Chưa tìm được thân nhân của bé trai sơ sinh bị bỏ rơi
Bé sơ sinh bị bỏ rơi trong đêm rét cùng bức thư "mẹ có lỗi với con" Nữ lao công phát hiện bé gái 10 ngày tuổi trong xe rác ở Hà Nội Bé sơ sinh bị bỏ rơi ở khe tường tại Hà Nội xuất viện |
Trước đó, khoảng 9 giờ ngày 19/1, ông Đỗ Văn Chuyên (55 tuổi tại thôn Nam Phúc Thành, xã Phúc Thành, huyện Kim Thành) phát hiện một bé trai sơ sinh bị bỏ rơi ở gần nhà máy xử lý rác Việt Hồng (huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương).
Bé trai bị bỏ rơi ngay cạnh bãi rác ở huyện Thanh Hà (Hải Dương) |
Cháu bé được phát hiện trong tình trạng vẫn còn dây rốn và quấn trong một chiếc váy, đặt trong thùng các-tông, bên trong có một bộ quần áo.
Ngay khi phát hiện, ông Chuyên đã đưa cháu vào Trạm Y tế xã Phúc Thành. Bà Nguyễn Kỳ Lương, Trạm trưởng Trạm Y tế xã cho biết, bé trai chỉ vài ngày tuổi.
Ngay khi tiếp nhận, Trạm Y tế xã làm công tác vô khuẩn. Hiện bé được gia đình ông Chuyên nhận về chăm sóc và chưa có người thân của bé đến nhận.
Ông Chuyên là người phát hiện ra cháu bé sơ sinh bị bỏ rơi trên địa bàn |
Thực tế, không chỉ có trường hợp của bé trai ở Hải Dương nói trên mà đáng báo động hiện nay là xảy ra ngày càng nhiều vụ bé sơ sinh bị bỏ rơi trước cổng chùa, tại các bãi rác, trên các con đường...
Trẻ sơ sinh hoàn toàn không có khả năng tự bảo vệ, mỗi đứa trẻ ra đời đều là những sinh linh nhỏ bé vô tội, do đó các em là nhóm cần phải được bảo vệ đặc biệt. Việc bỏ rơi trẻ sơ sinh, cho dù đó là cha, mẹ hoặc người chăm sóc thì đây đều là hành vi bị xã hội lên án, người mẹ có thể bị dằn vặt suốt đời bởi tòa án lương tâm.
Trên thực tế, có những trẻ em bị bỏ rơi khi được phát hiện các em đã không còn cơ hội được sống để thấy tương lai ngày mai. Có em may mắn được cứu sống kịp thời, nhưng lại bị tổn thương nghiêm trọng về sức khỏe, để lại di chứng, sự khủng hoảng về mặt tâm lý đến suốt cuộc đời.
Dưới góc độ pháp luật, các hành vi vứt bỏ trẻ sơ sinh đều là hành vi vi phạm pháp luật và phải chịu sự trừng phạt của pháp luật Việt Nam.
Người mẹ hoặc bất kỳ ai nhẫn tâm vứt bỏ con thì sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 22 Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Theo đó, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với các trường hợp: bỏ hoặc không nuôi dưỡng, chăm sóc con sau sinh; cố ý bỏ rơi trẻ em ở nơi công cộng.
Cũng theo quy định tại điều 214 Bộ Luật Hình sự 2015 sử đổi bổ sung năm 2017 thì người mẹ nào nhẫn tâm bỏ con mới đẻ của mình sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu: Người mẹ bị ảnh hưởng nặng nề từ tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt; Đứa trẻ mới được đẻ trong 7 ngày tuổi; Vì bị vứt bỏ nên hậu quả đứa trẻ đó chết. Khi đó, người mẹ sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.
Còn đối với trường hợp trẻ đã quá 7 ngày tuổi, người mẹ chịu ảnh hưởng nặng nề từ tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn ảnh khách quan đặc biệt nhưng có hậu quả là đứa trẻ chết do hành vi vứt bỏ của người mẹ thì tùy vào tính chất, mức độ phạm tội của người mẹ có thể bị truy tố về tội Giết người hoặc Vô ý làm chết người.
Theo Điều 4,6 và 7 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định: "Mọi hành vi vi phạm quyền của trẻ em, làm tổn hại đến sự phát triển bình thường của trẻ em đều bị nghiêm trị theo quy định của pháp luật".
Những trường hợp không đủ khả năng nuôi dạy con cái, các bậc cha mẹ... có thể liên hệ với các cơ quan đơn vị như các hội để được hỗ trợ công ăn việc làm ổn định, hoặc gửi trẻ vào trung tâm bảo trợ, các địa điểm nhận nuôi trẻ uy tín do các hiệp hội giới thiệu để nuôi dưỡng và có thể quay lại nhận con khi cuộc sống ổn định...