Chính phủ lập Ban Chỉ đạo xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 72/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
Hoàn thành công tác đầu tư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong 5 năm Nhân lực là vấn đề then chốt khi làm điện hạt nhân

Quyết định nêu rõ, thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân (Ban Chỉ đạo) để giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo và phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành, liên quan đến công việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân, tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Theo quyết định, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Phó trưởng Ban Thường trực là Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn. Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Phó trưởng Ban.

Các thành viên là lãnh đạo các bộ, cơ quan: Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Công Thương; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Quốc phòng; Bộ Công an; Bộ Xây dựng; Bộ Tài chính; Bộ Ngoại giao; Bộ Tư pháp; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Văn phòng Chính phủ; Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Quốc hội; Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận; Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Căn cứ nhu cầu, nhiệm vụ trong quá trình hoạt động, Trưởng Ban quyết định việc thay đổi, bổ sung thành viên Ban Chỉ đạo.

Chính phủ lập Ban Chỉ đạo xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, sau khi thực hiện sắp xếp theo chỉ đạo của Trung ương, có trách nhiệm thông báo cho Bộ Công thương về sự thay đổi thành viên tham gia Ban Chỉ đạo. Bộ Công thương có trách nhiệm tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ kiện toàn thành viên Ban Chỉ đạo sau khi các bộ được sát nhập, hợp nhất.

Ban Chỉ đạo có Tổ giúp việc do lãnh đạo Bộ Công thương làm Tổ trưởng. Thành phần Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo bao gồm các công chức thuộc các bộ, cơ quan liên quan tham gia làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và các chuyên gia; Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định thành lập Tổ giúp việc.

Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định lựa chọn thành viên Tổ giúp việc là các chuyên gia.

Bộ Công thương là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, sử dụng bộ máy của bộ để thực hiện nhiệm vụ giúp Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình công tác, tổng hợp nội dung và dự thảo kết luận cho các kỳ họp của Ban Chỉ đạo; tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.

Quyết định nêu rõ, Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận; chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc thực hiện và tham mưu, đề xuất giải pháp để giải quyết các vướng mắc trong quá trình triển khai xây dựng các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Đồng thời, chỉ đạo sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan, đáp ứng yêu cầu phát triển điện hạt nhân, đảm bảo chất lượng, an toàn, an ninh và hiệu quả; chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng chương trình phát triển điện hạt nhân của Việt Nam để báo cáo cấp thẩm quyền phê duyệt.

Liên quan đến dự án này, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận là chủ trương lớn, hết sức đúng, trúng, phù hợp với tình hình hiện nay. Nhu cầu về năng lượng tăng lên rất nhanh trên phạm vi toàn cầu trong đó có Việt Nam, trong khi nguồn năng lượng truyền thống không còn dư địa phát triển.

Theo ông Nguyễn Hồng Diên, hiện nay, thủy điện hết dư địa, điện than gây phát thải lớn, các nguồn điện khác như điện gió, mặt trời phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên, trình độ khoa học, kỹ thuật như: Công nghệ lưu trữ năng lượng điện, truyền tải điện bằng hệ thống lưới điện thông minh...

Cùng với đó, điện hạt nhân được xác định là nguồn điện sạch, điện nền do có khả năng đạt đỉnh công suất thiết kế nhanh, rất phù hợp với mục tiêu trung hòa carbon của Việt Nam vào năm 2050.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, điện hạt nhân cũng là xu thế tất yếu của thế giới, hiện nhiều quốc gia đã tái khởi động và phát triển rất mạnh nguồn điện này. Kể cả những nước có ý định đóng cửa điện hạt nhân sau sự cố Nhà máy điện Fukushima ở Nhật Bản cũng đã quay trở lại với điện hạt nhân do nhu cầu năng lượng điện lớn cho các trung tâm dữ liệu trong phát triển công nghệ AI, công nghiệp bán dẫn, IoT...

Hiện có nhiều công nghệ của nhiều nước đã phát triển ở mức an toàn rất cao, thậm chí còn an toàn hơn rất nhiều các nguồn điện truyền thống khác, quy mô linh hoạt nên rất phù hợp với đặc điểm, địa hình, nhu cầu của nhiều địa phương, nhiều quốc gia.

Theo Bộ trưởng, Việt Nam có điều kiện phát triển nguồn điện này, 15 năm trước qua khảo sát xác định, có đến 13-14 địa điểm có thể phát triển điện hạt nhân. Đặc biệt, Việt Nam có địa hình dài từ Bắc đến Nam nếu phát triển điện hạt nhân quy mô nhỏ thì càng phù hợp.

Ở những nơi phụ tải thấp, nơi có tiềm năng khai thác phát triển năng lượng tái tạo, gió, mặt trời mà có thêm điện hạt nhân module nhỏ thì rất thuận lợi cho khai thác phát huy tiềm năng năng lượng tái tạo cùng với nguồn điện nền, điện sạch... Điều đó phù hợp nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế đất nước và phù hợp với mục tiêu trung hòa carbon của Việt Nam vào năm 2050. Hơn nữa Việt Nam là quốc gia đông dân số, dân số trẻ có khả năng tiếp cận công nghệ nhanh.

Cũng theo Bộ trưởng, để phục vụ cho chương trình điện hạt nhân và dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, nguồn nhân lực kể cả trong ngắn và dài dạn là vô cùng cần thiết kể cả nghiên cứu phát triển năng lượng hạt nhân cho đến nguồn nhân lực kỹ thuật để vận hành các dự án điện hạt nhân.

“Trước đây, mới tính đến 1-2 nhà máy chúng ta đã cần vài nghìn kỹ sư và cán bộ kỹ thuật, nếu phát triển nhiều nhà máy hơn kể cả cho nhu cầu xuất khẩu nhân lực sang các nước trong khu vực thì vấn đề chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực kỹ thuật là vô cùng quan trọng”, ông Diên cho hay.

Hậu Lộc
Phiên bản di động