Cảnh báo lạm dụng thuốc corticoid để giảm đau
Theo đó, bệnh nhân H.T.H (58 tuổi, quê Định Hóa – Thái Nguyên) bị bệnh đái tháo đường typ 2, tăng huyết áp, thoái hóa cột sống nhiều năm.
Người bệnh thường xuyên uống Medrol liều cao dẫn đến các tác dụng phụ của thuốc như: mặt tròn đỏ, bụng béo trung tâm, da mỏng, rạn da ở bụng,… Trong đó, một tác dụng phụ của thuốc là khiến da bàn chân rất mỏng, dẫn đến rách da, nhiễm trùng bàn chân nặng, đe dọa lan lên hết cẳng chân phải, đe dọa tính mạng.
Hình ảnh da bàn chân rất mỏng, dẫn đến rách da, nhiễm trùng bàn chân nặng của bệnh nhân (Ảnh: BVCC) |
Bệnh nhân đã điều trị một thời gian nhưng không thuyên giảm do bệnh phối hợp là suy thượng thận cấp và nhiễm trùng nặng.
Sau thời gian điều trị Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Hiện bệnh nhân đã ổn định và có thể xuất viện.
Suy tuyến thượng thận cấp thường gặp ở bệnh nhân lạm dụng corticoid, là một tình trạng y khoa đe dọa đến tính mạng người bệnh.
Dù đã được cảnh báo liên tục từ các chuyên gia y tế, các bệnh viện trong những năm qua, thế nhưng, tình trạng bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sức khỏe chịu ảnh hưởng nặng nề vì lạm dụng thuốc corticoid vẫn tăng.
Cũng về thói quen lạm dụng corticoid, Bệnh viện Bạch Mai vừa qua đã điều trị cho bệnh nhân nữ (37 tuổi, ở Hà Nội) bị viêm phổi bội nhiễm, suy đa tạng do lạm dụng corticoid tự điều trị cúm.
Theo lời kể của người nhà, bệnh nhân đã tự điều trị hạ sốt và dùng corticoid (medrol 16mg/ngày) nhưng tình trạng không cải thiện. Bệnh nhân sốt cao kéo dài kèm khó thở nhiều, phải nhập viện.
Tuy nhiên, sau khi nhập viện cấp cứu, bệnh nhân không đáp ứng với điều trị hồi sức, phải tiến hành can thiệp ECMO (tim, phổi ngoài cơ thể).
Trong quá trình 37 ngày chạy ECMO, gần 50 ngày thở máy với ô xy liều cao, do suy giảm khả năng đề kháng, các bác sĩ phải nhiều lần hội chẩn trong khoa và liên khoa để kịp thời đưa ra phác đồ điều trị thích hợp.
Nhiều bệnh viện đã phải cấp cứu không ít trường hợp là nạn nhân của việc lạm dụng corticoid với những biến chứng nguy hiểm |
Mặc dù bệnh nhân đã được xuất viện nhưng các tổn thương phổi sau đó có thể sẽ còn tồn tại và cần phải theo dõi trong thời gian dài.
BS Phạm Thị Lưu - Khoa Nội tiết và Đái tháo đường (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, đây chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp bị suy tuyến thượng thận do lạm dụng corticoid điều trị tại khoa. “Trung bình một ngày có thể có đến 1/3 số bệnh nhân nhập viện tại khoa có tình trạng lạm dụng corticoid. Đây thực sự là một hồi chuông đáng báo động” - BS Lưu thông tin.Theo các chuyên gia, nhóm thuốc Corticoid là nhóm thuốc chống viêm, giảm đau mạnh, chống dị ứng, ức chế miễn dịch; được áp dụng trong điều trị của nhiều chuyên khoa khác nhau: khớp, dị ứng, thận, hô hấp… Bên cạnh những mặt lợi do nó mang lại thì còn có thể gây ra rất nhiều tác dụng phụ bất lợi như đái tháo đường, tăng huyết áp, loãng xương, thay đổi kiểu hình Cushing, suy tuyến vỏ thượng thận nếu lạm dụng.
Do đó để tránh lạm dụng corticoid, bệnh nhân cần lưu ý các điều sau: Tuân theo chỉ định của bác sỹ: Việc sử dụng corticoid nên được chỉ định và giám sát bởi bác sỹ có chuyên môn.
Bác sỹ sẽ xác định liệu pháp thích hợp và liều lượng cần thiết cho từng trường hợp cụ thể; Không tự ý tăng hoặc giảm liều: Không nên tăng hoặc giảm liều corticoid mà không có sự chỉ định của bác sỹ. Việc này có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng; Sử dụng trong thời gian ngắn: Corticoid thường được sử dụng trong thời gian ngắn để điều trị các tình trạng viêm nhiễm hoặc phản ứng dị ứng.
Việc sử dụng corticoid lâu dài có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng; Theo dõi tình trạng sức khỏe: Bệnh nhân cần thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của mình khi sử dụng corticoid và liên hệ ngay với bác sỹ nếu có bất kỳ triệu chứng hay vấn đề nào xảy ra.