Bất cập trong xử lý kỷ luật cán bộ

Nhiều ý kiến cho rằng việc xử lý kỷ luật cán bộ còn bất cập, cần làm rõ các nguyên tắc để đảm bảo tính hợp lý, thống nhất và phù hợp.
Thanh Hóa: Cách chức Chủ tịch xã và kỷ luật hàng loạt cán bộ xã Phú Thọ phải xử lý kỷ luật tổ chức, cá nhân sai phạm về kinh tế Đề nghị kỷ luật cựu chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Khánh Hòa Xem xét, thi hành kỷ luật ông Triệu Tài Vinh

Mới đây, Trường ĐH Luật TP HCM tổ chức hội thảo khoa học về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức những điểm mới và định hướng áp dụng.

Tham gia hội nghị có nhiều chuyên gia, giảng viên, đại diện một số sở, ban, ngành của các tỉnh, thành phía Nam. Vấn đề được nhiều đại biểu thảo luận là những quy định liên quan đến việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Nhiều ý kiến cho rằng vấn đề này còn nhiều bất cập, trong đó là các nguyên tắc xử lý chưa rõ ràng, còn nhiều thiếu sót, thậm chí là mâu thuẫn nhau.

Theo TS Thái Thị Tuyết Dung (Phó Giám đốc phụ trách trung tâm đào tạo trực tuyến, Trường ĐH Luật TP HCM), hiện nay Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức không có quy định về nguyên tắc xử lý kỷ luật, trong khi các văn bản pháp luật khác thì có.

Chẳng hạn Điều 2 Nghị định 34/2011 và Điều 3 Nghị định 27/2012 quy định về các nguyên tắc xử lý kỷ luật như khách quan, công bằng, nghiêm minh, đúng pháp luật, mỗi hành vi chỉ bị xử lý bằng một hình thức kỷ luật. Nếu có nhiều hành vi vi phạm thì bị kỷ luật về từng hành vi và phải chịu kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật nặng nhất.

Bất cập trong xử lý kỷ luật cán bộ


PGS-TS Nguyễn Cảnh Hợp phát biểu tại hội thảo. Ảnh: MV

Điều đặc biệt là các nguyên tắc này không phân hóa đối tượng bị xử lý nên có nội dung tương đồng nhau chỉ áp dụng cho công chức, viên chức. Thực tế, việc áp dụng còn bất cập đối với nhóm chủ thể như cán bộ, công chức - đảng viên, viên chức - đảng viên, cán bộ kiêm nhiệm công chức…

Cạnh đó, nguyên tắc tổng hợp hình thức xử lý kỷ luật công chức, viên chức còn bất cập. Cụ thể, công chức, viên chức không giữ chức vụ quản lý sẽ nhận trách nhiệm nặng hơn so với người giữ chức vụ quản lý.

TS Dung nêu ví dụ: Ông A công tác tại BV đa khoa tỉnh M. Ông có hai hành vi vi phạm là khiển trách và cảnh cáo. Áp dụng khoản 2 Điều 3 Nghị định 27/2012 để tổng hợp hình thức xử lý kỷ luật. Khi đó, nếu ông A không giữ chức vụ quản lý thì ông sẽ bị buộc thôi việc, còn nếu ông A giữ chức vụ quản lý thì ông sẽ bị cách chức.

PGS-TS Nguyễn Cảnh Hợp (Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo, Trường ĐH Luật TP HCM) cho rằng luật sửa đổi kéo dài thời hiệu xử lý kỷ luật là phù hợp.

Ngoài ra, luật còn bổ sung bốn hành vi vi phạm không áp dụng thời hiệu. Một là cán bộ, đảng viên vi phạm đến mức bị kỷ luật khai trừ. Hai là vi phạm về công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Ba là xâm hại lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Bốn là sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp.

Theo ông Hợp, những hành vi này vô cùng nghiêm trọng, do đó việc không áp dụng thời hiệu xử lý là hoàn toàn phù hợp.

Ba hình thức xử lý người đã nghỉ việc, nghỉ hưu

Theo TS Cao Vũ Minh (ĐH Luật TP.HCM), Điều 79 Luật Cán bộ, công chức 2008 và Điều 8 Nghị định 34/2011/NĐ-CP đưa ra sáu hình thức kỷ luật đối với công chức: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc.

Tuy nhiên, thực tế lại có những quyết định kỷ luật liên quan đến việc “xóa tư cách nguyên”. TS Minh cho rằng những quyết định này cũng thỏa mãn nhu cầu của xã hội, dư luận thấy hài lòng. Tuy nhiên, cơ sở pháp lý để áp dụng thì lại thiếu.

Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019 đã quy định có ba hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu là khiển trách, cảnh cáo và xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm. TS Minh băn khoăn: “Các hình thức kỷ luật này đối với người đã nghỉ hưu là không quan trọng, lợi ích gắn với họ là lương hưu nên nếu có xóa tư cách chức vụ thì cũng không ảnh hưởng đến quyền lợi của họ”.

Nguồn: PLO
m.plo.vn
Phiên bản di động