Chăm con thừa chất, bé trai 12 tuổi ở Hà Nội đầy sỏi trong mật
Hơn 100 viên sỏi trong thận nam bệnh nhân |
Căn bệnh nhà giàu
TS Đỗ Tuấn Anh, Trưởng khoa phẫu thuật gan, mật, BV Việt Đức cho biết, sỏi túi mật hình thành theo cơ chế phức tạp, chủ yếu liên quan đến chuyển hoá.
Trước đây, bệnh lý này hay gặp ở châu Âu và những nước phát triển, còn gọi là bệnh nhà giàu do thường gặp ở những người béo phì, rối loạn chuyển hoá lipid, đái tháo đường type 2.
Tuy nhiên hiện nay, số lượng bệnh nhân Việt Nam bị sỏi túi mật cũng rất nhiều, chiếm khoảng 60-70% tỉ lệ sỏi đường mật nói chung, trong đó tỉ lệ mắc bệnh ở nữ cao gấp 1,7 lần nam giới.
Sỏi túi mật gồm 3 loại: Sỏi sắc tố mật, sỏi cholesterol và sỏi hỗn hợp. Tỉ lệ mắc sỏi túi mật tăng theo độ tuổi, tuy nhiên, tại BV Việt Đức đang điều trị cho bệnh nhân mới 12 tuổi ở Hà Nội.
BS Đỗ Tuấn Anh khám và tư vấn cho bệnh nhân |
TS Tuấn Anh cho biết, bé trai được gia đình chăm tốt, ăn uống tốt nên thừa cân, béo phì, dù vậy cháu bé không hề có bất kỳ biểu hiện gì. Gần đây, gia đình đưa con đi khám sức khoẻ định kỳ, tình cờ bác sĩ phát hiện bé bị sỏi túi mật nên tiếp tục đưa đến BV Việt Đức để tư vấn.
Do bệnh nhi chưa có triệu chứng nên bác sĩ chỉ định theo dõi định kỳ, điều chỉnh chế độ ăn uống, giảm bớt dinh dưỡng. Trường hợp sỏi tiến triển nhiều và to lên, gây ra các biến chứng, khi đó bác sĩ sẽ phải cắt túi mật.
Theo BS Tuấn Anh, với hầu hết các trường hợp bệnh nhân có sỏi túi mật, dù được phẫu thuật cắt túi mật, bệnh vẫn tái đi tái lại nhiều lần.
Mới nhất, BV Việt Đức phẫu thuật lấy sỏi lần thứ 7 cho nam bệnh nhân 65 tuổi ở Thanh Hoá. Bệnh nhân từng được cắt bỏ túi mật, tuy nhiên sỏi vẫn hình thành rơi xuống đường mật gây viêm cả trong lẫn ngoài. Bệnh nhân sau đó truyền dịch, dùng kháng sinh thấy đỡ, không đến viện tái khám dẫn đến sỏi rơi vào trong gan, phải phẫu thuật.
Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật nội soi đường mật để tán sỏi. Song do bệnh nhân bị rối loạn đông cầm máu, sức khoẻ không tốt nên bác sĩ chỉ tán được sỏi ở những điểm dễ tiếp cận.
BS Tuấn Anh cho hay, các phương pháp lấy sỏi đường mật, sỏi trong gan trước đây chỉ sạch được 40-50% nhưng phương pháp nội soi hiện tại có thể làm sạch 80-90% sỏi.
Có thể tiến triển thành ung thư túi mật
TS Tuấn Anh cho biết, túi mật là một túi nhỏ màu xanh lam có kích thước khoảng 3,5 x 4 cm, dính vào dưới thuỳ gan phải, thông với đường mật qua ống túi mật.
Túi mật có nhiệm vụ cô đặc và lưu trữ dịch mật do gan tiết ra. Khi cơ thể ăn quá nhiều dầu mỡ, túi mật sẽ tăng cường co bóp đẩy dịch mật xuống tá tràng, trộn cùng thức ăn để quá trình tiêu hoá chất béo thuận lợi hơn.
Khi dịch mật có nồng độ cholesterol quá cao, kết hợp với muối mật và canxi sẽ tạo thành sỏi túi mật, có kích thước từ vài mm đến vài cm, từ một vài viên đến hàng trăm viên. Tại BV Việt Đức, viên sỏi túi mật to nhất được lấy ra có kích thước 4x5 cm, tương đương quả trứng gà.
Đáng lưu ý, hầu hết người bệnh bị sỏi túi mật không có triệu chứng gì, thường phát hiện ra bệnh khi tình cờ đi làm siêu âm gan, mật, ổ bụng.
Cũng vì không có triệu chứng nên không ít bệnh nhân chủ quan, không đi khám sức khoẻ định kỳ, đến khi túi mật mất chức năng với biểu hiện vàng da mới đến bệnh viện, lúc này đã chuyển thành ung thư túi mật giai đoạn muộn.
Chỉ định chung cho những bệnh nhân bị sỏi túi mật có triệu chứng, biến chứng là cắt bỏ túi mật |
Khi đó bác sĩ gần như không thể can thiệp được gì, chỉ điều trị giảm nhẹ. Theo thống kê, 60-65% bệnh nhân ung thư túi mật có sỏi túi mật hoặc polyp túi mật. Trong khi ung thư túi mật nếu được phát hiện sớm, tiên lượng điều trị rất tốt, nhiều bệnh nhân vẫn đang điều trị hơn 10 năm nay.
Những trường hợp đau bụng âm ỉ dưới sườn phải, đau xuyên ra lưng thường do sỏi rơi xuống gây tắc đường mật, gây viêm. Những trường hợp tắc mật cấp, có thể có biểu hiện sốt, vàng da, khi đó phải phẫu thuật cấp cứu, tránh nguy cơ hoại tử túi mật.
Tuy nhiên với những trường hợp tắc đường mật, bệnh nhân có nguy cơ tái lại nhiều lần do sau phẫu thuật, thành đường mật sẽ không còn trơn nhẵn, khi đó mật khó lưu thông dễ gây ra sỏi.
Theo BS Tuấn Anh, dù bệnh lý sỏi mật, sỏi túi mật khá thường gặp song không phải trường hợp nào cũng có chỉ định phẫu thuật. Nếu có sỏi trong túi mật nhưng bệnh nhân không đau, không sốt thì chỉ cần theo dõi, kiểm tra định kỳ 1-2 lần/năm.
Bác sĩ chỉ chỉ định phẫu thuật những trường hợp có biểu hiện đau, viêm, teo túi mật hoặc thành mật dày, không có dịch mật... Phương pháp phẫu thuật là cắt túi mật.
Hiện nay, một số cơ sở y tế quảng cáo tán sỏi túi mật qua laser, tuy nhiên TS Tuấn Anh cho biết, đây là chỉ định rất chặt chẽ vì khi tán, bác sĩ phải lấy được sạch, nếu không sỏi sẽ rơi vào ống mật chủ, kẹt đường mật, khi đó có thể phải cắt gan để lấy ra.