Chương trình Giáo dục phổ thông 2018: Học sinh không còn nặng học theo yêu cầu thi cử

Thay vì học tập và trang bị kiến thức, kỹ năng làm bài tập theo yêu cầu thi cử, ở chương trình giáo dục mới học sinh tự chiếm lĩnh kiến thức để phát triển năng lực phẩm chất.
Bộ GD&ĐT phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 8 và 11 theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018 Học sinh được cấp chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông Quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến chương trình giáo dục phổ thông

Ngày 20/2, Bộ GD&ĐT thông tin về điểm mới trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 và yêu cầu trong quá trình thực hiện. Hiện chương trình phổ thông mới đang áp dụng cho các lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10, còn lại lớp 4, 5, 8, 9, 11, 12 đang học chương trình phổ thông cũ.

Trong đó, chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh được khuyến khích và tạo điều kiện mở rộng kiến thức, tham gia các hoạt động để vận dụng kiến thức vào thực tiễn.

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018: Học sinh không còn nặng học theo yêu cầu thi cử

Ở chương trình giáo dục mới học sinh tự chiếm lĩnh kiến thức để phát triển năng lực phẩm chất

Với cấp THPT, học sinh có quyền lựa chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp của bản thân. Chương trình giáo dục chia ra 2 giai đoạn sẽ định hướng và cho phép học sinh lựa chọn nghề nghiệp ngay từ những năm học ở cấp THCS.

Để đáp ứng tốt các yêu cầu trên, phụ huynh cần tăng cường hỗ trợ các em học tập, vận dụng kiến thức bên ngoài khuôn viên nhà trường.

Đây là điểm mới, khác với chương trình phổ thông cũ - chỉ yêu cầu phụ huynh phối hợp với giáo viên, nhà trường trong việc giáo dục đạo đức, chưa chú trọng việc giáo dục kiến thức, nội dung bài học..

Bộ GD&ĐT cũng nêu rõ, chương trình phổ thông mới chú trọng phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh. Các năng lực, phẩm chất này được cụ thể hóa bằng những yêu cầu cần đạt ở từng môn học, cấp học.

Các trường cần xác định mục tiêu giúp học sinh vận dụng hiệu quả kiến thức, kỹ năng đã học vào đời sống và tự học suốt đời, có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp.

Chương trình giáo dục mới có 14 môn học. Càng lên các cấp học cao hơn thì số môn bắt buộc càng giảm. Cấp tiểu học và THCS có 10 môn học bắt buộc, 2 môn học tự chọn gồm: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 1, 2.

Cấp THPT gồm 6 môn học bắt buộc: Ngữ Văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Lịch sử. 4 môn học lựa chọn: Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật. Ngoài ra còn có môn học tự chọn (Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2).

Ở chương trình phổ thông cũ, phương pháp dạy học cơ bản vẫn nặng về trang bị kiến thức và kỹ năng làm bài tập theo yêu cầu thi cử. Nội dung sách giáo khoa được xem là tài liệu duy nhất để đánh dạy học, đánh giá và thi cử. Học sinh có một bộ sách duy nhất.

Trong khi đó ở chương trình giáo dục mới học sinh tự chiếm lĩnh kiến thức để phát triển năng lực phẩm chất. Học sinh học thông qua làm, thực hành và nhiều bộ sách giáo khoa.

Vai trò của giáo viên cũng được thay đổi. Ở chương trình cũ, giáo viên dạy theo phân phối chương trình được xác định, theo nội dung đã có trong sách giáo khoa. Trong khi đó chương trình mới mang tính "mở", giáo viên chuyển mạnh từ vai trò người truyền thụ kiến thức sang định hướng.

Bộ GD&ĐT cũng nhấn mạnh, đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo yêu cầu của Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội là vấn đề đặc biệt quan trọng, có tác động rất lớn đối với cả thế hệ học sinh và sự phát triển của đất nước, đòi hỏi có thời gian mới thấy hết được hiệu quả.

Vì vậy, quá trình triển khai thực hiện phải đặc biệt coi trọng nhận thức đúng và đầy đủ về nội dung, phương pháp dạy học và các yêu cầu về điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục của chương trình mới, từ đó tạo niềm tin đối với chất lượng giáo dục khi thực hiện chương trình mới và có quyết tâm cao đối với việc triển khai thực hiện trong toàn xã hội, nhất là đối với đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh.

Ngọc Minh
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động