Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Xét tuyển đại học sớm rất tai hại

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, việc các trường đại học xét tuyển sớm có tác động tiêu cực đến giáo dục phổ thông ở giai đoạn cuối, thí sinh đỗ sẽ không học nữa, rất tai hại.
Học viện Ngân hàng có lượng thí sinh đăng ký tăng vọt Hướng dẫn thanh toán lệ phí xét tuyển đại học năm 2024 Thí sinh đăng ký xét tuyển đại học cao nhất 3 năm

Tại Hội nghị Giáo dục đại học nắm 2024 do Bộ GD&ĐT tổ chức sáng 9/8, nêu quan điểm về công tác tuyển sinh, PGS.TS Trần Thiên Phúc, Phó hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP HCM, đề xuất bỏ phương thức xét tuyển sớm.

Theo ông Phúc, hiện nhiều trường xét tuyển trước khi năm học kết thúc cả một học kỳ, thí sinh chưa hoàn thành chương trình THPT. Sau đó, một số cán bộ tư vấn thí sinh đặt nguyện vọng đỗ sớm lên đầu khi đăng ký xét tuyển chung.

"Dù biết như vậy là không đúng nhưng họ vẫn tư vấn cho thí sinh, dẫn đến thiếu công bằng, làm mất cơ hội của thí sinh", ông Phúc nói.

Ông Phúc cũng cho rằng việc đưa ra nhiều phương thức xét tuyển rồi chia phần trăm khác nhau cho từng phương thức là không có cơ sở, gây mất công bằng cho thí sinh xét tuyển ở các phương thức khác nhau.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Xét tuyển đại học sớm rất tai hại
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn
Đại học Bách khoa TP HCM xét tổng hợp nhiều tiêu chí từ năm 2022, gồm điểm thi tốt nghiệp, điểm thi đánh giá năng lực, thành tích học tập, hoạt động xã hội, văn thể mỹ. Ngay trong năm đó, trường nhận 8.500 nguyện vọng đăng ký. Năm nay, con số này 17.200.

"Chúng tôi cho rằng việc tuyển sinh tổng hợp các tiêu chí là công bằng", ông Phúc nói.

Về điều này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn lưu ý các trường đại học nâng cao tinh thần tự chủ nhưng cũng cần phải có trách nhiệm hơn đối với giáo dục phổ thông.

Theo ông Sơn, việc các trường dùng quá nhiều phương thức, để nhiều chỉ tiêu xét tuyển sớm rồi còn ít chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT, đẩy điểm chuẩn lên rất cao, gây mất công bằng.

Bộ trưởng nhấn mạnh các trường tự chủ cao trong tuyển sinh không có nghĩa thích làm gì thì làm. Việc tự chủ phải trong khuôn khổ các quy định. Vì vậy, thời gian tới, có thể Bộ GD&ĐT phải siết các quy định để điều tiết.

“Việc xét tuyển sớm có những tác động tiêu cực đối với giáo dục phổ thông ở những giai đoạn cuối cùng của cấp học này. Do đó, thời gian tới cần phải xem xét. Bởi các học sinh khi đã đủ điều kiện trúng tuyển đại học theo phương thức xét tuyển sớm sẽ không học nữa, điều đó rất tai hại.

Các trường chỉ yên tâm cho số thí sinh sẽ vào trường mình, số còn lại để tuyển sinh sẽ rất ít, do đó điểm chuẩn sẽ rất cao, tạo ra sự bất công bằng trong cơ hội được vào các trường đại học top. Về việc này, phía Bộ GD&ĐT sẽ cân nhắc để đưa vào trong định hướng công tác tuyển sinh đại học của năm sau”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng lưu ý các trường không nên có quá nhiều các phương thức xét tuyển. “Càng đơn giản càng tốt, thuận cho thí sinh và xã hội. Đừng nhiều quá, đừng phức tạp quá”, ông Sơn nói. Cũng theo ông Sơn, các trường đại học được tự chủ trong tuyển sinh nhưng không có nghĩa thích làm gì thì làm.

Ông Sơn cũng cho hay, từ kết quả xét tuyển cho thấy, nguồn tuyển dồi dào, trường nào uy tín thì không lo.

"Vì vậy không có gì phải "chen lấn xô đẩy". Trong tự chủ, các trường cần đề cao hơn tinh thần trách nhiệm xã hội", ông Sơn nói.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho hay: “Như Bộ trưởng đã nói, chúng ta không lo về số lượng bởi nguồn tuyển trong thời gian tới là dồi dào. Trách nhiệm của chúng ta là đảm bảo chất lượng, từ đó nâng cao tư duy của người học. Từ hình thức chuyển sang thực chất và hiệu quả”.

Về công tác tuyển sinh trong năm học tới, theo Thứ trưởng Sơn, Vụ Giáo dục Đại học cần khẩn trương phối hợp để có sự thảo sớm nhất, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng, đơn giản hóa, đảm bảo chất lượng, cũng như công bằng cho thí sinh.

Các trường thực hiện tự chủ nhưng không có tác động xấu, cần có tác động tích cực hơn tới giáo dục phổ thông.

Quỳnh Giang
Phiên bản di động