Bộ Công an vẫn đang điều tra vi phạm của Asanzo
Asanzo vi phạm những gì? Bốn dấu hiệu vi phạm của Asanzo |
Ông Đàm Thanh Thế - Chánh văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia) cho biết như vậy tại buổi Họp báo chuyên đề diễn ra sáng nay 3/1.
Theo ông Thế, vụ việc liên quan đến Tập đoàn Asanzo được Chính phủ rất kiên quyết chỉ đạo các lực lượng chức năng làm việc với tinh thần khẩn trương, đúng luật, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
"Đến giờ phút này, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã báo cáo Chính phủ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra Bộ Công an để nghiên cứu chứng cứ, tài liệu. Hiện cơ quan công an đang thụ lý điều tra, khi nào có kết quả chúng tôi sẽ thông báo đến các cơ quan báo chí", ông Thế nói.
Đại diện Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Tổng cục Quản lý thị trường, Tổng cục Hải Quan... tại buổi Họp báo sáng 3/1. |
Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, hiện tượng hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, gian lận xuất xứ để buôn lậu, trốn thuế vẫn đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong đó vụ của Tập đoàn Asanzo và các công ty liên quan là vụ việc điển hình.
Trước đó, vào tháng 11/2019, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) đã công bố các dấu hiệu vi phạm của Tập đoàn Asanzo qua quá trình kiểm tra.
Theo đó, qua công tác kiểm tra giám sát hải quan, đơn vị này phát hiện một số container khai báo hàng hóa nhập khẩu mang nhãn hiệu Asanzo có xuất xứ Made in China có yếu tố xâm phạm nhãn hiệu Asano đã được bảo hộ của Công ty TNHH TM và sản xuất Đông Phương.
Ông Phạm Văn Tam - Chủ tịch Asanzo (phải). |
Bên cạnh đó, theo số liệu kiểm tra, xác minh của Tổng cục Quản lý thị trường cho thấy tỷ lệ nguyên vật liệu chính/chi phí giá thành chiếm 98% - 99%, giá trị gia tăng tạo ra sau quá trình lắp ráp rất thấp - chỉ chiếm 1-2% trong tổng chi phí giá thành sản phẩm.
Trong khi đó, mặt hàng tivi xuất khẩu mang nhãn hiệu Asanzo chỉ thực hiện lắp ráp đơn giản, các bộ phận của sản phẩm để tạo nên sản phẩm hoàn chỉnh thì không đáp ứng tiêu chí xuất xứ Việt Nam theo quy định hiện hành và có dấu hiệu giả mạo xuất xứ hàng hóa xuất khẩu.
Ngoài ra, việc Tập đoàn Asanzo Việt Nam dùng slogan “Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản” trong hoạt động quảng cáo và in trên bao bì nhiều sản phẩm. Trong khi đó, theo thông tin từ Bộ Khoa học Công nghệ cuối tháng 7/2019 về việc cung cấp thông tin tài liệu liên quan đến thông tin, tài liệu về quy trình công nghệ sản xuất, lắp ráp, việc sử dụng slogan “Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản”, Bộ Khoa học Công nghệ không nhận được và không xử lý bất kỳ hồ sơ nào đăng ký chuyển giao công nghệ liên quan đến Tập đoàn Asanzo và các công ty có liên quan. Như vậy, hành vi của Tập đoàn Asanzo là hành vi lừa dối người tiêu dùng.
Hơn nữa, Cục Thuế TP HCM cũng đã phát hiện doanh nghiệp này đã sử dụng nhiều hóa đơn đầu vào bất hợp pháp để trốn thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng. Cụ thể, doanh nghiệp khai thuế giá trị gia tăng đầu ra, thuế giá trị gia tăng đầu vào khấu trừ không đúng quy định; kê khai chi phí được trừ để xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không đúng quy định; bán hàng, cung cấp dịch vụ không xuất hóa đơn; không nộp hồ sơ khai thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định.
Vào giữa tháng 6/2019, Báo Tuổi Trẻ TP HCM bắt đầu đăng tải loạt bài điều tra, nghi vấn sản phẩm của Asanzo là có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng về cạo nhãn, gắn mác xuất xứ Việt Nam.
Sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Tài chính - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh vụ việc Tập đoàn Asanzo nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường Việt Nam, làm rõ các vi phạm để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.