"Chia lửa" cho Đà Nẵng trong điều trị bệnh nhân COVID-19, siết chặt phòng dịch ở các cơ sở y tế toàn quốc

Tại cuộc họp trực tuyến với các bệnh viện về công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 sáng ngày 28/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu hệ thống y tế phải “chia lửa” với Đà Nẵng trong điều trị bệnh nhân COVID-19. Toàn bộ hệ thống cơ sở y tế phải nâng cao cảnh giác, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định khi tiếp nhận người đến khám, chữa bệnh: Sàng lọc, phân luồng, phân tuyến...
Ngành Y tế Bắc Giang chủ động phòng chống dịch Covid-19 phục vụ mục tiêu kép Ngưng toàn bộ máy bay, xe khách, tàu hỏa đi/đến Đà Nẵng Chủ tịch UBND TP Hà Nội: Người về từ Đà Nẵng phải chủ động khai báo y tế

Ngày 28/7, tại Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị COVID-19 (đặt tại Cục Quản lý Khám chữa bệnh) Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 đã có cuộc họp trực tuyến với các bệnh viện về công tác điều trị bệnh nhân COVID-19.

Cùng dự cuộc họp có GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế; Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên; PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cùng nhiều chuyên gia, lãnh đạo các Vụ/Cục/ Văn phòng Bộ Y tế.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam họp trực tuyến với các bệnh viện về công tác phòng chống dịch bệnh. Nhấn mạnh tại đây, Phó Thủ tướng nói: Chỉ cần một mắt xích, một con ốc vít bị lỏng, thì cả cỗ máy sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Ảnh VGP/Đình Nam

Cuộc họp được kết nối với các điểm cầu: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng, Sở Y tế Đà Nẵng, Bệnh viện Trung ương Huế.

Cuộc họp với sự có mặt của nhiều chuyên gia đầu ngành về hồi sức, hô hấp, tim mạch, chạy thận nhân tạo, truyền nhiễm...

PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết, đây là lần thứ 3, trong 5 ngày qua, tình hình sức khoẻ các bệnh nhân COVID-19 nặng nói riêng và các bệnh nhân COVID-19 nói chung ở Đà Nẵng cũng như công tác điều trị, xét nghiệm, cách ly, các biện pháp chống dịch trong các cơ sở y tế tại Đà Nẵng.... được báo cáo chi tiết tại các cuộc hội chẩn trực tuyến quốc gia...

Xem xét cai ECMO cho bệnh nhân 416 trong vài ngày tới

Tại cuộc họp, TS. BS Lê Đức Nhân- Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng đã báo cáo tình hình điều trị các bệnh nhân nhiễm COVID-19. Sơ bộ có 3 ca nặng: bệnh nhân (BN) BN 416 chạy ECMO sau 3 ngày các chỉ số đã cải thiện, khả năng bệnh nhân nay sẽ được cai ECMO trong những ngày tới; BN

418 tiền sử mắc nhiều bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, gặp biến chứng suy hô hấp, suy tim, tổn thương thận cấp, trường hợp này tiếp tục được theo dõi, chưa có chỉ định ECMO.

Tại cuộc hội chẩn quốc gia chiều ngày 27/7, các chuyên gia đã bàn đến việc xem xét khả năng sử dụng ECMO cho trường hợp này, nhưng với những cải thiện các chỉ số, thông số hô hấp, khí máu, oxy máu, kết quả xét nghiệm, đánh giá cơ học dần ổn định, đến nay bệnh nhân chưa có chỉ định ECMO, tiếp tục được theo dõi sát sao.

Hiện cả hai trường hợp bệnh nhân 416 và 418 đều đã hết sốt.

Trường hợp thứ 3 là bệnh nhân 431 mắc nhiều bệnh nền như suy thận mãn giai đoạn cuối, xơ gan, suy tim, tăng huyết áp, tổn thương phổi… tuy nhiên hiện các thông số tạm ổn định, chưa phải chạy ECMO. Bệnh nhân đang thở oxy qua mặt nạ.

Y tế Đà Nẵng đã phân luồng, phân tuyến điều trị tại các bệnh viện, đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm COVID-19

Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng đã tiến hành phân luồng điều trị, giải toả bệnh nhân, đảm bảo điều kiện về cách ly, điều trị cho các ca bệnh COVID-19. Các bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đà Nẵng đã được cách ly, phân luồng chạy thận.

Hiện Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy đang tích cực hỗ trợ cho Bệnh viện Đà Nẵng về công tác phân luồng bệnh nhân, cách ly, giám sát nhiễm khuẩn, hồi sức tích cực cho các bệnh nhân nặng. Bên cạnh các bác sĩ giỏi, Bệnh viện Đà Nẵng còn nhận được sự hỗ trợ về máy móc, thiết bị y tế hiện đại như máy chạy ECMO, máy thở…

Để đảm bảo năng lực điều trị, TP. Đà Nẵng đang khẩn trương thiết lập trung tâm điều trị COVID-19 tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, tiếp nhận và điều trị các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ và vừa. Đồng thời Bệnh viện

đã tiến hành phân luồng điều trị, giải toả bệnh nhân, đảm bảo điều kiện về cách ly, điều trị cho các ca bệnh COVID-19. Các bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng đã được cách ly, phân luồng chạy thận.

Để hỗ cho Đà Nẵng trong điều trị bệnh nhân COVID-19, đặc biệt là bệnh nhân có bệnh lý nền cũng như các trường hợp đang chạy thận nhưng chưa mắc COVID-19, tại buổi chẩn, GS.TS Nguyễn Thanh Long và các chuyên gia đều đề nghị Bệnh viện Trung ương Huế "chia lửa" với Đà Nẵng.

Báo cáo với Phó Thủ tướng và Bộ trưởng, GS.TS Phạm Như Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, Bệnh viện đã chuẩn bị cơ sở vật chất tại cơ sở 2 để tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nặng tại Đà Nẵng, đặc biệt là những người có nhiều bệnh nền, phải chạy thận nhân tạo.

Bà Ngô Thị Kim Yến- Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, ngành y tế Đà Nẵng đã tiến hành phân luồng, phân tuyến điều trị tại các bệnh viện, đồng thời đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm COVID-19 cho các bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế trong các bệnh viện và người dân ngoài cộng đồng có liên quan.

"Chỉ cần một mắt xích, một con ốc vít bị lỏng, thì cả cỗ máy sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí có thể gây hậu quả nghiêm trọng”

Sau khi nghe báo cáo và các ý kiển trao đổi đề xuất của chuyên gia, bác sĩ ở các điểm cầu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý trong công trị điều trị phải hết sức tập trung bởi căn bệnh này rất nguy hiểm, lơ là một chút là diễn biến xấu rất nhanh. Phải nỗ lực cao nhất, không để có bệnh nhân tử vong.

Chia sẻ khó khăn, vất vả của các cán bộ y tế, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Chúng ta không bất ngờ trước tình hình dịch bệnh ở Đà Nẵng nhưng trong chống dịch bao giờ cũng phải lường đến tình huống xấu, tính đến cả tình huống xấu nhất để tình huống đấy không bao giờ xảy ra.

Bà Ngô Thị Kim Yến- Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng (áo đen) báo cáo về công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn từ điểm cầu Sở Y tế Đà Nẵng

Đến thời điểm hiện nay, mặc dù các tỉnh khác như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Huế, đặc biệt Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh… không phải không có nguy cơ có những người liên quan đến ổ dịch ở Đà Nẵng, nhưng hiện nay Đà Nẵng vẫn đang là ổ dịch. Cả hệ thống, trước hết là hệ thống y tế phải “chia lửa” với Đà Nẵng, không phân biệt giữa địa phương với Trung ương, giữa địa phương với địa phương.

Trước hết, Bệnh viện Trung ương Huế phải sẵn sàng đón nhận những bệnh nhân dương tính có bệnh nền. Bộ Y tế tăng cường các đội cơ động của các bệnh viện đầu ngành hỗ trợ cho Bệnh viện Trung ương Quảng Nam để sẵn sàng công tác cách ly, điều trị bệnh nhân COVID-19.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế điều động các lực lượng, sử dụng các công nghệ xét nghiệm để tìm ra nguồn bệnh nhanh nhất có thể.

Đối với tất cả các bệnh viện trên toàn quốc, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Các quy định, hướng dẫn phòng, chống dịch đã có đầy đủ, chi tiết, chúng ta phải siết lại. Tất cả các bệnh viện trên toàn quốc phải sẵn sàng phòng, chống dịch trên địa bàn; chi viện cho các địa phương khác khi cần thiết.

Phó Thủ tướng yêu cầu toàn bộ hệ thống cơ sở y tế phải nâng cao cảnh giác, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định khi tiếp nhận người đến khám, chữa bệnh: Sàng lọc, phân luồng, phân tuyến.

“Tất cả các biện pháp chống dịch phải làm rất đồng bộ, không chỉ y tế mà các lực lượng khác và toàn xã hội. Chúng ta phải hiệp đồng chặt chẽ, vận hành nhịp nhàng như một cỗ máy, từ khâu quản lý xuất nhập cảnh, rà soát các đối tượng có nguy cơ cho đến tiếp nhận bệnh nhân đến khám, chữa bệnh, thực hiện các biện pháp bảo hộ, hướng dẫn khi có các triệu chức, tổ chức xét nghiệm, cách ly… Chỉ cần một mắt xích, một con ốc vít bị lỏng, thì cả cỗ máy sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí có thể gây hậu quả nghiêm trọng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Cũng tại cuộc họp, Phó Thủ tướng đã nghe báo cáo về công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, thuốc điều trị, trang thiết bị… tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để đón công dân Việt Nam từ Guinea Xích đạo về nước, với dự kiến khoảng 120 ca nhiễm. Hiện 4 y bác sĩ của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã lên đường cùng chuyến bay sang Guinea Xích đạo đi đón công dân về nước.

Nguồn: Sức khỏe Đời sống
suckhoedoisong.vn
Phiên bản di động