Bục giảng cô đơn, học sinh ngỗ ngược và các vị phụ huynh quên "ký ức"
Cô giáo bắt học sinh quỳ: “Tôi bất lực, dù biết là sai” Quỳ hay không quỳ: Giáo dục, sỉ nhục hay câu chuyện lợi ích? Hà Nội: Đình chỉ công tác cô giáo bắt học sinh quỳ trong giờ học |
“Cô giáo phạt học sinh quỳ” trở thành cụm từ khoá nóng nhất mấy ngày nay, khiến người ta đào xới và lục tung mọi thứ để bàn tán. Cô giáo thì đã bị đình chỉ công tác tạm thời và thanh minh mình làm theo cam kết với phụ huynh. Phụ huynh thì thừa nhận có đề nghị cô phạt con quỳ nhưng không ngờ… cô làm thế thật.
Giáo viên không nên phạt bằng cách bắt trò quỳ nhưng phạt học trò nhất định phải làm để duy trì kỉ luật trong nhà trường |
Và dường như cả thế giới đang lên án cô, quay lưng với cô bởi chữ “quỳ” mà quên mất cái vế trước vô cùng quan trọng - “phạt”.
Chắc có lẽ nhiều vị phụ huynh hiện nay, ngày nhỏ khó có thể quên các hình phạt mà thầy cô đã dành cho mình. Nhẹ thì bị ăn thước gỗ vào tay, nặng hơn là quỳ ở góc lớp suốt buổi học nhưng xin hỏi ngày đó, bố mẹ của các vị phụ huynh "hung hăng" như bây giờ có mấy người tới trường kêu ca thầy cô tàn nhẫn với con mình?
Khi được hỏi tất cả giáo viên từ trẻ tới già, từ truyền thống tới hiện đại đều phải kêu lên rằng: “Phụ huynh ơi, đừng tước của tôi cái quyền được phạt”. Bởi phạt trong nhà trường cũng giống như luật pháp của một quốc gia, để cân chỉnh những hành vi sai, để phân biệt trắng, đen, tốt xấu.
Các vị phụ huynh gửi con đến trường mong thầy cô dạy con kiến thức. Có người còn quá bận còn muốn nhờ luôn thầy cô dạy con kĩ năng sống, dạy cách làm người. Nhưng đã chuyển giao trách nhiệm lớn thế rồi, phụ huynh lại lạnh lùng cất tiếng bảo: “con vàng con bạc nhà tôi là vùng đất cấm, là bất khả xâm phạm”.
Bài toán dạy làm người được ra đề như vậy thì Thánh nhân có sống dậy cũng chưa giải nổi huống chi là người trần mắt thịt như các thầy cô.
Có ông giáo già 70 tuổi đầu kể lại học sinh với phụ huynh thời nay lạ lắm. Học sinh bị phạt hỏi thầy một câu rất liên quan: “Thầy có biết bố con là Giám đốc không?” Còn phụ huynh xông thẳng đến trường chất vấn: “Tại sao con tôi bị điểm kém. Tôi thuê hẳn 2 gia sư cho con học môn này, cháu không thể bị điểm kém được. Thầy không sửa điểm cho con tôi, tôi sẽ kiện lên Ban Giám hiệu và đưa lên báo”. Chỉ khi ông thầy hỏi lại học sinh “Giám đốc có to bằng Thiếu tướng công an không? Đó là học trò của thầy, vẫn đến chào và thăm thầy” thì học sinh mới nín thít. Còn với vị phụ huynh hung hăng doạ kiện, thầy bảo thầy có thể viết luôn bài báo giùm và đăng kèm bài viết của học sinh để hỏi cư dân mạng rằng, điểm số như vậy có xứng đáng không?
Nhưng mấy ai được cao tay như ông giáo già khả kính ấy.
Cả nước đang hướng tới một nền giáo dục mở, lấy học sinh làm trung tâm. Tuy nhiên, đường đến nền giáo dục trong mơ ấy có chút chuệch choạc khi tạo ra một thế hệ giáo viên yếu thế, học sinh luôn đúng và phụ huynh chằm chặp bênh con bất kể đúng sai.
Vậy nhà trường ở đâu mỗi khi quan hệ giáo viên - học sinh và phụ huynh căng thẳng. Ứng xử quen thuộc thường thấy hiện nay là việc đình chỉ tạm thời, kỉ luật giáo viên để xoa dịu dư luận. Giáo viên bị rơi vào trường hợp này, đồng nghĩa với bao năm phấn đấu của các thầy cô đổ ra sông ra bể hết. Thậm chí các thầy cô còn có thể bị đuổi việc để tránh ảnh hưởng đến danh tiếng của nhà trường.
“Động đến học sinh là bị kỉ luật”, điều này ám ảnh nhiều giáo viên tới mức họ sợ học sinh của chính mình hoặc chả buồn động đến khi các em ngỗ ngược. Phạt bằng tường trình, kiểm điểm không ăn thua gì. Đuổi học cũng không được vì liên quan đến thành tích nhà trường, phạt kiểu khác sợ ảnh hưởng đến chén cơm. Thế là giáo viên không phạt, học sinh cũng chẳng học, hoà cả làng rồi.
Mối quan hệ giữa giáo viên - học sinh trong môi trường giáo dục mở cần phải bình đẳng và nên là bình đẳng. Nhưng nay với sự can thiệp của phụ huynh, sự soi mói của mạng xã hội và căn bệnh thành tích trầm kha của nhà trường, quan hệ ấy đã bất bình đẳng quá đỗi. Thầy cô trở nên yếu thế còn học sinh, phụ huynh thì hung hăng.
Những ngày này, khi báo chí và mạng xã hội đang chĩa mũi dùi vào một cô giáo vì chăm chăm vào chữ quỳ mà quên đi chữ phạt, nhiều thầy cô cay đắng chia sẻ trên facebook về cái nghề tưởng cao quý mà bạc bẽo như vôi và cô đơn quá mức.
Ví von việc giáo dục một đứa trẻ như vẽ một bức tranh, đôi khi cũng phải có vài lớp tối màu là những hình phạt, "Gs Cù Trọng Xoay" chia sẻ rằng, mình phản đối bạo hành trẻ cả về thể xác lẫn tinh thần nhưng việc trừng phạt nghiêm khắc là không thể thiếu trong quá trình dạy dỗ.
“Chẳng ai dễ chịu vì bị phạt cả, mình cũng thế, mà con mình cũng thế. Nhưng chính vì nó chẳng dễ chịu gì mà chúng ta hiểu ra cái giá phải trả nếu làm sai và sẽ cố tránh nó lần sau. Cuộc sống thực tế sau này luôn sòng phẳng và khắc nghiệt hơn lúc chúng ta còn đi học, lúc đó chẳng có cái vụt nào, chẳng có cái quỳ nào, chẳng có cái úp mặt vào tường nào cả mà sẽ là những sự trả giá lạnh lùng và đau đớn hơn rất nhiều”, Gs Cù Trọng Xoay viết.
Một nền giáo dục mở chỉ thực sự mở khi phá vỡ được cái bục giảng cô đơn đang quây lấy giáo viên và bóp nghẹt các thầy cô.
Bác Hồ từng mượn câu “Nhân chi sơ, tính bản thiện… Giáo bất nghiêm, sư chi noạ” trong Tam tự kinh để dẫn giải trước hàng nghìn người trong trường Bổ túc rằng: Cuộc đời mỗi con người khi sinh ra giống như một trang giấy trắng. Thầy cô là những người đầu tiên đặt nền tảng cho con trẻ. Vì thế nhân cách của người thầy phải làm cốt lõi và trong sáng để cho học trò noi theo. Người thầy phải nghiêm thì đào tạo trò mới giỏi…
Thế nên phụ huynh ơi, làm ơn hãy trả lại quyền phạt học sinh cho các thầy cô. Chấp nhận con sai thì bị phạt bởi quy tắc trong trường học được chế định dành cho tất cả học sinh và giáo viên chứ không chừa một ai.
Còn các thầy cô cũng đã đến lúc tự rời bục giảng cô đơn tiến gần hơn các học trò của mình. Bỏ qua những chiếc camera giấu kín, cũng đừng chăm chăm sợ mắc lỗi mà hãy làm học trò phục mình bằng chuyên môn, bằng sự thấu hiểu và những hình phạt trúng đích.
Có chung đối tượng dạy dỗ là con, là trò, phụ huynh và giáo viên cần gì đứng ở đôi bờ chiến tuyến. Ngồi lại đi thôi và tìm tiếng nói chung để dạy con dạy trẻ. Bởi mục đích cuối cùng của cả hai bên đều là con trẻ thành người, phụ huynh được đền đáp và thầy cô được kính trọng!