Bộ Giáo dục chỉ đạo về thu học phí online
Những ngày vừa qua, phụ huynh nhiều trường quốc tế tại TP.HCM và Hà Nội như Trường Quốc tế Úc (AIS Saigon), Trường Quốc tế Việt Nam - Phần Lan (VFIS), Trường quốc tế Việt Úc (VAS), Trường Quốc tế Mỹ (TAS), Trường Quốc tế Singapore... đã tập trung tại các cổng trường để yêu cầu lãnh đạo trường đối thoại về chính sách thu học phí trong thời gian nghỉ dịch.
Trước tình hình trên, ngày 11/5, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố về thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực GD-ĐT năm học 2019-2020, 2020-2021 và chỉ đạo điều hành giá.
Phụ huynh trường quốc tế Việt Úc (VAS) tập trung phản đối chính sách thu học phí trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 |
Theo nội dung công văn, trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19, việc thực hiện các khoản thu đối với năm học 2019 – 2020 phải đảm bảo các cơ chế thu học phí trên các nguyên tắc:
Thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ ngày 02/10/2015 của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí;
Đối với việc triển khai dạy học trực tuyến, Bộ đề nghị các địa phương và cơ sở giáo dục cần căn cứ các công văn số 1061/BGDĐT ngày 25/3/2020 hướng dẫn dạy học qua Internet, trên truyền hình đối với các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên trong thời gian nghỉ dịch Covid-19 và công văn số 988 - BGDĐT ngày 23/3/2020 về việc đảm bảo chất lượng đào tạo từ xa trong thời gian chống dịch Covid-19 để tính toán công khai, minh bạch và thoả thuận thu trên cơ sở triển khai thực tế công tác dạy học. Cụ thể:
Đối với các cơ sở giáo dục công lập, trong thời gian học sinh, sinh viên nghỉ học để phòng tránh dịch nếu không triển khai học trực tuyến thì không thực hiện thu học phí; Chỉ được thực hiện khi tổ chức học trực tuyến hoặc bố trí học bù.
Mức thu học phí thực hiện theo quyết định của hội đồng nhân dân cấp tỉnh, bảo đảm nguyên tắc theo số tháng thực học nhưng không vượt quá quy định tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP.
Cụ thể, đối với giáo dục mầm non, giáo dục thường xuyên theo số tháng thực học; giáo dục phổ thông không quá 9 tháng/năm; giáo dục đại học không quá 10 tháng/năm.
Đối với các khoản thu dịch vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường theo quy định của Điểm b, Khoản 6, Điều 99, Luật Giáo dục 2019, Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với cơ sở giáo dục công lập theo thẩm quyền quản lý nhà nước về giáo dục trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh.
Việc quản lý và sử dụng các khoản thu dịch vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường thực hiện theo Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và quy định khác có liên quan để khuyến khích các doanh nghiệp, tập thể, cá nhân trong và ngoài nước đóng góp, viện trợ, hỗ trợ giáo dục đào tạo.
Đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập: Trong thời gian học sinh, sinh viên nghỉ học để phòng tránh dịch bệnh, nếu không tổ chức học trực tuyến thì sẽ không được thu học phí và các khoản thu hộ, chi hộ.
Nếu đã thu, sẽ thực hiện thanh toán bù trừ khi học sinh đi học trở lại và thanh quyết toán vào cuối năm học với phụ huynh học sinh.
Nếu tổ chức học trực tuyến, các cơ sở căn cứ vào tình hình thực tế triển khai, các khoản chi phí phát sinh cần thiết để triển khai các hoạt động tổ chức dạy, thời gian thực tế học trực tuyến, các nội dung truyền tải qua dạy học trực tuyến, tỉ lệ hoàn thành chương trình học…
Theo đó, để xác định mức thu hợp lý trên nguyên tắc chia sẻ khó khăn chung giữa cơ sở giáo dục và phụ huynh học sinh nhưng không được vượt quá mức thu, tổng thu cả năm học đã được cam kết, công khai từ đầu năm học;
Đồng thời có chính sách giảm mức thu phù hợp với điều kiện của học sinh, sinh viên.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu các tỉnh, thành tăng cường kiểm tra các khoản thu, chi trong các trường học, xử lý nghiêm trường hợp thu sai quy định.