Biến biệt thự cổ Hà Nội thành không gian nghệ thuật "Phấn tảo"

Với chủ đề "Phấn tảo", không gian trưng bày các tác phẩm hội hoạ - sắp đặt và trình diễn âm nhạc của 6 hoạ sĩ tái tạo sống động quan niệm về cuộc đời, về sự vô thường. Triển lãm được tổ chức trong không gian biệt thự cổ Hà Nội ở 34 Châu Long từ 10 - 25/8/2024.
Chìm đắm trong không gian nghệ thuật “Lung linh sắc hoa” Ấn tượng không gian sống đậm chất nghệ thuật giữa lòng Hà Nội

Không miêu tả hay bao quát lớn lao bởi hai chữ “nhân gian” vốn là bất khả giải. Ta thấy được sắc màu nhân gian trong "Phấn tảo" bởi những ý niệm gần gũi, dung dị, gợi đến nhiều liên tưởng không chỉ trong tâm thức, trong sự hồ như mà cũng ở đó ta gặp được mình, nhận ra mình trong cõi đời rất thực.

Không gian biệt thự cổ Hà Nội được tận dụng triệt để, hoà vào không gian nghệ thuật của triển lãm
Không gian biệt thự cổ Hà Nội được tận dụng triệt để, hoà vào không gian nghệ thuật của triển lãm

Nghệ thuật vốn từ đời sống mà ra bởi vậy chất đời trong nghệ thuật chính là yếu tố quan trọng, là sợi dây liên kết để ta cảm nhận tác phẩm, cho dù trí tưởng hay sáng tạo của người nghệ sĩ là không cùng, và việc cố gắng cắt nghĩa rạch ròi có khi chỉ đưa đến sự nông cạn.

Triển lãm "Phấn tảo không đơn thuần là câu chuyện của những mảnh vải bị bỏ đi và được gom lại tươm tất mà thành y áo của người tu hành, được gợi ý từ nghĩa gốc ấy nhưng lại mang đến nhiều hơn câu chuyện của cuộc đời.

Nét cổ kính, tĩnh lặng giữa dòng đời xô bồ chốn thành thị
Nét cổ kính, tĩnh lặng giữa dòng đời xô bồ chốn thành thị

6 họa sĩ là Lê Nguyên Mạnh, Trịnh Thắng, Phan Hồng Sơn, Phạm Tuấn Tú, Thõng Thị, Dương Quý Dương gặp nhau ở ngôn ngữ, gặp nhau ở ý niệm thiện lành mà họ thâu nhận được từ hiện tượng "Phấn tảo", cho dù mỗi người có một cách riêng để biểu hiện sự vỡ lẽ của mình.

Mỗi họa sĩ đã khai thác đề tài này ở những góc nhìn, chủ thể khác nhau, làm nên những câu chuyện và ý nghĩa khác nhau.

Chính sự hội tụ và riêng biệt này đã tạo nên cảm giác về sắc màu nhân gian rất thực, rất đời. Đó không phải là thứ màu sắc lung linh được tô vẽ, được thần thánh hóa mà là cảm giác về sự thấu hiểu, sẻ chia, nhận diện, thấm thía...

Một góc nghệ thuật sắp đặt
Một góc nghệ thuật sắp đặt

"Phấn tảo" không phải là một tập hợp cũng không là những đơn lẻ. Đó là một sự sắp đặt đầy chủ ý trong một bối cảnh rất ngẫu nhiên của những tác phẩm được gợi cảm hứng, được chỉ dẫn từ sự trừu tượng của sáng tạo để khơi gợi cảm xúc và đánh thức trí tưởng tượng của người xem.

Không gian nghệ thuật khác biệt
Không gian nghệ thuật khác biệt

"Phấn tảo" là cuộc đối thoại của nội tâm người nghệ sĩ, cũng là cuộc đối thoại của nghệ thuật với không gian, bối cảnh mà nó tồn tại. Bởi vậy nó chấp nhận cả sự mơ hồ, lộn xộn, đổ nát, cũ kỹ xung quanh như đó chính là một phần của tác phẩm. Bởi vẻ đẹp của nhân gian hay tâm thiện trong mỗi người thì dù ở trong bối cảnh nào cũng vẫn có thể tồn tại, phát sáng, xao động.

Sự xao động ấy đến từ một Lê Nguyên Mạnh với những sắc màu đường nét tinh tế đến huyền ảo. Mỗi tác phẩm ẩn hiện một ánh mắt từ tâm, thấu suốt và minh triết; thấp thoáng sắc y áo giản dị nhưng sống động. Tất cả vừa như ngời lên lại vừa như lặn sâu, khiến người xem cũng như ngộ ra điều gì nhưng vẫn khôn nguôi khắc khoải kiếm tìm.

Họa sĩ Trịnh Thắng lại đem đến sự mộc mạc, gợi nhiều suy nghiệm về bản chất cốt lõi của con người. Trên nền mộc ấy là muôn nỗi nhân gian với những khuôn diện, những cái tôi, cái ngã... Chẳng rõ họa sĩ đang phơi bày hay nhắc nhở, đang kể chuyện hay biểu đạt "cái đang là'. Nhưng đứng trước những tác phẩm ấy lòng ta như lắng sâu thêm và hiểu đời, hiểu mình hơn.

Tác phẩm của nghệ sĩ Phan Hồng Sơn
Tác phẩm của nghệ sĩ Phan Hồng Sơn

Họa sĩ Phan Hồng Sơn tìm mình trong gió, mây, nước, đất… để biểu đạt mình bằng đặc tính cốt lõi nhất của những yếu tố ấy. Đó là cách anh hòa nhập vào đời sống vào nghệ thuật nhưng trong cả hai cái tưởng như vời vợi, lớn lao đó anh vẫn kiên định là chính mình.

Tác phẩm của nghệ sĩ Phạm Tuấn Tú
Tác phẩm của nghệ sĩ Phạm Tuấn Tú

Phạm Tuấn Tú như là người tạc khắc và nắm giữ những gì vốn không thể nắm bắt để gợi ra một hình dung, một diện mạo nào đó. Biến cái không thể thành có thể, vô hình thành hữu hình... Như thể có một đời sống khác, tĩnh lặng nhưng thổn thức trong chính chúng ta.

Tác phẩm của nghệ sĩ Thõng Thị
Tác phẩm của nghệ sĩ Thõng Thị

Thõng Thị cuốn hút mạnh mẽ với những sắc màu. Đa sắc nhưng vô cùng hài hòa, như thể đó chính là nhân gian. Nhân gian hiện hữu trong tranh của chị có bóng tối có ánh sáng, có niềm vui có nỗi buồn, có được có mất. Vượt lên tất cả là cái đẹp của nhân tâm, trên sự cằn khô khắc nghiệt vẫn trổ mầm đánh thức sự thiện lành trong mỗi chúng ta.

Tác phẩm của nghệ sĩ Dương Quý Dương
Tác phẩm của nghệ sĩ Dương Quý Dương

Dương Quý Dương miệt mài đi tìm những ý niệm về cuộc đời. Anh cho thấy ngay cả khi không có chủ thể cụ thể thì ý niệm cũng có thể tồn tại bằng sáng tạo. Mỗi bức tranh là một điều gì đó anh nhận được, ngộ ra từ cuộc đời. Anh cảm nhận nhân gian theo những bối cảnh, những thời khắc khác nhau, và những gì thâu nhận được đã tạo nên phấn tảo của riêng anh.

Bên cạnh không gian trưng bày tranh, các họa sĩ còn có một không gian riêng cho những tác phẩm sắp đặt địa hình, biến không gian hiện hữu bình thường thành một tác phẩm lớn. Những tác phẩm được bày trong không gian, địa hình phù hợp sẽ tạo được sự tương tác, lan tỏa.

Không gian cũ nát, ẩm mục cũng mang đến sự gần gũi với đề tài phấn tảo. Nghệ thuật sắp đặt này gợi ý đến nhiều bản thể khác nhau, tạo nên góc nhìn đa chiều hơn, đời hơn và cũng đưa đến nhiều liên tưởng hơn. Sự biến hóa, chuyển tiếp độc đáo của triển lãm góp thêm sắc điệu cho câu chuyện của nhân gian muôn màu.

Không gian đậm chất Hà Nội
Các bạn trẻ chìm đắm trong không gian nghệ thuật đậm chất Hà Nội

Đứng ngoài mọi mô tả hay so sánh, “Phấn tảo” là một hiện tượng để các họa sĩ tư duy và sáng tạo. Mỗi quốc gia, mỗi vùng đất, mỗi văn hóa, mỗi quan niệm… sẽ đưa đến một dấu chỉ riêng về phấn tảo.

Nhưng chắc chắn cái đẹp và sự thiện lương thì sẽ gặp gỡ, đồng điệu, lan tỏa trong nhân gian này. Sự giao thoa giữa nghệ thuật, cuộc sống và tôn giáo trong "Phấn tảo" mang đến nhiều cảm xúc, suy ngẫm cho công chúng.

Phấn tảo có nghĩa là những tấm vải người ta vứt ở ngoài đường, trong đống rác, hay ở nghĩa trang, lấm lem bụi đất và bất tịnh, người xuất gia nhặt lấy đem về giặt sạch, rồi cắt rọc may thành y áo để mặc

Triển lãm "Phấn tảo" trưng bày hơn 70 tác phẩm hội họa, mở cửa tự do từ ngày 10 - 25/8/2024 tại Làng Gà Trống 34 Châu Long, Ba Đình, Hà Nội.

Hoa Thành
Phiên bản di động