Chỉnh trang tái thiết đô thị: Rất cần sự tham gia của người dân sống trong khu vực di sản

Trong sửa đổi Luật Thủ đô tới đây nhất thiết phải có những cơ chế đặc thù, đặc biệt có tính khả thi cao để tiếp tục phát triển đô thị của Thủ đô xứng đáng với vai trò, vị thế vốn có.
Hà Nội ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW Công ty TNHH Khu đô thị mới Trung Minh giải thích việc "hàng trăm người áo đen bảo vệ thi công" Hà Nội: Thanh niên Thanh Oai 16 tuổi cầm đầu nhóm trộm cắp xe máy

Đó là nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu tại hội thảo “Xây dựng cơ chế, chính sách về phát triển đô thị của Thủ đô Hà Nội” diễn ra ngày 31/8 do Bộ Tư pháp, UBND thành phố Hà Nội tổ chức.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn đồng chủ trì hội thảo.

Chỉnh trang tái thiết đô thị: Rất cần sự tham gia của người dân sống trong khu vực di sản
Quang cảnh hội nghị

Còn vướng mắc về quy định pháp luật

Tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng nêu đề xuất về chính sách phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng giao thông của Thủ đô. Chính sách nhằm cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị gắn với bảo tồn, phát huy giá trị khu vực nội đô lịch sử theo hướng bảo tồn không gian lịch sử văn hóa, truyền thống; Phát triển nhà ở mới và xây dựng lại chung cư cũ để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân. Chính sách huy động mọi nguồn lực đầu tư xây mới, hoàn thiện hạ tầng giao thông theo quy hoạch, phát triển các đô thị vệ tinh, đô thị định hướng giao thông (TOD), tạo điều kiện thực hiện tái thiết đô thị tại khu vực nội đô lịch sử để phát triển Thủ đô.

Tuy nhiên, hiện nay các nguồn lực để cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị gắn với bảo tồn phát huy giá trị khu vực nội đô lịch sử, bao gồm các khu phố cổ, khu phố cũ, biệt thự cũ và những công trình kiến trúc có giá trị khác, theo hướng bảo tồn không gian văn hóa và cảnh quan, phát huy giá trị khu vực nội đô lịch sử còn manh mún, chưa tập trung vì vướng những vấn đề về quy định pháp luật và nguồn lực xã hội.

Về việc phát triển không gian ngầm tại khu vực trung tâm khu vực nội đô lịch sử, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, hiện tại mới chỉ chú trọng phát triển hệ thống giao thông động, đó là các hệ thống tầu điện ngầm, hầm chui,… Trong khi nhu cầu của phát triển ở khu vực nội đô lịch sử cần chú trọng phát triển không gian ngầm để phục vụ phát triển giao thông tĩnh, dịch vụ thương mại bổ trợ công cộng và bảo tồn không gian văn hóa và cảnh quan tại khu vực nội đô lịch sử.

Việc quản lý các công trình nhà cổ, biệt thự cũ và công trình kiến trúc có giá trị tại khu vực nội đô lịch sử còn bất cập, thiếu cơ chế quản lý, mới chỉ tập trung vào các biện pháp để bảo tồn mà chưa có các giải pháp hữu hiệu để phát huy giá trị của các công trình thành nguồn lực phát triển. Công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ tại khu vực nội đô lịch sử và toàn TP Hà Nội vẫn chưa phát huy hiệu quả…

Phát triển khu đô thị mới phải đi đôi với chỉnh trang tái thiết khu đô thị cũ

PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng, đã đến lúc phải tập trung đầu tư công cho những dự án mang tính tích hợp và bao trùm để biến di sản văn hóa từ dạng tài sản văn hóa - tài nguyên du lịch thành loại “hàng hóa đặc biệt” có giá trị kép cả về mặt văn hóa và kinh tế. Đó là chuỗi các sản phẩm du lịch đặc hữu, tour, tuyến du lịch riêng mang thương hiệu Hà Nội.

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, để cải tạo, tái thiết chỉnh trang đô thị gắn với bảo tồn, phát huy giá trị khu vực nội đô lịch sử của Hà Nội, quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch, kiến trúc vừa được UBND TP Hà Nội ban hành (QĐ 975/QĐ-UBND) là căn cứ quan trọng để các tổ chức, cá nhân tuân thủ trong quá trình lập quy hoạch. Thiết kế đô thị, lập dự án cải tạo, chỉnh trang, làm cho bộ mặt Thủ đô ngày càng khang trang, đảm bảo chất lượng sống cho người dân. Việc có một Quy chuẩn riêng cho khu vực đặc thù sẽ làm cho công tác cải tạo tái thiết chỉnh trang đô thị trong khu vực nội đô có tính khả thi hơn.

“Phát triển đô thị phải bao gồm cả phát triển các khu đô thị mới, đi đôi với chỉnh trang tái thiết, tái phát triển các khu vực đô thị cũ hiện hữu. Sẽ rất thiếu sót nếu không coi trọng chỉnh trang tái thiết, tái phát triển các khu vực đô thị cũ, hiện hữu vì hoạt động này sẽ tạo được thêm nguồn lực cho phát triển” - KTS Trần Ngọc Chính nêu quan điểm.

Chỉnh trang tái thiết đô thị: Rất cần sự tham gia của người dân sống trong khu vực di sản
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu điều hành hội thảo

Quá trình cải tạo, chỉnh trang tái thiết đô thị trong khu vực nội đô lịch sử của Hà Nội rất cần có sự tham gia của người dân sinh sống trong khu vực di sản, những người và tổ chức có quyền lợi gắn với khu vực di sản, các tổ chức có trụ sở là công trình di sản, các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến khu vực di sản, các tổ chức và chuyên gia về vấn đề bảo tồn di sản, hình thành nên chính sách đặc thù - bảo tồn di sản văn hóa trong đô thị hiện đại với sự tham gia của cộng đồng.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của khai thác đất đai, tạo nguồn lực lớn trong xây dựng Thủ đô, GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phân tích, Hà Nội hiện đã được mở rộng địa giới hành chính, diện tích tăng gấp 3 lần so với trước. Đây chính là dư địa, là nguồn lực công để phát triển nếu thành phố có quy hoạch hợp lý cùng những bước đi theo quy hoạch để “gặt hái” giá trị gia tăng trên đất rất lớn.

Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam Lê Quốc Hiệp nhận định, vướng mắc về cơ chế, chính sách là một trong những nguyên nhân khiến Hà Nội đang lãng phí nguồn lực từ các nhà đầu tư tư nhân. Do đó, Hiệp hội hy vọng Luật Thủ đô sau sửa đổi sẽ tạo hành lang pháp lý cho các nhà đầu tư có thể hỗ trợ cùng vốn ngân sách, thấy trách nhiệm của cá nhân, doanh nghiệp mình trong phát triển Thủ đô.

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đánh giá, các ý kiến đóng góp đều thể hiện tâm huyết, kỳ vọng cũng như những băn khoăn, trăn trở của các chuyên gia, nhà khoa học, các đại biểu vào quá trình phát triển tới đây của Thủ đô. Trong nhiều giải pháp được nêu, có những giải pháp mới, mang tính đột phá, nếu được triển khai với thể chế đồng bộ sẽ góp phần xử lý tốt những vấn đề đang đặt ra trong phát triển đô thị của Hà Nội hiện nay.

“Hội nghị đã nhất trí cao trong Luật Thủ đô hiện hành cũng đã có một số chính sách, cơ chế đặc thù để phát triển đô thị nhưng chưa đủ mạnh, chưa thể hiện rõ tính đặc thù và yêu cầu riêng của Hà Nội cũng như tính khả thi của những chính sách này chưa cao. Do đó, trong sửa đổi Luật Thủ đô tới đây nhất thiết phải có những cơ chế đặc thù, đặc biệt có tính khả thi cao để tiếp tục phát triển đô thị của Thủ đô xứng đáng với vai trò, vị thế vốn có.

Ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học sẽ được tổng hợp đầy đủ, tổ chức nghiên cứu thấu đáo để phục vụ ngay cho việc tổng kết Luật Thủ đô, xây dựng hồ sơ Luật Thủ đô sửa đổi, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội và xa hơn là phục vụ cho quá trình chuẩn bị dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi”, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu khẳng định.

Diệu Linh
Phiên bản di động