Bộ Nội vụ trình Thủ tướng quy định tránh việc bổ nhiệm thần tốc
Không luân chuyển công tác với cán bộ, công chức là người tố cáo 156 cán bộ thiếu điều kiện vẫn được bổ nhiệm |
Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức và dự thảo Nghị định trình Chính phủ quy định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước.
Quy định kinh nghiệm công tác
Theo dự thảo Nghị định quy định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước, Bộ Nội vụ đề nghị thể chế hóa Quy định số 214-QĐ/TƯ ngày 2/1/2020 của Bộ Chính trị “Quy định khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý” để bảo đảm thống nhất quy định về tiêu chuẩn các chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước.
Về kinh nghiệm công tác, hiện nay Bộ Chính trị chưa quy định cụ thể thời gian đảm nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp dưới trực tiếp là bao nhiêu. Do vậy, để tránh việc bổ nhiệm "thần tốc và bảo đảm nguyên tắc đánh giá cán bộ, công chức trong 3 năm gần nhất khi xem xét bổ nhiệm, Bộ Nội vụ đề xuất thời gian đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp dưới trực tiếp phải từ 3 năm trở lên.
Về tiêu chuẩn trình độ ngoại ngữ, Bộ Nội vụ đề xuất không quy định cụ thể nội dung này tại dự thảo Nghị định, mà sẽ thực hiện theo quy định của từng bộ, ngành, địa phương (kể cả trường hợp quy định sử dụng tiếng dân tộc thay cho tiêu chuẩn ngoại ngữ) cho phù hợp.
Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.
Bên cạnh đó, tại dự thảo quy định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước, Bộ Nội vụ cho biết, Luật Cán bộ, công chức năm 2008 quy định đối với cán bộ có 4 hình thức kỷ luật là khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm.
Đồng thời, Khoản 4 Điều 78 quy định “Việc áp dụng các hình thức kỷ luật, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật cán bộ được thực hiện theo quy định của pháp luật, Điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và văn bản của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền”.
Tuy nhiên, hiện nay trong các văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức bộ máy (như: Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương) chỉ quy định về bãi nhiệm mà không có quy định về hành vi vi phạm, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với các trường hợp xử lý bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức, đặc biệt là đối với đội ngũ cán bộ cấp xã.
Bộ Nội vụ cho rằng, điều này tạo ra khoảng trống pháp lý, gây khó khăn trong công tác xử lý kỷ luật cán bộ, chưa bảo đảm nguyên tắc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và nguyên tắc xử lý kỷ luật Đảng không thay thế xử lý kỷ luật hành chính.
Vấn đề này, Bộ Nội vụ đề nghị thống nhất việc bổ sung quy định xử lý cán bộ trong Nghị định để giải quyết những vướng mắc từ thực tiễn thực hiện; đồng thời, cũng nhằm mục đích thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Xử lý cán bộ nghỉ hưu có vi phạm trong quá trình công tác
Cũng theo Bộ Nội vụ, vấn đề khác có ý kiến khác nhau là về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác.
Có ý kiến cho rằng quy định xử lý kỷ luật hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thực hiện sau khi xử lý kỷ luật đảng là giới hạn đối tượng bị xử lý kỷ luật so với luật, theo đó những người là cán bộ, công chức, viên chức nhưng không phải là đảng viên nay đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác sẽ không xử lý kỷ luật hành chính.
Tại dự thảo Nghị định, Bộ Nội vụ đề xuất bổ sung quy định, thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác.
Về nguyên tắc việc xử lý kỷ luật hành chính đối với hành vi vi phạm trong thời gian công tác của người đã nghỉ việc, nghỉ hưu được thực hiện sau khi có quyết định xử lý kỷ luật về đảng.
Lý giải đề xuất, Bộ Nội vụ cho rằng, quy định như dự thảo là bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn và bảo đảm thực hiện đúng quy định được giao. Thực tế cho thấy, để bảo đảm nguyên tắc công tác cán bộ là công tác của Đảng thì hầu hết các vị trí lãnh đạo trong hệ thống đảng, đoàn thể, chính quyền các cấp hiện này đều là đảng viên (một số ít chưa là đảng viên giữ vị trí lãnh đạo trong các đơn vị sự nghiệp công lập).
Những sai phạm nghiêm trọng hầu hết đều ở những người đã từng giữ vị trí lãnh đạo và vì vậy, việc giới hạn kỷ luật hành chính sau khi kỷ luật đảng đối với đối tượng này là cần thiết, bảo đảm tính răn đe và phù hợp với quy định của Đảng.
Hơn nữa, quy định như dự thảo sẽ tránh phức tạp về trình tự, thủ tục, thẩm quyền do đã có kết luận về sai phạm, hình thức xử lý kỷ luật cũng đã được xác định rõ và do đó không phải thực hiện các quy định về thành lập Hội đồng kỷ luật, triệu tập họp… rất khó khả thi.