Châu Âu nguy cơ suy thoái vì Covid-19

Covid-19 đang làm đình trệ nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh ở châu Âu, tiềm ẩn nguy cơ khiến khu vực rơi vào suy thoái nghiêm trọng.
Người châu Âu lĩnh tiền để ở nhà ngừa Covid-19 Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, số ca nhiễm ở châu Âu tăng vọt Dịch Covid-19 lan rộng tại châu Âu

Những tác động không mong muốn từ quyết định chưa từng có tiền lệ của Italy khi phong tỏa toàn quốc nhằm ngăn Covid-19 và viễn cảnh những quốc gia khác sẽ nối gót Rome được dự đoán sẽ tạo ra thách thức lớn với giới chính trị gia và các nhà hoạch định chính sách châu Âu, đặc biệt về kinh tế.

Các quan chức Liên minh châu Âu (EU), những người đã dành nhiều năm đối phó với cuộc suy thoái kinh tế năm 2008, đang cân nhắc sử dụng những công cụ tương tự cách đây hơn một thập kỷ, tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng chúng chưa đủ để đối phó với cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra.

chau au nguy co suy thoai vi covid 19
Một nhà hàng ở Quảng trường St Mark, Milan, Italy, ngày 9/3, sau khi chính phủ áp lệnh phong tỏa toàn quốc. Ảnh: AFP.

Chẳng hạn, biện pháp cắt giảm lãi suất và khuyến khích ngân hàng cho vay sẽ không có kết quả nếu người lao động không làm việc và người tiêu dùng không mua sắm.

Sụp đổ hoạt động kinh doanh là tác động tức thì của lệnh phong tỏa mà Italy vừa ban hành. Khi dòng tiền bốc hơi, các công ty đứng trước nguy cơ không thể trả hóa đơn, lương nhân viên, nợ ngân hàng và tiền thuế. Lãnh đạo doanh nghiệp cùng chính trị gia ở Italy và các nước khác trong khu vực đang kêu gọi chính phủ cũng như các nhà hoạch định chính sách EU nới lỏng những quy định tài chính nhằm giúp các công ty duy trì sự sống chờ ngày dịch bệnh đi qua và hoạt động thương mại trở lại bình thường.

"Mọi thứ đều bị đình trệ và điều này có thể dẫn tới những thiệt hại nghiêm trọng", Massimo Perrella, giám đốc điều hành Poliform Lucernari, công ty sản xuất cửa sổ mái nhà tại tỉnh Parma, phía bắc Italy, cho hay.

Theo ông, tình hình hiện tại tồi tệ hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính năm 2008. "Công ty tôi đang bị bao trùm bởi nỗi lo sợ và tâm lý bất an", Perrella nói. Công ty của ông có 24 nhân viên, hầu hết đều là người trong gia đình.

Richard Kozul-Wright, giám đốc Phòng Chiến lược và Toàn cầu hóa tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), đánh giá gần như chắc chắn châu Âu "sẽ rơi vào suy thoái trong những tháng tới".

"Nền kinh tế Đức đặc biệt mong manh nhưng kinh tế Italy và các khu vực khác ở ngoại vi châu Âu cũng đang đối mặt những căng thẳng rất nghiêm trọng do hậu quả của tình hình thời gian qua", ông nói, đề cập tới Covid-19.

Một số nhà kinh tế nhận định những biện pháp điều hành lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) không giúp ích nhiều ở giai đoạn hiện nay, song số khác lại cho rằng chúng cũng mang tới những lợi ích nhất định và rằng việc không hành động gì còn truyền đi tín hiệu gây hoang mang hơn tới thị trường.

"ECB về cơ bản không thể hóa giải cú sốc từ dịch bệnh nhưng họ có thể giảm bớt tác động của nó, đồng thời ngăn chặn cú sốc lan ra, trở thành một cuộc suy thoái nghiêm trọng hơn", Seamus Mac Gorain, cựu quan chức Ngân hàng Trung ương Anh, bình luận.

Các công ty lớn của Italy với tiềm lực tài chính mạnh và hoạt động toàn cầu đang thích nghi với lệnh phong tỏa. Nhà sản xuất lốp xe Pirelli & Co. và nhà sản xuất xe hơi Fiat Chrysler Automobiles cho biết họ vẫn duy trì hoạt động nhưng sẽ giảm thiểu các cuộc họp và những chuyến công tác. Song các công ty nhỏ đang chật vật.

4 nhà hàng thuộc công ty Mammina Holding của Antonio Viola luôn vắng khách kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Italy dù chúng đều nằm cách xa những khu vực bị cách ly. Tại một nhà hàng khác ở Milan, doanh thu hai tuần qua đã giảm 70%.

"Cuộc khủng hoảng mang đến những tác động khủng khiếp", giám đốc công ty Viloa cho hay và thêm rằng trong những ngày tới, anh có thể phải đóng cửa tất cả các nhà hàng, nơi 100 nhân viên đang làm việc, nếu tình hình tiếp tục ảm đạm. "Đây thực sự là một thảm họa".

Các chuyên gia kinh tế đang thúc giục chính phủ những quốc gia trong khu vực đồng euro tăng chi tiêu để hỗ trợ nền kinh tế và giảm áp lực đè nặng lên ECB.

Hồi tháng 10 năm ngoái, Chủ tịch ECB Christine Lagarde gọi đích danh Đức và Hà Lan. Theo bà, hai quốc gia này nên sử dụng thặng dư ngân sách để gia tăng các khoản đầu tư giúp kích thích nền kinh tế eurozone.

Nhưng dù Đức đã công bố một số biện pháp tài khóa hạn chế trong những ngày gần đây, các quan chức Đức vẫn phản đối việc chi tiêu thâm hụt và đang cố gắng làm dịu những biến động trong chu kỳ kinh doanh.

Đảng Bảo thủ CDU của Thủ tướng Đức Angela Merkel, bên đặc biệt hoài nghi về các biện pháp kích thích tài khóa, đang ở giữa một cuộc chiến nhằm quyết định người kế nhiệm Merkel trước cuộc bầu cử quốc gia vào năm tới. Điều này càng khiến chính phủ Đức thận trọng hơn trong việc tiến hành các biện pháp tài khóa.

Trong bối cảnh những động thái chính sách mang tính quyết định khó có thể được thực hiện, các nhà quản lý và quan chức chính quyền hiện quan tâm nhất đến việc ngăn suy thoái kinh tế tác động tới hệ thống ngân hàng vốn đã mong manh của eurozone và giảm thiểu tác động của nó đối với các ngân hàng bị ảnh hưởng.

Tại Brussels, các cuộc thảo luận đang diễn ra chủ yếu xoay quanh việc làm thế nào để đảm bảo các công ty, đặc biệt là những công ty nhỏ, có đủ nguồn vốn nhằm đối phó với tình trạng sụt giảm mạnh doanh số cũng như hoạt động kinh doanh.

Khi số ca nhiễm nCoV tiếp tục tăng, các chính trị gia dân túy châu Âu lại đang cố gắng lợi dụng cuộc khủng hoảng y tế để phục vụ cho những mục tiêu của riêng họ.

Với Matteo Salvini, cựu bộ trưởng nội vụ Italy, lãnh đạo đảng Liên minh cực hữu, dịch bệnh là cơ hội để thuyết phục người dân rằng chính phủ thân châu Âu của họ đang thất bại.

"Nếu (Thủ tướng Giuseppe) Conte không thể bảo vệ đất nước và người dân Italy, ông ấy nên đứng sang một bên", Salvini nói hồi cuối tháng hai. "Dịch bệnh đang lây lan. Tôi muốn hỏi chính phủ ai đã đến và đi khỏi nước ta. Chúng ta phải đóng cửa biên giới ngay bây giờ".

chau au nguy co suy thoai vi covid 19
Khách du lịch đi bộ gần kim tự tháp kính Lourve ở Paris ngày 28/2. Ảnh: AFP.

Trong khi làn sóng kỳ thị Trung Quốc đang lan rộng trên toàn cầu, Salvini tiếp tục làm dấy lên nỗi lo sợ về những người xin tị nạn châu Phi đang từ Libya đổ tới Italy. "Để người di cư đến Italy từ châu Phi, nơi đã được xác nhận có virus, là hành động vô trách nhiệm", ông tuyên bố hồi tháng trước.

Thời điểm đó, Ai Cập là quốc gia duy nhất ở châu Phi ghi nhận ca nhiễm nCoV. Đến nay, virus đã xuất hiện tại hàng loạt quốc gia tại khu vực.

Tại Pháp, Marine Le Pen, lãnh đạo đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN), hồi đầu tháng chỉ trích chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron vì đã cho phép fan hâm mộ bóng đá Italy vào sân xem một trận đấu ở Lyon. Bà khẳng định "một biên giới được dựng lên là để bảo vệ người dân, bất kể tình hình như thế nào".

Các đảng cực hữu ở Đức và Tây Ban Nha đã kêu gọi đình chỉ hiệp ước Schengen, thỏa thuận cho phép đi lại miễn hộ chiếu tại 26 quốc gia thành viên EU. Họ lên án các lãnh đạo châu Âu ưu tiên "những giáo điều" về biên giới mở hơn là sức khỏe của dân chúng.

Song giám đốc Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC) Andrea Ammon khẳng định đình chỉ hiệp ước Schengen là "không hợp lý từ góc độ khoa học".

Những quy định trong hiệp ước Schengen cho phép các quốc gia khôi phục kiểm tra biên giới nếu có các mối đe dọa đặc biệt đối với chính sách công hoặc an ninh nội bộ. Áo, Đan Mạch, Pháp, Na Uy và Thụy Điển đã thực hiện kiểm tra biên giới từ năm 2015, khi cuộc khủng hoảng tị nạn mới bùng phát.

"Đã có những tiếng nói thúc giục đóng cửa biên giới ở một số quốc gia và những người như Salvini sử dụng nó để tuyên truyền rằng người di cư không nên được tiếp nhận", Andrea Mammone, giảng viên về lịch sử châu Âu hiện đại tại Đại học London, nói. "Nhưng điều đó không hoàn toàn đúng bởi hầu hết các ca nhiễm tập trung ở bắc Italy".

"Ở cấp độ EU, chiến lược quan trọng nhất là ngăn hoảng loạn lây lan", ông nói.

Nguồn: VNE
Phiên bản di động