Chính thức bàn giao 12 dự án nghìn tỷ yếu kém về ''siêu'' Ủy ban
Bộ Công an khẩn trương điều tra các dự án yếu kém ngành công thương |
Theo đó, 11/12 dự án (trừ Nhà máy Bột giấy Phương Nam đang hoàn thiện thủ tục) đã được ký bàn giao tại buổi Lễ.
Trước đó, ngày 30/5/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 650/QĐ-TTg về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương.
Theo đó, bổ sung Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vào Ban Chỉ đạo, giữ vị trí Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo thay Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Phó Trưởng ban Chỉ đạo; Tổ Giúp việc Ban Chỉ đạo đặt tại Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thay cho nhiệm vụ này trước đây của Bộ Công Thương.
Quang cảnh buổi Lễ bàn giao. Ảnh: MOIT. |
Như vậy, sau khi Bộ Công Thương tiến hành bàn giao quyền đại diện sở hữu nhà nước tại các Tập đoàn/Tổng công ty sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 131/2018/NĐ-CP nêu trên vào cuối năm 2018, thì việc bàn giao vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo và Tổ Giúp việc Ban Chỉ đạo của Chính phủ xử lý 12 dự án yếu kém thuộc ngành Công Thương theo quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ sẽ tạo điều kiện để Ủy ban Quản lý vốn thực hiện tốt quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với các Tập đoàn/Tổng công ty đã được chuyển giao từ Bộ Công Thương sang Ủy ban Quản lý vốn, đồng thời tạo thuận lợi trong phối hợp giữa Ủy ban với Bộ Công Thương và các Bộ ngành trong việc tiếp tục xử lý các dự án này.
Tại buổi Lễ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) Dương Duy Hưng khẳng định, với việc triển khai các nhiệm vụ, đến nay, nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc của các Dự án, doanh nghiệp đã được xử lý. Bộ Công Thương với vai trò là Thường trực Ban chỉ đạo của Chính phủ, trong thời gian qua, đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thường xuyên tổ chức các cuộc làm việc trực tiếp tại trụ sở của Bộ và tại các Dự án, doanh nghiệp, các Tập đoàn, Tổng công ty để nắm bắt tình hình và chỉ đạo xử lý, tháo gỡ các vấn đề khó khăn, vướng mắc cụ thể tại từng Dự án, doanh nghiệp; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo thông qua các nội dung vượt thẩm quyền.
Theo ông Dương Duy Hưng, trong số 6 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ, đến năm 2018 đã có 2 nhà máy hoạt động sản xuất kinh doanh bước đầu có lãi (Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1- Hải Phòng và Nhà máy thép Việt - Trung); 4 dự án còn lại vẫn tiếp tục từng bước khắc phục khó khăn để ổn định sản xuất. Trong số 3 dự án trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh, đến nay đã có 2 dự án vận hành sản xuất trở lại (Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ, Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi) và 1 dự án (Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước) đã hoàn tất công tác chuẩn bị để khởi động trở lại nhà máy....
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch khẳng định, việc xử lý các Dự án đã bảo đảm tuân thủ nguyên tắc của cơ chế thị trường; tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp; Nhà nước không cấp thêm vốn vào các Dự án.
Cũng tại buổi Lễ, Bộ Công Thương và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng đã trao đổi các vấn đề liên quan tới tình hình xử lý các dự án và những nhiệm vụ trọng tâm cần phối hợp xử lý trong thời gian tới theo chỉ đạo chung của Ban Chỉ đạo. Với nhiệm vụ được giao theo chức năng nhiệm vụ và theo phân công trong Ban Chỉ đạo của Chính phủ, hai Cơ quan cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy quá trình xử lý dứt điểm các dự án bảo đảm theo đúng lộ trình và phương án xử lý đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.