Cảnh sát cơ động cần được phép huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, sáng 26/5, thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), ông Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh đã trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động.
Lực lượng Cảnh sát Cơ động thực hiện màn trình diễn chiến đấu và trấn áp tối phạm. (Ảnh TTXVN) |
Về nhiệm vụ của CSCĐ (Điều 9), nhiều ý kiến đề nghị rà soát lại điều này để tránh chồng chéo với nhiệm vụ của các lực lượng khác có liên quan và dễ thực hiện.
Tiếp thu ý kiến, UBTVQH đã chỉnh lý điều này theo hướng chỉ quy định những nhiệm vụ mang tính đặc thù đang thực hiện ổn định của CSCĐ trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh CSCĐ; Quy định cụ thể hơn nhiệm vụ chính của CSCĐ là chống bạo loạn, chống khủng bố; Đồng thời rà soát, chỉnh sửa các nội dung khác để phù hợp với vai trò của CSCĐ, tránh chồng chéo nhiệm vụ của các lực lượng khác.
Về đề nghị quy định trình tự, thủ tục thực hiện các quyền của CSCĐ, UBTVQH thấy rằng, nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ liên quan đến nhiều luật. Các luật này đã quy định hoặc giao cơ quan có thẩm quyền quy định về trình tự, thủ tục thực hiện một số hoạt động liên quan đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân. Do đó, UBTVQH đề nghị không quy định lại các nội dung trên.
Có ý kiến đề nghị cân nhắc khoản 3 vì chưa phù hợp với Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. UBTVQH cho rằng, pháp luật hiện hành quy định Bộ Quốc phòng được giao thống nhất quản lý, điều hành, giám sát hoạt động bay của tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ nhưng chưa có chế tài xử lý khi các phương tiện này trực tiếp tấn công, xâm phạm hoặc đe dọa tấn công, xâm phạm các mục tiêu do CSCĐ bảo vệ. Trên cơ sở ý kiến ĐBQH, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho bổ sung cụm từ “trong phạm vi khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay theo quy định của Thủ tướng Chính phủ” và chỉnh lý khoản 3 như dự thảo Luật trình Quốc hội.
Về việc huy động người, phương tiện, thiết bị (Điều 16), một số ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ, cụ thể về phương thức, trình tự, thủ tục huy động; Làm rõ “trường hợp cấp bách” được huy động.
Về nội dung này, theo UBTVQH, trong quá trình thực thi nhiệm vụ, lực lượng vũ trang nói chung, CSCĐ nói riêng cần được phép huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự trong một số trường hợp đặc biệt để bảo đảm khả năng hoàn thành nhiệm vụ. Đây là các tình huống phát sinh ngoài dự kiến, rất đa dạng khó lường. Hiện nay, một số luật trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh, trong đó có Luật Công an Nhân dân cũng quy định về quyền này trong “trường hợp cấp bách” hoặc “trường hợp khẩn cấp” và gắn với mục đích, yêu cầu cụ thể. Để phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành, UBTVQH xin Quốc hội cho giữ nội dung này và bổ sung mục đích huy động như dự thảo Luật trình Quốc hội.
Một số ý kiến cho rằng hoạt động tuần tra, kiểm soát là hoạt động thường xuyên không mang tính cấp bách nên quy định quyền huy động trong trường hợp này là không phù hợp...
Theo UBTVQH, quy định về thẩm quyền huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự nhằm bảo đảm các điều kiện để CSCĐ hoàn thành nhiệm vụ được giao trong các trường hợp cấp bách, do đó dự thảo Luật chỉ quy định CSCĐ được huy động khi thực hiện các nhiệm vụ do CSCĐ chủ trì thực hiện quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 9 dự thảo Luật. Đối với nhiệm vụ tham gia, phối hợp phòng, chống, khắc phục thảm họa, thiên tai, dịch bệnh thì việc huy động người, phương tiện, thiết bị sẽ do lực lượng chủ trì quyết định.
Đối với nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự, trong quá trình tuần tra, kiểm soát, nếu phát hiện trường hợp vi phạm pháp luật nghiêm trọng đe dọa đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội cần có biện pháp ngăn chặn, xử lý, trấn áp kịp thời mà lực lượng tuần tra, kiểm soát không đủ điều kiện xử lý hiệu quả thì được phép huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự để hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ. Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ nội dung này như dự thảo Luật trình Quốc hội.