Bão số 4 ảnh hưởng mạnh đến khu vực miền Trung, Tây Nguyên

Rạng sáng 28/9, bão số 4 đổ bộ nước ta, gây gió lớn và mưa rất to ở khu vực Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, lượng mưa phổ biến 120-200 mm, có nơi trên 250 mm.
Khẩn trương, quyết liệt ứng phó cơn bão số 4 (Noru) theo phương châm "4 tại chỗ"

Thông tin từ Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia, 4h ngày 28/9, một nửa cơn bão số 4 (bão Noru) đã đi vào Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi với sức gió giảm còn 117 km/h (cấp 11), giật tung các mái tôn, vặn đổ cây xanh.

Cảnh sát giao thông tỉnh Quảng Ngãi cắt cây ngã đổ, dọn dẹp đường thông thoáng. Ảnh: CSGT
Cảnh sát giao thông tỉnh Quảng Ngãi cắt cây ngã đổ, dọn dẹp đường thông thoáng vào sáng 28/9. Ảnh: CSGT

Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, khoảng 4h sáng nay tâm bão đi vào đất liền khu vực giữa Quảng Nam và Đà Nẵng đã giảm cấp còn 11-12; Mạnh nhất là Cù Lao Chàm ghi nhận là cấp 14. Hiện nay, trên đất liền, đặc biệt là Quảng Nam đã quan sát được gió cấp 9, giật cấp 12.

Khi bão đổ bộ đất liền, phạm vi gió giật dần thu hẹp lại, đi lên phía Bắc Quảng Nam và xuôi về phía Đà Nẵng, đi lên hướng Kon Tum và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Hiện vùng ven biển Quảng Nam ghi nhận gió mạnh nhất là cấp 9, giật cấp 12.

Đến 5h30, vùng này chỉ còn gió cấp 6, giật cấp 7 và sẽ duy trì đến khoảng 8-9h sáng, sau đó giảm dần. Đến khoảng 12h, Quảng Nam và Đà Nẵng mới giảm gió lớn ven biển. Khi lên Tây Nguyên không còn gió mạnh mà chỉ còn gió giật. Lượng mưa cũng giảm, còn 100 đến 150mm.

Dù vậy, cơ quan chức năng vẫn kiến nghị tiếp tục cho học sinh nghỉ học trong hôm nay; đồng thời chưa cho ngư dân ra khơi đánh cá vì sóng biển còn lớn; khu vực miền núi cần đề phòng lũ quét, sạt lở núi.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu, dù bão đã suy yếu nhưng người dân không nên chủ quan vì thực tế đã từng phải trả giá, nhiều người không tử nạn trong bão mà trong lũ. Ông cùng đồng tình chưa vội cho học sinh đi học. Nhà trường nên kiểm tra lại phòng ốc, cơ sở vật chất. Các địa phương tiếp tục theo dõi tình hình bão lũ, không chủ quan, lơ là. Trong lúc trời yên biển lặng, các địa phương cần nhanh chóng đi kiểm tra những khu vực xác định nguy cơ, như Đà Nẵng phải kiểm tra 60 ngư dân quyết ở lại trên tàu đêm qua.

Cây xanh trên đường Tăng Bạt Hổ, TP Pleiku, bị gió quật ngã, sáng 28/9.
Cây xanh đổ trên đường tại TP Pleiku vào sáng 28/9.

Dự báo, trong ngày 28/9, ở khu vực Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 120-200 mm, có nơi trên 250 mm; khu vực Quảng Bình, Bình Định, Gia Lai có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 50-100 mm, có nơi trên 150 mm.

Từ ngày 28/9 đến đêm 29/9, ở khu vực Bắc Trung Bộ, đồng bằng, ven biển Bắc Bộ và Hoà Bình có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-250 mm, có nơi trên 300 mm ở Bắc Trung Bộ và phổ biến 70-150 mm, có nơi trên 180 mm ở đồng bằng, ven biển Bắc Bộ và Hoà Bình.

Ngày và đêm 28/9, ở khu vực từ Phú Yên đến Bình Thuận, Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa 20-40 mm, có nơi trên 70mm (mưa dông tập trung vào chiều và tối).

Khu vực Hà Nội, từ ngày 28/9 đến ngày 29/9 có mưa vừa và dông, có nơi mưa to.

PV
Phiên bản di động