“Cánh chim đầu đàn” trong xây dựng Nông thôn mới
Bình Dương sáng tạo trong công tác xây dựng Nông thôn mới Quốc Oai tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu Tập trung chỉ đạo nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới |
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ cùng các đồng chí đại biểu đại diện Trung ương và thành phố Hà Nội tham quan các gian hàng Hội chợ hàng nông sản, thủ công mỹ nghệ và sản phẩm OCOP Thủ đô |
Lựa đúng và trúng các khâu đột phá
Từ Đại hội XV, Đảng bộ thành phố Hà Nội (nhiệm kỳ 2010 - 2015) đến Đại hội XVI (nhiệm kỳ 2015-2020), bên cạnh công tác xây dựng Đảng là then chốt, Ban Thường vụ Thành ủy xác định “Phát triển nông nghiệp, xây dựng Nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân” là nhiệm vụ quan trọng và được xây dựng thành chương trình công tác lớn, trọng tâm của toàn khóa, đó là Chương trình số 02-CTr/TU.
Để chỉ đạo thực hiện, Thành ủy Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình số 02 do đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy làm Trưởng ban; đồng chí Phó Bí thư, Chủ tịch UBND thành phố làm Phó Trưởng ban Thường trực; đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố làm Phó Trưởng ban. Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trước khi triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới và Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy, thành phố cũng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh theo hướng công nghệ cao. Theo đó, thành phố Hà Nội đã lựa chọn đúng và trúng các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển nông nghiệp.
Bên cạnh việc phát huy những tiềm năng, lợi thế sẵn có, Hà Nội đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu để ngành Nông nghiệp Thủ đô trở thành điển hình, xuất sắc trong phong trào xây dựng Nông thôn mới của cả nước. Nhờ đó, sau 10 năm thực hiện chương trình, đến nay thành phố đã có 6 huyện được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới, gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Gia Lâm và Quốc Oai.
Toàn thành phố có 325/386 xã (chiếm 84,2%) được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới, vượt kế hoạch trước 2 năm so với mục tiêu đề ra. Hà Nội cũng có ba xã Đan Phượng, Song Phượng, Liên Trung của huyện Đan Phượng đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao.
Về phát triển nông nghiệp, Hà Nội đã sớm hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu. Các quy hoạch được xây dựng trên cơ sở nhu cầu thị trường và lợi thế của Thủ đô, bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, đất đai, gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành vùng sản xuất chuyên canh tập trung, nâng cao giá trị kinh tế. Nhờ đó, nền sản xuất nông nghiệp của thành phố phát triển toàn diện theo hướng hiện đại.
Với sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy, điều hành của UBND thành phố, sự cố gắng nỗ lực của các cấp, các ngành và nhân dân nên sản xuất nông, lâm, nghiệp và thủy sản giai đoạn 2010 - 2018 tăng trưởng, phát triển ổn định. Tốc độ tăng trưởng bình quân là 3,34%/năm. Giá trị sản xuất nông nghiệp thực tế năm 2018 đạt 259 triệu đồng/ha/năm, vượt trước 2 năm mục tiêu của chương trình (250 triệu đồng/ha/năm), tăng 117 triệu đồng/ha/năm so với năm 2010 (133 triệu đồng/ha/năm).
Trong công tác xây dựng cơ sở hạ tầng, các huyện, thị xã và các xã đã tích cực triển khai thực hiện cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Đường làng, ngõ xóm được kiên cố hóa, hệ thống thoát nước cơ bản đáp ứng yêu cầu. Thành phố đã đầu tư xây dựng các công trình giao thông thủy lợi, nội đồng đảm bảo nhu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Đặc biệt, Hà Nội cũng nâng cấp và xây mới các trường học đảm bảo nhu cầu giảng dạy và học tập tại địa phương; xây mới và sửa chữa, mua sắm thiết bị cho các nhà văn hóa thôn đảm bảo sinh hoạt cộng đồng; cải tạo, nâng cấp, xây mới các trạm y tế đảm bảo nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân...
Đối với phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất, đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2018 đạt 46,5 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 5,43% (đầu năm 2016) xuống còn 1,81% (cuối năm 2018).
Xác định các khâu đột phá, sẵn sàng “về đích”
Trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới và Chương trình số 02 của Thành ủy, thành phố đã xác định công tác dồn điền đổi thửa là khâu đột phá để phát triển nông nghiệp, xây dựng Nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân.
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội tham quan mô hình trồng rau mầm chất lượng cao tại huyện Thường Tín |
Thành phố đã thực hiện dồn điền đổi thửa được 79.454,3/75.980,1ha (đạt 104,6%), tăng 2.562,6ha so với cuối năm 2015. Diện tích đất dôi dư sau dồn điền đổi thửa là 1.836,9ha, tạo điều kiện cho các địa phương quy hoạch mở rộng công trình phúc lợi, quy hoạch đấu giá quyền sử dụng đất tạo nguồn lực thực hiện xây dựng Nông thôn mới.
Giai đoạn 2016 - 2020, Thành ủy xác định công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa là khâu đột phá, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, áp dụng cộng nghệ cao, xây dựng chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Thành phố đã chuyển đổi được 40.227,3ha sau dồn điền đổi thửa sang các mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Thành phố đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung như: Vùng sản xuất lúa chất lượng cao ở hầu hết các huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Mê Linh, Thanh Oai, Chương Mỹ, Sóc Sơn… cho giá trị thu nhập tăng khoảng 25 - 30% so với sản xuất truyền thống. Vùng sản xuất rau an toàn ở các huyện: Đông Anh, Phúc Thọ, Hoài Đức, Gia Lâm, Chương Mỹ, Đan Phượng… cho giá trị sản xuất từ 400 - 500 triệu đồng/ha/năm. Vùng trồng cây ăn quả ở một số huyện: Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Chương Mỹ, Gia Lâm… với giá trị từ 0,5-1 tỷ đồng/ha/năm.
Đánh giá những thành tựu và hạn chế của Hà Nội trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới và Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng Nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân”, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy cho biết: “Hà Nội là một trong 3 địa phương trên cả nước có số xã xây dựng Nông thôn mới lớn. Thành phố đã coi đây là chương trình trọng tâm để thống nhất chỉ đạo trong hai nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ thành phố (2010 - 2015 và 2015 - 2020).
Nhờ sự chỉ đạo suyêt suốt đó, Hà Nội đã đạt được những kết quả ấn tượng, rõ nét. Thành phố đã tập trung phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn, hoàn thành dồn điền đổi thửa, tạo thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa, phát triển các mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản... Đối với nâng cao đời sống người dân, thu nhập bình quân người dân khu vực nông thôn Hà Nội cao hơn bình quân chung của toàn quốc; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh...”.
Bên cạnh những kết quả đạt được, chương trình vẫn còn một số hạn chế như: Thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi trong sản xuất còn chưa nhiều. Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn là nỗi lo của người tiêu dùng... Kết quả xây dựng Nông thôn mới giữa các huyện chưa đồng đều. Nguồn lực cho xây dựng Nông thôn mới chủ yếu từ ngân sách nhà nước...
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng nhấn mạnh: “Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm; phấn đấu tăng trưởng sản xuất nông nghiệp bình quân từ 3,5 - 4%/năm trở lên; tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí ở các xã đã đạt chuẩn Nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2020, thành phố có 85% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới trở lên”.