Các nước Arab bắt đầu tăng cường tuần tra an ninh trên Vịnh Ba Tư
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều: An ninh sân bay được siết chặt |
Hàng không mẫu hạm USS John C. Stennis dẫn đầu nhóm tàu tác chiến Hải quân Mỹ đi qua Eo biển Hormuz hồi tháng 1/2009. Ảnh: Reuters |
Trong một thông báo, Hạm đội 5 cho biết các nước Arab đồng minh đang hợp tác chặt chẽ với Mỹ để phối hợp tuần tra chung ở Vịnh Ba Tư, trong bối cảnh quan hệ giữa Washington và Iran đang leo thang nguy hiểm.
Thông báo trên mạng Facebook của Hạm đội 5 nêu rõ các nước thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) “đang tăng cường đáng kể hoạt động thông tin liên lạc và phối hợp lẫn nhau nhằm hỗ trợ các hoạt động an ninh hàng hải và hợp tác hải quân tại Vịnh Ba Tư”.
Hải quân và lực lượng bảo vệ bờ biển của các nước Arab “cũng đang phối hợp mật thiết với nhau và với Hải quân Mỹ”.
Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh, đặt trụ sở tại Riyadh, bao gồm các nước Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Video máy bay ném bom chiến lược Mỹ "bắn tín hiệu" tới Iran. Nguồn: Daily Mail
Căng thẳng bất ngờ leo thang nguy hiểm giữa Mỹ và Iran trong thời gian gần đây sau khi Chính quyền Tổng thống Donald Trump liệt lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran vào danh sách các tổ chức khủng bố, tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Tehran theo sau việc Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015.
Tuần trước, nhà lãnh đạo Mỹ tiếp tục ký sắc lệnh chấm dứt qui chế miễn trừ cho 8 nước nhập khẩu dầu mỏ của Iran, động thái được cho là nhằm bóp nghẹt ngành xuất khẩu dầu mỏ có ý nghĩa sống còn với nước Cộng hòa Hồi giáo.
Bên cạnh đó, Lầu Năm Góc đồng thời điều động nhóm tàu sân bay tấn công và máy bay chiến lược tới Trung Đông, nhằm đề phòng nguy cơ xung đột giữa hai bên.
Washington cũng đã rút một số nhân viên ngoại giao khỏi Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Baghdad của Iraq sau khi xảy ra các vụ tấn công nhằm vào 4 tàu chở hàng tại ngoài khơi bờ biển Fujairah của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) hồi cuối tuần trước, trong đó có 2 tàu chở dầu của Saudi Arabia, và vụ tấn công nhằm tuyến đường ống dẫn dầu quan trọng cũng của nước này.
Ngày 19/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa hủy diệt Iran, qua đó làm gia tăng quan ngại về khả năng xảy ra xung đột giữa 2 nước trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Tehran ngày càng leo thang.
Trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Trump viết "nếu Iran muốn tham chiến, đó sẽ là sự chấm dứt chính thức của Iran". Ông cảnh báo Tehran "đừng bao giờ đe dọa nước Mỹ một lần nữa". Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh thời gian qua, Tổng thống Trump đã siết chặt các biện pháp trừng phạt kinh tế với nước Cộng hòa Hồi giáo, cũng như củng cố sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực với cáo buộc Tehran đang đe dọa lực lượng cũng như lợi ích của Washington tại đây.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tại cuộc họp báo ở Tehran, Iran. Ảnh: AFP/TTXVN |
Đáp lại, Iran tuyên bố rút một phần khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và sẵn sàng tái khởi động các hoạt động làm giàu urani. Ngày 18/5, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif khẳng định ông không tin rằng chiến tranh sẽ nổ ra tại khu vực Vùng Vịnh khi mà Tehran không mong muốn cuộc xung đột nào.
Phát biểu với hãng thông tấn IRNA trước khi kết thúc chuyến thăm Bắc Kinh, Trung Quốc, Ngoại trưởng Zarif nêu rõ sẽ không có chiến tranh bởi Iran không muốn chiến tranh và cũng không có nước nào có ý định đối đầu quân sự với Tehran tại khu vực này.
Tuy nhiên, Thiếu tướng Hossein Salami, Tư lệnh Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cho biết Tehran sẵn sàng chống lại các mối đe dọa chiến tranh từ Mỹ. Kênh truyền hình nhà nước Iran dẫn lời Thiếu tướng Salami nêu rõ Iran đang đối mặt với các mối đe dọa sát lãnh thổ và IRGC đã chuẩn bị nguồn lực để chống lại các mối đe dọa này.
Quan chức này nhấn mạnh Iran không theo đuổi và cũng không sợ hãi trước chiến tranh. Trước đó, ngày 16/5, Thiếu tướng Salami cam kết sẽ chống lại sức ép từ Mỹ và cho rằng Washington sẽ thất bại trong việc này. Iran luôn cho rằng Mỹ đang kích động "chiến tranh tâm lý", đồng thời khẳng định sẽ có biện pháp đáp trả nếu Mỹ có hành động khiêu khích.