Chiến công của các bác sỹ quân y trong trận Điện Biên Phủ

Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 được đánh giá là chiến công “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của quân và dân ta. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng có sự đóng góp quan trọng của lực lượng quân y - “những chiến sĩ áo trắng” trên mặt trận gian khổ, khói lửa.
Trưng bày sách, ảnh nhân kỷ niệm 69 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Huy động lực lượng quân y tối đa cho chiến dịch

Theo thống kê của Ban Quân y Chiến dịch Điện Biên Phủ, Chiến dịch Điện Biên Phủ huy động lực lượng điều trị lớn, khoảng 10 đội điều trị, mỗi đội điều trị với quân số hơn 100 người cùng 500 dân công.

Thiếu tướng, GS-TSKH Bùi Đại, nguyên là Trưởng tiểu ban Y chính và kế hoạch, Ban Quân y Chiến dịch Điện Biên Phủ nhớ lại, trước khi diễn ra Chiến dịch nhiều tháng, nhiều cán bộ của Cục Quân y và đích thân đồng chí Cục trưởng đã lên đường tới Tây Bắc để khảo sát tình hình quanh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, nhằm xác định các tuyến bảo đảm, vị trí các đội điều trị, các trạm vận chuyển thương binh, bệnh binh…

Chăm sóc thương binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu
Chăm sóc thương binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Sau đợt khảo sát đó, các đội điều trị lần lượt hành quân bộ lên các vị trí tập kết. Trung ương đã cử các thầy thuốc nổi tiếng như bác sĩ, Bộ trưởng Bộ Y tế Vũ Đình Tụng; bác sĩ ,Thứ trưởng Bộ y tế Tôn Thất Tùng tham gia chiến dịch và trực tiếp phẫu thuật cho thương binh ngay tại mặt trận. Trong đó Bác sĩ Tôn Thất Tùng là bác sĩ phẫu thuật được coi là có đôi bàn tay vàng. Các Bác sĩ Triệu, Huấn, hiệu trưởng và hiệu phó trường quân y cũng đưa một số học sinh lên chi viện cho mặt trận Điện Biên Phủ.

Để tránh pháo của của địch, giữ bí mật hướng chiến dịch, hầu hết các đơn vị đều hành quân vào ban đêm, bám dọc theo các sườn đồi, chỉ dừng chân ở các địa điểm quy định. Các công việc đào hầm trú ẩn, hố cá nhân… đều triển khai hết sức bí mật, thậm chí đến mức hạn chế ho, nói to. Do đó, đã gây nhiều bất ngờ cho địch khi chiến dịch diễn ra.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, lần đầu tiên toàn bộ hệ thống các cơ sở điều trị được triển khai dưới mặt đất. Đây là điểm khác hẳn với những chiến dịch trước. Ngoài các bệnh xá cấp trung đoàn, trạm quân y tiểu đoàn, các đội điều trị đại đoàn và một số đội điều trị của Cục Quân y đều được triển khai trong hầm, thương binh, bệnh binh nằm dưới mặt đất.

Vượt qua thiếu thốn, khó khăn, các bác sỹ quân y đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
Vượt qua thiếu thốn, khó khăn, các bác sỹ quân y đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Ban Quân y chiến dịch đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo để lựa chọn kiểu hầm phù hợp cho phòng mổ các bệnh xá trung đoàn, hầm cho phòng mổ của đội điều trị đại đoàn, mẫu hầm cho thương binh, bệnh binh…Đây cũng là lần đầu tiên xuất hiện mẫu hầm “hàm ếch” để đặt thương binh. Đường vận chuyển thương binh, bệnh binh được xác định là hệ thống giao thông hào.

Quân y phát huy vai trò quan trọng trong chiến đấu

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, các bác sỹ quân y đã làm việc liên tục, vất vả trong điều kiện hết súc khó khăn, vất vả, thiếu máy móc, thiết bị, dụng cụ y tế, thuốc men. Có những lúc quá đông thương binh đến độ hết băng, bông, thuốc giảm đau. Nhiều thương binh bị gãy tay, chân phải nẹp bằng sắt, tre để cố định. Nhiều thương binh, các bác sĩ chỉ kịp sơ cứu rồi phải chuyển qua điều trị cho các thương binh khác.

Lúc cao điểm, Bộ chỉ huy chiến dịch có cử nhiều thanh niên xung phong và dân công đến hỗ trợ nhưng chỉ phụ giúp được những việc đơn giản như rửa vết thương, cầm máu,... còn việc chính vẫn phải có bàn tay của những chiến sĩ quân y thực thụ. Cực nhọc là vậy những bữa cơm của những con người ấy lại hết sức đạm bạc với cá khô và cơm nát, ăn vội trong những phút nghỉ ngơi hiếm hoi khi công tác cứu thương đã vãn.

Lá cờ quyết chiến, quyết thắng của quân đội ta tung bay trên nóc hầm Sở chỉ huy của tướng De Castries ngày 7/5/1954. Ảnh: Tư liệu
Lá cờ quyết chiến, quyết thắng của quân đội ta tung bay trên nóc hầm Sở chỉ huy của tướng De Castries ngày 7/5/1954. Ảnh: Tư liệu

Nhưng có những trường hợp hiểm nghèo, như vết thương sọ não, vượt quá khả năng của quân y, ta đã bố trí những trạm trung chuyển ở nhiều tuyến. Các bác sĩ sẽ xử lý vết thương một cách tối ưu, đảm bảo có thể vận chuyển một cách an toàn về hậu phương để chữa trị.

Với tinh thần "Quyết chiến quyết thắng", đội ngũ bác sĩ, y sĩ, hộ lý đã làm một công việc vượt rất xa sức mình. lực lượng quân y đã cứu chữa cho hơn 10.000 lượt thương binh, gần 4.500 bệnh binh. Hàng ngàn thương binh, bệnh binh nhẹ đã được điều trị khỏi trong vòng 10 ngày, trở lại đơn vị chiến đấu, góp phần quan trọng vào việc khôi phục sức mạnh chiến đấu của các đơn vị trên toàn mặt trận.

PV
Phiên bản di động