Chuyên gia: Kiểm soát giá vàng vẫn là yêu cầu cấp bách trong thời gian tới
Phó Thủ tướng yêu cầu bảo đảm cung cầu vàng với giá cả hợp lý Chuyên gia nói gì về giải pháp hạ nhiệt thị trường vàng? |
Theo phân tích của nhóm chuyên gia Viện Nghiên cứu khoa học Ngân hàng (Học viện Ngân hàng), trong quý I/2024, giá vàng SJC, vàng nhẫn duy trì đà tăng từ tháng 11/2023, với biên độ chênh lệch giá mua - bán ở mức cao (khoảng 2-2,5 triệu đồng/lượng).
Chênh lệch với giá vàng thế giới dù có giảm nhẹ do đà tăng lên của giá vàng thế giới, nhưng vẫn duy trì ở mức 13 triệu đồng/lượng vào cuối tháng 3/2024. Mức chênh lệch này được dự đoán có thể co hẹp lại nhờ một số yếu tố như căng thẳng địa chính trị, lạm phát tại các nền kinh tế lớn thúc đẩy đà tăng trưởng của giá vàng thế giới.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh giá vàng Việt Nam vẫn đang duy trì tăng trưởng “nóng” và đạt đỉnh cao nhất trong lịch sử với mức chênh lệch không nhỏ, thì việc kiểm soát giá vàng vẫn là yêu cầu cấp bách trong thời gian sắp tới.
Ảnh minh họa. |
Trước đó, tháng 12/2023, trước diễn biến phức tạp của giá vàng, Thủ tướng Chính phủ đã ra Công điện 1426 yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương có giải pháp hiệu quả để quản lý, điều hành giá vàng miếng trong nước theo nguyên tắc thị trường, giảm chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế.
Từ tháng 2 đến tháng 4/2024, Chính phủ liên tiếp đưa ra thông báo yêu cầu xử lý ngay chênh lệch giá vàng miếng, với trọng tâm là việc thực hiện các giải pháp trong Nghị định số 24/2012/NĐ-CP phù hợp với bối cảnh hiện tại.
Trước yêu cầu đặt ra, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện các giải pháp bao gồm thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng và các doanh nghiệp kinh doanh vàng, và đánh giá lại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP.
Trong đó, điểm nhấn là việc thực hiện phiên đấu thầu vàng miếng nhằm tăng nguồn cung vàng ra thị trường. Nếu lượng cung vàng miếng qua đấu thầu đạt đủ khối lượng kỳ vọng sẽ giúp giảm giá vàng trong nước trong dài hạn, từ đó kéo sát chênh lệch giá, như đã diễn ra trong năm 2013.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra cho Ngân hàng Nhà nước là hài hòa giữa việc quản lý thị trường vàng và kiểm soát tỷ giá, bởi nếu lượng cung vàng miếng thấp sẽ khiến tác động của đấu thầu chỉ duy trì trong ngắn hạn, nhưng nếu Ngân hàng Nhà nước buộc phải mua thêm vàng từ thị trường quốc tế để duy trì nguồn cung trong nước sẽ tạo áp lực làm tăng tỷ giá.
Theo nhóm chuyên gia, việc điều hành chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và chính sách kiểm soát thị trường vàng, tăng cung ngoại tệ là các yếu tố hỗ trợ dài hạn cho tỷ giá.
Trong thời gian tới, áp lực tỷ giá sẽ được giảm xuống nếu Fed thực hiện giảm lãi suất USD như đã đề ra. Bên cạnh đó, tăng cung ngoại tệ từ việc tăng xuất khẩu và tăng dòng vốn quốc tế (FDI, kiều hồi) chảy vào trong nước được kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt áp lực lên tỷ giá.