Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo quyết liệt các giải pháp bảo vệ môi trường

Chiều 18/12, đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chủ trì cuộc họp, nghe báo cáo đánh giá và đề xuất các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi sẽ bỏ nhiều thủ tục, tích hợp nhiều giấy phép Bảo vệ môi trường hiệu quả từ mô hình thu gom rác thải nhựa Chiến binh xanh bảo vệ môi trường
chu tich ubnd tp ha noi chi dao quyet liet cac giai phap bao ve moi truong
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu kết luận buổi làm việc.

Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản; Tổng Cục trưởng Tổng Cục Môi trường Nguyễn Văn Tài; Công an TP Hà Nội, UBND các quận, huyện, thị xã...

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Tuấn Định cho biết, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 31/5/2017 của Thành ủy về “Tăng cường công tác Bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, trên địa bàn thành phố đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Hà Nội đã xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; tăng cường năng lực quản lý nhà nước trong thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết; tăng cường công tác thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên nước...

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, từ đầu năm 2019 đến nay, Hà Nội đã xuất hiện 6 đợt ô nhiễm không khí kéo dài (trung bình từ 5 đến 10 ngày), chất lượng không khí ở mức kém, xấu và rất xấu, trong đó đợt ô nhiễm cao điểm nhất là đầu tháng 12 (từ ngày 8 đến 14/12), chất lượng không khí thường xuyên ở mức xấu và rất xấu, chỉ số chất lượng không khí (AQI) cao nhất là 266.

Đánh giá nguyên nhân gây ô nhiễm, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng nguyên nhân khách quan là do ảnh hưởng điều kiện thời tiết cực đoan; nguyên nhân chủ quan là từ khí thải của các phương tiện giao thông tập trung cao tại khu đô thị; do một số bộ phận người dân sử dụng than tổ ong; do hoạt động đốt rơm rạ; phá dỡ công trình xây dựng cũ để xây dựng mới; vận chuyển vật liệu xây dựng; khí thải từ trại chăn nuôi; từ thu gom xử lý nước thải sinh hoạt; ô nhiễm ao hồ, bùn thải; khói bụi từ cơ sở sản xuất trên địa bàn và tỉnh lân cận...

Theo đại tá Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, nguyên nhân ô nhiễm không khí còn từ các công trình xây dựng, cải tạo đường, vỉa hè không làm hết trách nhiệm để ô nhiễm môi trường, như không hút bụi lại thổi bụi... Bên cạnh đó là từ phương tiện giao thông gia tăng, từ đầu quý 4/2019 đến nay, số xe đăng ký mới là 84 nghìn phương tiện, nâng tổng số phương tiện đang quản lý lên trên 6.878 nghìn phương tiện, chưa kể các phương tiện của công an, quân đội và phương tiện từ tỉnh khác về.

Để giải quyết môi trường, trong thời gian tới, Công an TP Hà Nội đề xuất thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an TP và các đơn vị liên quan vào cuộc xử lý tất cả vi phạm liên quan như làm đường không bảo đảm quy định gây ô nhiễm môi trường; thi công công trình gây ô nhiễm; kiên quyết xử lý xe rơi vãi vật liệu.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Chung khẳng định, trong những năm qua, thành phố luôn quan tâm đến công tác quản lý môi trường, bảo vệ môi trường trên mọi lĩnh vực. Đặc biệt, từ khi Thành ủy ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt, bài bản, đạt kết quả đồng bộ.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP cũng cho rằng, trong quá trình tổ chức thực hiện, sự phối hợp giữa các sở ngành, quận huyện, các đơn vị thực hiện chưa đồng bộ. Một số đơn vị triển khai các nhiệm vụ còn chậm so với tiến độ thành phố giao. Việc triển khai xây dựng các dự án nhà máy, xử lý chất thải rắn, các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt khu vực nội đô và hệ thống cấp nước sạch khu vực nông thôn còn chậm; Việc xử lý ô nhiễm nước sông Tô Lịch, sông Tích, sông Nhuệ và sông Đáy còn chưa đáp ứng được yêu cầu...

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ môi trường trong thời gian tới, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung giao Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai lắp đặt các trạm quan trắc cảm biến trong quý 1/2020. Sở Xây dựng, các quận huyện tiếp tục đôn đốc việc xử lý ô nhiễm ở các ao hồ; đầu tư hệ thống cân, lắp camera, biển số xe... kiểm soát chặt, theo dõi hành trình các xe chở rác; nghiên cứu, lấy ý kiến về quy định che chắn công trình xây dựng; bảo đảm việc đổ phế thải xây dựng đúng quy định.

Sở Thông tin và Truyền thông và các quận, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền đến tận tổ dân phố, vận động người dân không sử dụng bếp than tổ ong, vứt bỏ rác thải; vận động người dân tham gia phong trào vệ sinh đường làng, ngõ xóm vào thứ 7, Chủ nhật hàng tuần. Các đơn vị tuyên truyền vận động, xử lý việc đốt rác, nhất là ở các huyện ngoại thành, các làng nghề, hạn chế, tiến tới không để xảy ra tình trạng đốt rơm rạ.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện chương trình trồng 1 triệu cây xanh; Sở Giao thông Vận tải sớm làm việc với Bộ Giao thông Vận tải về vấn đề kiểm soát ô nhiễm không khí của các loại xe, sớm có quy định về thu hồi và xử lý các xe quá hạn sử dụng....

Chủ tịch UBND TP cũng thông tin, Hà Nội đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ xây dựng phần mềm để người dân có thể phản ánh các thông tin đời sống trong đó có vấn đề rác thải, môi trường. Các thông tin này sẽ được phân loại và chuyển ngay cho chủ tịch các địa phương, các cấp có thẩm quyền xử lý.

Tuổi trẻ Thủ đô
Tuổi trẻ Thủ đô
Phiên bản di động