Các bệnh viện Hà Nội "tham chiến" chữa trị Covid-19
Mất khứu giác và vị giác có thể là triệu chứng mắc Covid-19 Bệnh nhân thứ 17 tại Việt Nam đã 2 lần âm tính với COVID-19 Chống dịch COVID-19: Nét riêng của Việt Nam so với thế giới |
Từ đầu dịch, 6 bệnh viện được Sở Y tế Hà Nội chỉ định tham gia tiếp nhận cách ly, theo dõi và điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19, gồm Bắc Thăng Long, Thanh Nhàn, Đa khoa Hà Đông, Đa khoa Đức Giang, Đa khoa Đống Đa.
Nhiệm vụ của các bệnh viện Hà Nội là phát hiện sớm, điều trị kịp thời, không để lây nhiễm cho nhân viên y tế, hạn chế không để bệnh nhân tử vong. Khi có những ca nghi nhiễm, các bệnh viện phải bố trí xe đảm bảo phòng hộ đưa bệnh nhân đến nơi được bố trí tiếp nhận, không được để bệnh nhân đi phương tiện công cộng.
Tuy nhiên, trong tình hình các ca bệnh trên toàn quốc và địa bàn Hà Nội đang tăng nhanh trong 2 tuần qua, Bộ Y tế chỉ đạo Hà Nội đưa các bệnh viện chỉ định trên địa bàn vào hoạt động điều trị bệnh nhân Covid-19. Trước mắt, từ sáng 24/3 các ca dương tính nhẹ được chuyển về bệnh viện ngoại thành là Bắc Thăng Long và Đa khoa Mê Linh.
Các bệnh viện của Hà Nội cũng sẵn sàng tiếp nhận người bệnh từ tuyến trung ương chuyển về và đối phó với các kịch bản dịch bệnh tiếp theo.
Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, Lương Ngọc Khuê cho biết tại buổi làm việc với Sở Y tế Hà Nội chiều 23/3, việc điều phối bệnh nhân Covid-19 sang các bệnh viện khác là động thái chuẩn bị cho kịch bản có nhiều người nhiễm.
Nhiều bệnh viện tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 còn nhằm giảm tải cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Theo ông Khuê, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 đang điều trị gần 50 bệnh nhân Covid-19 và hơn 300 người nghi nhiễm phải cách ly. Trong số này, có nhiều người do các cơ sở y tế trực thuộc Sở Y tế Hà Nội và các tỉnh khác chuyển đến. Một bác sĩ của bệnh viện đã nhiễm nCoV trong quá trình khám chữa bệnh, là bác sĩ đầu tiên bị lây nhiễm chéo.
Do đó, Cục Quản lý Khám Chữa bệnh chỉ đạo "chỉ chuyển người bệnh đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 trong trường hợp thật sự cần thiết và khi bệnh nhân nặng".
Bộ Y tế phân cấp điều trị: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận các ca bệnh nặng khu vực phía Bắc. Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận bệnh nhân nặng khu vực miền Trung. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận các ca nặng khu vực miền Nam.
Các bệnh nhân khác có thể điều trị tại những cơ sở y tế tuyến địa phương.
Phòng khám sàng lọc bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện Hà Đông, Hà Nội. Ảnh: Thùy An. |
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Cục trưởng Khuê cùng các thành viên Hội đồng chuyên môn các bệnh truyền nhiễm, chiều 23/3 cũng họp cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 mới theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và một số nước.
Đánh giá một số thuốc đang được thử nghiệm lâm sàng ở các nước, Hội đồng chuyên môn khẳng định hiện chưa có thuốc đặc hiệu điều trị Covid-19, tất cả các thuốc hiện nay đều điều trị triệu chứng là chính.
Việc sử dụng thuốc trong điều trị Covid-19 phải tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của bác sĩ. Bộ Y tế khuyến cáo người dân không tự ý sử dụng thuốc tránh ngộ độc hay các tác dụng phụ.
Việt Nam đến trưa 24/3 ghi nhận 123 ca Covid-19, trong đó 17 người đã khỏi bệnh, 106 người đang điều trị. Các ca bệnh chủ yếu xâm nhập từ nước ngoài.