Cảnh giác trước những "lời đồn" về cách diệt virus SARS-CoV-2, lừa đảo tiêm chủng ngừa Covid-19
Cảnh báo trò lừa đảo tiêm vắc xin ngừa Covid-19
Gần đây xuất hiện thông tin một công ty kêu gọi công nhân đăng ký tiêm vắc-xin phòng chống Covid-19 tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương với giá là 1,5 triệu đồng cho 2 mũi tiêm. Cũng theo thông tin lan truyền trên mạng, loại vắc-xin được sử dụng để tiêm là Sputnik V của Nga.
Công văn này cũng lưu ý đối với người nhà cán bộ, công nhân viên của công ty nếu đăng ký thêm vaccine qua công ty sẽ tự chịu 100% kinh phí tiêm chủng.
Bộ Y tế cảnh báo thông tin lừa đảo về dịch vụ tiêm vắc xin ngừa Covid-19 |
Sau khi nhận được thông tin này, đại diện Bộ Y tế đã liên lạc với Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để kiểm chứng. Qua đó xác định, thông tin trên là lừa đảo bởi việc tiêm vắc-xin hiện nay thực hiện theo quy định của Chính phủ, không có tiêm dịch vụ.
Do vậy, Bộ Y tế cảnh báo người dân, các tổ chức cần đề cao cảnh giác trước các thông tin này. Việc tiêm chủng vắc-xin hiện nay đang ưu tiên cho các lực lượng tuyến đầu trong phòng chống dịch.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cho biết, ngày 16/5, Việt Nam đã có thêm 1,682 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 của AstraZeneca qua nguồn COVAX facility được chuyển giao.
Bộ Y tế đã tiến hành phân bổ nguồn vắc-xin này cho tất cả các đơn vị địa phương để thực hiện công tác tiêm chủng phòng, chống dịch Covid-19 theo kế hoạch đã đề ra.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết cơ quan này đã và đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm, tiếp cận và đàm phán các nguồn vắc-xin Covid-19 để đảm bảo đủ vắc-xin tiêm chủng cho người dân. Cùng đó, Bộ Y tế cũng triển khai đồng bộ các giải pháp để đảm bảo tiêm chủng an toàn của chiến dịch tiêm chủng lớn nhất cho người dân.
Hậu quả của việc tin vào những cách diệt virus SARS-CoV-2 "truyền miệng"
Trong bối cảnh bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 đang diễn biến phức tạp, thì việc áp dụng các biện pháp phòng bệnh đang được rất nhiều người quan tâm. Ngoài việc thực hiện 5K, nhiều chuyên gia liên tục đưa ra các khuyến cáo phòng bệnh là rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng hoặc xịt họng bằng nước sát khuẩn để phòng chống bệnh…
Từ những thông tin khoa học này qua "truyền miệng", nhiều người "rỉ tai" nhau các cách phòng chống virus SARS-CoV-2 "tam sao thất bản" bằng nước muối đặc, bằng... cồn thậm chí uống nước thật nóng để "giết" virus.
Chưa có bằng chứng súc họng nước muối hay uống nước muối đặc có thể diệt được Covid-19 |
Chị Thu Hương (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết "Không hiểu mấy ngày hôm nay, bố mẹ tôi nghe ai "rỉ tai" cách tiêu diệt virus SARS-CoV-2 bằng cách uống nước muối pha thật nóng. Mỗi khi đi ra ngoài về, ngoài việc thực hiện đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn..., hai cụ còn pha nước muối thật nóng để uống. Tác dụng đâu thì chả thấy nhưng mẹ tôi mới bị phỏng rộp cả miệng và lưỡi do uống nước quá nóng".
Trên thực tế cho thấy, việc súc miệng bằng nước và muối chỉ có tác dụng giúp giảm đau họng, giúp mọi người khắc phục được nhanh các triệu chứng của cảm lạnh thông thường.
Ngoài ra, nhiều người quan niệm pha nước muối súc họng càng mặn thì tính sát trùng, sát khuẩn sẽ càng cao và vì thế nó có thể thay thế được dung dịch súc họng sát khuẩn chuyên dùng. Do đó, họ đã pha nước muối rất mặn để súc miệng hàng ngày, tuy nhiên việc làm này lại vô tình gây tổn thương niêm mạc vùng họng khiến họng khô, ráp như không có nước…
Việc uống nước thật nóng cũng rất có hại cho cơ thể còn việc sử dụng... cồn hay rượu để "giết" virus càng độc hại và phản khoa học, tại nhiều quốc gia đã có trường hợp tử vong do dùng những cách thiếu khoa học để phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Một công trình nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học Anh British Medical Journal, đã khuyên mọi người không nên uống nước hoặc trà khi còn quá nóng. Lý do là vì khi uống nước quá nóng, thường cao hơn 70 độ C, có thể sẽ làm tăng nguy cơ ung thư thực quản.
Để có được kết luận này, các nhà nghiên cứu đã tiến hành điều tra khoảng 50.000 người ở miền Bắc Iran, nơi hầu hết người dân hàng ngày rất thích uống trà thật nóng. Gần như tất cả những người tham gia nghiên cứu đều uống trà đen thường xuyên và tiêu thụ trung bình trên một lít mỗi ngày.
Các số liệu thu được sẽ được so sánh với nhóm người thường xuyên uống nước ấm có nhiệt độ dưới 65 độ C. Các nhà nghiên cứu nhận thấy ở nhóm người uống trà nóng có nhiệt độ từ 65-69 độ C, số người bị ung thư tăng hai lần, nhưng khi uống trà rất nóng có nhiệt độ trên 70 độ C trở lên, thì tỷ lệ bị căn bệnh nguy hiểm này tăng cao tới 8 lần.
BS Hoàng Xuân Đại, nguyên cán bộ Bộ Y tế cho biết, nghiên cứu này đưa ra hoàn toàn có cơ sở. Đáng báo động là thói quen ăn uống đồ quá nóng lại khá phổ biến ở rất nhiều người dân Việt Nam. Đa phần khi uống trà hay cà phê đều nấu nước đun sôi 100 độ C rồi pha uống ngay.
Uống nước nóng ở nhiệt độ cao trên 80 độ C không những làm tổn hại đến thực quản, mà chất tannin có thể bị tích tụ, lắng làm tổn thương và không ngừng gây kích thích lên các tế bào ở đường ruột. Những chất kết lắng tích tụ dần dần có thể gây nên phát sinh đột biến, mà những tế bào đột biến tăng có thể biến thành các tổ chức gây ung thư.