Chính phủ yêu cầu “khơi thông” nguồn lực các trụ cột, đầu tàu kinh tế

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành chủ trì, phối hợp với các địa phương đề xuất các chính sách, giải pháp phát huy tiềm năng, thế mạnh, khơi thông nguồn lực các trụ cột, đầu tàu tăng trưởng kinh tế, nhất là các tỉnh, thành phố lớn.
Nhiều tín hiệu vui về kinh tế - xã hội trong 2 tháng đầu năm 2021

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2021 yêu cầu các đơn vị tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ, mục tiêu của quý I và cả năm 2021.

Theo đánh giá của Chính phủ, thời gian tới, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp, tiếp tục tác động, ảnh hưởng trên nhiều mặt đến kinh tế thế giới, khu vực và nước ta. Ở trong nước, tại một số địa phương vẫn còn trường hợp lây nhiễm dịch COVID-19 trong cộng đồng.

Trong khi đó, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận tải và du lịch tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; tiêu thụ sản phẩm nông sản ở một số địa phương vùng dịch gặp nhiều khó khăn.

Chính phủ yêu cầu “khơi thông” nguồn lực các trụ cột, đầu tàu kinh tế
Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 2/2021. Ảnh: VGP

Trên cơ sở đó, Chính phủ thống nhất quan điểm chỉ đạo, điều hành là kiên định tập trung thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống Nhân dân.

Với các nhiệm vụ cụ thể, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục cân đối nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là những ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19; tiếp tục cơ cấu lại và xử lý hiệu quả nợ xấu trong hệ thống tín dụng, ngân hàng.

Đồng thời, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đánh giá tình hình thực hiện và tiếp tục rà soát, kịp thời đề xuất điều chỉnh các chính sách, biện pháp hỗ trợ hiện tại; nghiên cứu, xây dựng các chính sách hỗ trợ mới giúp doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tập trung cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy nhanh phục hồi kinh tế, đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài; phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế 6,5% năm 2021.

Cùng với đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phục hồi sản xuất, kinh doanh trong nước.

Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành chủ trì, phối hợp với các địa phương đề xuất các chính sách, giải pháp phát huy tiềm năng, thế mạnh, khơi thông nguồn lực đối với các trụ cột, đầu tàu tăng trưởng kinh tế, nhất là các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu và các tỉnh trọng điểm khác.

Ngoài ra, Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành theo dõi sát tình hình kinh tế thế giới đang có dấu hiệu phục hồi để kịp thời đề xuất các chính sách thúc đẩy nền kinh tế trong nước, tăng trưởng xuất khẩu, bảo hộ công dân, bảo hộ dòng vốn đầu tư ra nước ngoài...

Văn Huy
Phiên bản di động