Cần thiết quy định điểm 'sàn' cho nhóm ngành đào tạo lĩnh vực sức khỏe
Cụ thể, dự kiến Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ quy định điểm “sàn” đối với phương thức xét tuyển điểm thi Trung học phổ thông quốc gia cho nhóm ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề (giống như các nhóm ngành đào tạo giáo viên năm trước); riêng phương án xét tuyển học bạ yêu cầu học sinh có học lực lớp 12 xếp loại giỏi với các ngành Y khoa, Y học cổ truyền, Răng hàm mặt và loại khá với các ngành còn lại.
Quy định này được đặt ra nhằm siết chặt hơn chất lượng đầu vào với khối ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, sau mùa tuyển sinh những năm trước một số trường có đào tạo ngành này lấy điểm chuẩn khá thấp. Những tiêu chí này có thể làm giảm nguồn tuyển cho các trường có đào tạo ngành này, đặc biệt là đối với các trường ngoài công lập. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây là điều cần thiết nhằm nâng chất lượng đầu vào khối ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, bởi có ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe con người. Trong quá trình học, các ngành này đòi hỏi nhận thức, kỹ năng của sinh viên khá cao, nếu không có khả năng học tập tốt sẽ bị đào thải dẫn đến lãng phí thời gian và tiền bạc. Đặc biệt, nếu đào tạo nhân lực đầu ra không đảm bảo chất lượng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh của ngành Y tế.
Trường Đại học Văn Lang hiện đang đào tạo 3 ngành đại học chính quy thuộc khối ngành y tế, sức khỏe, gồm Dược học, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Điều dưỡng. Nhà trường sẽ áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh đối với tất cả các ngành, trong đó có khối ngành Y tế, sức khỏe, trong đó có kết hợp xét điểm học bạ và điểm thi Trung học phổ thông quốc gia. Theo Thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Phó Hiệu trưởng Thường trực Trường Đại học Văn Lang, việc quy định điểm “sàn” với nhóm ngành đào tạo lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề là hợp lý. Với quy định này sẽ hạn chế việc tuyển sinh tràn lan với khối ngành sức khỏe. Thực tế, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào với nhóm ngành Y tế, sức khỏe, dù không được quy định rõ ràng nhưng thực chất đã được thực hiện từ nhiều năm nay thông qua việc Bộ Giáo dục và Đào tạo khống chế trong xây dựng đề án tuyển sinh của các trường.
Tuy nhiên Thạc sĩ Võ Văn Tuấn cho rằng, đối với phương án xét tuyển học bạ Trung học phổ thông vào khối ngành này chỉ nên yêu cầu học sinh có học lực khá, giỏi các môn trong tổ hợp xét tuyển ngành này thay vì phải khá, giỏi toàn diện. Bởi tiêu chí tuyển sinh để đào tạo của trường đại học là chọn những học sinh có năng lực và tố chất phù hợp với ngành học. Để đạt kết quả học giỏi toàn diện thực chất không dễ, các em học sinh thường có xu hướng “học lệch”, học theo khối, nhất những em lựa chọn vào ngành Y với điểm chuẩn rất cao.
Trường Đại học Nguyễn Tất Thành là một trong những trường đang đào tạo khá nhiều ngành lĩnh vực khoa học sức khỏe. Trong đó, hai ngành Y khoa, Y học dự phòng, trường chỉ xét tuyển bằng phương thức xét điểm kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia, không xét tuyển học bạ; còn lại, ngành Dược học và Điều dưỡng có thêm xét tuyển học bạ. Tham gia công tác tuyển sinh của nhà trường nhiều năm, Thạc sĩ Bùi Văn Thời bày tỏ quan điểm đồng tình với việc quy định điểm “sàn” với khối ngành đào tạo thuộc lĩnh vực sức khỏe để có chất lượng đầu vào tốt hơn, nhưng cũng không ít băn khoăn với quy định điều kiện xét tuyển bằng học bạ Trung học phổ thông. Theo Thạc sĩ Bùi Văn Thời chỉ nên tập trung vào những môn có trong tổ hợp xét tuyển để chọn được đúng thí sinh.