp với Công ty Âu Lạc là hơn 161,1 tỷ đồng. Với giá chuyển nhượng này thì tổng giá trị Công ty Tân Phú sẽ là 537 tỷ đồng (lấy 161,1 tỷ đồng : 30% x 100% = 537 tỷ đồng).

Như vậy, việc chuyển nhượng vốn góp tại Công ty Tân Phú cho Kim Oanh Group thì Công ty Âu Lạc đã chấp nhận bán thấp so với giá trị được tính với TCT Bình Dương là hơn 327 tỷ đồng (?). Trong đó, giá trị KĐT Tân Phú được tính theo bảng giá đất quy định của UBND tỉnh Bình Dương năm 2016 thì tổng giá trị đất lên khoảng 3.124 tỷ đồng.

Theo diễn biến vụ việc thì việc chuyển nhượng vốn tại Công ty Tân Phú giữa Kim Oanh Group với Công ty Âu Lạc đã hoàn tất vào cuối năm 2017 và đầu năm 2018. Thế nhưng, tại báo cáo tình hình tài chính năm 2017, 2018 của Công ty CP Âu Lạc lại không thể hiện dòng tiền, thuế thu nhập doanh nghiệp từ việc chuyển nhượng vốn như đã nêu.

Như vậy, trong trường hợp được bán với đúng giá vốn tại Công ty Tân Phú thì ít nhất Công ty Âu Lạc phải đóng thuế VAT và nếu được định giá 537 tỷ đồng thì có thể công ty đã trốn hàng trăm tỷ đồng tiền thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp?

Trước nghi vấn trên, thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ giá trị chuyển nhượng vốn tại Công ty Tân Phú giữa Công ty Âu Lạc với Kim Oanh Group.

Ngoài 3 lãnh đạo TCT Bình Dương bị khởi tố bắt tạm giam thì trước đó, ngày 28/3/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an cũng đã khởi tố bắt tạm giam 3 lãnh đạo của Công ty TNHH sản xuất và thương mại Thiên Phú (Công ty Thiên Phú). Được biết, cả 6 lãnh đạo các doanh nghiệp lớn trên bị bắt đều liên quan trực tiếp đến những dự án đã bị Kim Oanh Group “thâu tóm”.
Nhóm PV
Phiên bản di động