Bộ TN&MT chỉ đạo làm rõ 50 triệu kg chất thải rắn tại Thái Nguyên "bốc hơi" đi đâu
Vụ đổ trộm hàng chục tấn chất thải lạ: Không phải chất độc hại? Công an Thanh Hóa bắt quả tang vụ đổ trộm 28,6 tấn chất thải “lạ” |
Như đã thông tin, Sở TN&MT tỉnh Thái Nguyên đã ban hành công văn gửi nhiều tỉnh/thành phố cảnh báo về không kiểm soát được nhiều doanh nghiệp thu gom chất thải rắn sinh hoạt. Văn bản này kèm danh sách 14 đơn vị tổ chức, cá nhân, với tổng lượng chất thải hơn 50 triệu kg.
Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) đã vào cuộc để làm rõ hơn 50 triệu kg chất thải rắn sinh hoạt bị "bốc hơi" |
Trước tính chất nghiêm trọng nêu trên, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) đã gửi văn bản tới 14 đơn vị, tổ chức phải báo cáo về tình hình thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, thức ăn thừa cho các chủ nguồn thải trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Quyết liệt hơn, cơ quan này yêu cầu các đơn vị nêu trên phải báo cáo Tổng cục Môi trường trước ngày 5/9 trong khi ngày phát đi văn bản là 4/9.
Cuối văn bản này có nêu: “Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm, Tổng cục Môi trường sẽ tiến hành kiểm tra, thanh tra theo quy định của pháp luật”.
Sở TN&MT Thái Nguyên cảnh báo điều gì?
Theo nội dung công văn của Sở TN&MT Thái Nguyên nêu rõ: "Sở TN&MT Thái Nguyên đã tiến hành rà soát việc quản lý chất thải tại các cơ sở sản xuất trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Kết quả cho thấy, một số đơn vị có hoạt động chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt, thức ăn thừa cho các cơ sở ngoài tỉnh.
Sở TN&MT tỉnh Thái Nguyên ban hành công văn gửi nhiều tỉnh/thành phố cảnh báo về không kiểm soát được nhiều doanh nghiệp thu gom chất thải rắn sinh hoạt dẫn đến hơn 50 triêu kg bị “bốc hơi” không biết đang ở đâu. |
Tuy nhiên, Sở TN&MT Thái Nguyên không có thông tin về thực trạng thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, thức ăn thừa của các cơ sở đã nhận chuyển giao nêu trên.
Do vậy, Sở TN&MT Thái Nguyên thông báo đến các Sở TN&MT các tỉnh/thành phố, nơi có cơ sở đã tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt, thức ăn thừa từ các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đề nghị các Sở TN&MT này xem xét, nắm bắt việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt, thức ăn thừa tại các cơ sở nêu trên, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý những hành vi vi phạm trong hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải của các cơ sở".
Tại văn bản đính kèm trong số 14 đơn vị, tổ chức có tên Công ty cổ phần xử lý, tái chế chất thải công nghiệp Hoà Bình (Công ty Hoà Bình) thu gom tới gần 14,9 triệu kg trong 2 năm 2018, 2019.
Ngay sau khi nhận được văn bản từ phía cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên, Sở TN&MT Bắc Giang đã tiến hành kiểm tra, rà soát và nhanh chóng phản hồi: "Theo phụ lục kèm công văn của Sở TN&MT Thái Nguyên và kết quả xác minh cho thấy trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có Công ty Hoà Bình và hộ gia đình ông Ngô Văn Thức thực hiện thu gom chất thải rắn sinh hoạt, thức ăn thừa từ tỉnh Thái Nguyên.
Nhà máy xử lý, tái chế chất thải công nghiệp của Công ty Hoà Bình tại huyện Yên Dũng, Bắc Giang |
Trong đó, Công ty Hoà Bình có trụ sở văn phòng tại KĐT Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội. Công ty có duy nhất 1 nhà máy xử lý chất thải, tái chế phế liệu tại xã Nham Sơn, huyện Yên Dũng, Bắc Giang được Bộ TN&MT cấp giấy phép xử lý chất thải nguy hại mã số QLCTNH: 1-2-3-4-5-6.014.VX cấp lần 4 ngày 10/4/2019".
“Theo báo cáo quản lý chất thải nguy hại của công ty gửi Sở TN&MT Bắc Giang năm 2018, 2019 cho thấy Công ty thực hiện tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt từ các chủ nguồn thải trên địa bàn tỉnh Bắc Giang và một số tỉnh khác (không có tỉnh Thái Nguyên), vận chuyển, xử lý tại Nhà máy xử lý chất thải tại Bắc Giang và một phần chuyển giao cho Công ty TNHH MTV môi trường Đức Đoan, Công ty cổ phần xây dựng Century Vina xử lý (không rõ địa chỉ).
Hơn 50 triệu kg chất thải rắn sinh hoạt đã bị "bốc hơi" không biết đang ở đâu? |
Nội dung báo cáo không thể hiện rõ Công ty đã vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ các chủ nguồn thải nào về xử lý tại Nhà máy xử lý chất thải ở Bắc Giang hoặc chuyển giao cho đơn vị khác xử lý, khối lượng là bao nhiêu”, Công văn của Sở TN&MT Bắc Giang nêu.
Như vậy, gần 14,9 triệu kg chất thải rắn sinh hoạt mà Công ty Hoà Bình thu gom từ tỉnh Thái Nguyên đã đi đâu?
Công ty Hoà Bình nói gì?
Trước sự việc trên, phía Công ty Hoà Bình phản hồi: “Trong 2 năm 2018,2019, Công ty Hòa Bình thu gom khối lượng chất thải (Bể phốt, bể mỡ) thu gom từ chủ nguồn thải Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) có địa chỉ tại KCN Yên Bình, Đồng Tiến, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên theo hợp đồng chuyển giao, xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường số: 08a/2018/HD/HB ngày 19/08/2018 có hiệu lực đến hết ngày 21/03/2020. Với tổng khối lượng thu gom vận chuyển và xử lý năm 2018 là 5.675.740 kg và năm 2019 là 11,482.790 kg.
Quá trình thu gom và xử lý được Công ty Hòa Bình thực hiện như sau:
Phần khối lượng chất thải (bể phốt, bể mỡ) được xử lý tại nhà máy của Công ty Hòa Bình, địa chỉ: Nham Sơn, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang trong hai năm 2018-2019 là 2.032.200 kg...
Công ty Hoà Bình nhận xử lý chất thải từ SEVT trong 2 năm 2018, 2019 là 15.126.330 kg, sau đó Công ty Hoà Bình tự xử lý 2.032.200 kg, phần còn lại là chuyển giao cho Công ty TNHH một thành viên môi trường đô thị Hà Nội, Chi Nhánh Cầu Diễn xử lý |
Phần khối lượng chất thải (bể phốt, bể mỡ) được Công ty Hòa Bình chuyển giao cho Công ty TNHH Một thành viên Môi trường Đô thị Hà Nội, Chi nhánh Cầu Diễn, địa chỉ: 60B đường Nhuệ Giang, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội theo hợp đồng vận chuyển, xử lý phân bùn bể phốt số: 23/PXM/2018 ký ngày 1/8/2018. Với tổng khối lượng chuyển giao xử lý năm 2018, 2019 là 15.126.330 kg...
Chất thải (bể phốt, bể mỡ) từ SEVT đều được Công ty Hòa Bình thu gom, vận chuyển xử lý, chuyên giúp xử lý và đuợc báo cáo hàng năm trên báo cáo QLCTNH của chủ xử lý chất thải nguy hại đến cơ quan quản lý theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Công ty CP Công nghệ môi trường An Sinh cũng có không ít tai tiếng trong những năm vừa qua |
Căn cứ vào Hợp đồng chuyển giao, xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường số: 08a/2018/HD/HB ngày 19/08/2018 có hiệu lực đến hết ngày 21/03/2020 giữa Công ty Hòa Bình và SEVT, trên báo cáo Quản lý chất thải nguy hại (QLCTNH) của Công ty Hòa Bình gửi đến cơ quan quản lý Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang thể hiện số lượng chất thải này là chất thải rắn công nghiệp thông thường.
Về phía chủ nguồn thải SEVT đã báo cáo QLCTNH năm 2018, 2019 để Sở TN&MT tỉnh Thái Nguyên thể hiện số lượng chất thải trên là chất thải rắn sinh hoạt (bể phốt, bể mỡ). Do hai Công ty chưa thống nhất được tên gọi chất thải (bể phốt, bể mỡ) trên báo cáo QLCTNH năm 2018,2019 thuộc loại chất thải rắn công nghiệp thông thường hay chất thải rắn sinh hoạt thông thường dẫn tới báo cáo của hai Công ty có sự khác nhau về tên gọi chất thải như trên.
Công ty Hòa Bình cam kết toàn bộ chất thải thu gom từ các chủ nguồn thải trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã được Công ty xử lý và chuyển giao xử lý tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam."
Công ty TNHH môi trường Việt Tiến cũng được gọi tên trong công văn của Sở TN&MT Thái Nguyên |
Vậy Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) quản lý chất thải của mình ra sao sau khi ký kết với đơn vị xử lý chất thải.
Danh sách một số tổ chức, cá nhân có thu gom, xử lý chất thải rắn nguy hại tại tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2018 – 2019 1. Công ty TNHH Môi trường Phú Hà 2. Công ty Cổ phần Môi trường An Sinh 3. Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển công nghiệp và Môi trường Việt Nam 4. Công ty Cổ phần Môi trường đô thị và Công nghiệp 11 5. Công ty TNHH Môi trường Việt Tiến 6. Công ty TNHH Môi trường Đô thị Hùng Phát 7. Công ty Cổ phần Môi trường Công nghệ cao Hòa Bình 8. Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị và Công nghiệp 10 9. Công ty TNHH SX TM&DV Nhật Tân 10. Công ty Cổ phần xử lý, tái chế chất thải công nghiệp Hòa Bình. |
Tuổi trẻ và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.