Bệnh viện ĐK Yên Bái cấp cứu thành công 2 ca nhiễm khuẩn “ăn thịt người"

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái cấp cứu thành công 2 bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh Whitmore
Cấp cứu thành công sản phụ ngừng tim tại bệnh viện Đa khoa Yên Bái

Gần đây, nhiều người hoang mang về thông tin vi khuẩn “ăn thịt người” gây chết người. Trong khi đó, tỷ lệ tử vong khi mắc bệnh này là rất cao. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái, các bác sĩ đã cứu chữa thành công 2 ca bệnh nhân nhiễm khuẩn Whitmore mà nhiều người cho là vi khuẩn “ăn thịt người”.

benh vien dk yen bai cap cuu thanh cong 2 ca nhiem khuan an thit nguoi
Các bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái cấp cứu thành công 2 ca bệnh nhân nhiễm vi khuẩn Whitmore.

Chia sẻ với PV, Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa I Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái - Nguyễn Văn Hách cho biết, từ trước đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận 8 ca mắc bệnh do vi khuẩn Whitmore, trong đó, 2 bệnh nhân cấy mủ thành công và 6 ca cấy máu. Trong 6 ca cấy máu thì có 4 ca bị tử vong do phát hiện bệnh muộn và 2 trường hợp được cứu chữa kịp thời.

Bác sĩ Hách cho biết thêm, đã có một bệnh nhân (36 tuổi, ở huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) đã được ra viện và điều trị ngoại trú. Còn 1 bệnh nhân nam (49 tuổi, ở huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) nhập viện từ ngày 9/9, qua 2 lần cấy máu thì đã qua cơn nguy kịch và đang điều trị tích cực tại Khoa truyền nhiễm của bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái.

“Hầu hết các bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn Whitmore đều sốt cao, tổn thương phổi, nhiều cơn sốt rét run người… Trước những biểu hiện như vậy, các bác sĩ tại bệnh viện đã thực hiện cấy máu hoặc cấy mủ tùy từng trường hợp cụ thể theo công nghệ mới nhất hiện nay, rồi tiếp tục cho bệnh nhân sử dụng thuốc kháng sinh đặc trị. Hay trường hợp nặng hơn, chúng tôi sẽ cho lọc máu” – Bác sĩ Hách nói.

Theo bác sĩ, hiện nay, tỷ lệ người tử vong khi mắc bệnh do vi khuẩn Whitmore khoảng 40%. Vi khuẩn Whitmore sống chủ yếu trong bùn, đất mà không lây truyền qua đường hô hấp. Chủ yếu những người nhiễm bệnh là khi đi lao động ở ruộng, đồng không sử dụng bảo hộ lao động dẫn đến việc những con vi khuẩn Whitmore tiếp xúc qua da, qua vế thương hở trên da rồi vào cơ thể người.

benh vien dk yen bai cap cuu thanh cong 2 ca nhiem khuan an thit nguoi
Hiện một bệnh nhân nhiễm vi khuẩn Whitmore đang được điều trị tích cực tại khoa Truyền nhiễm.

Chia sẻ với PV, Bác sĩ Lê Tiến Thanh – Trưởng khoa vi sinh bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái cho rằng: “Bệnh do vi khuẩn Whitmore là bệnh không lây nhiễm qua đường hô hấp mà chủ yếu từ đất lây truyền khi tiếp xúc qua da. Vi khuẩn Whitmore là vi khuẩn truyền nhiễm nhưng hiếm gặp hay còn gọi là bệnh truyền nhiễm bị lãng quên”.

Vi khuẩn này lan trong cơ thể rất nhanh, khi tiếp xúc với vết thương, vi khuẩn Whitmore sẽ làm viêm loét da rồi lan truyền theo đường máu đến các bộ phận của nội tạng làm cho suy đa nội tạng và sau cùng vi khuẩn sẽ khiến cho người bệnh tử vong – bác sĩ Thanh cho hay.

Các bác sĩ tại bệnh viện Đa khoa Yên Bái khuyến cáo người dân, khi đi lao động ở đồng ruộng, nên phải sử dụng bảo hộ lao động nhằm tránh trường hợp vi khuẩn Whitmore trong đất tiếp xúc với da. Ngoài ra, khi có biết hiện sốt cao, sốt rét kéo dài từng cơn thì nên đến bệnh viện để được kiểm tra để được phát hiện bệnh sớm để có phác đồ điều trị từ các bác sĩ.

Trên thực tế, nickname “ăn thịt người” (flesh eating bacteria) được giới khoa học đặt cho vi khuẩn Vibrio vulnificus vì chúng có khả năng làm hoại tử mô khi chúng gây nhiễm (nên chúng ta có cảm giác chúng đang ăn thịt).

Còn vi khuẩn gây bệnh Whitmore là vi khuẩn khác có tên là Burkholderia pseudomallei, gây chết người do viêm phổi, nhiễm trùng máu và trong trường hợp nặng nhất là suy nội tạng khi không được điều trị kịp thời và đúng cách. Vì đây là loại vi khuẩn kháng nhiều loại kháng sinh thông thường, trong khi đó hệ miễn dịch của cơ thể không chống lại chúng một cách hữu hiệu.

Đức Mậu
Phiên bản di động