Bạo hành, bệnh tật "bủa vây" nhân viên y tế
Bàng hoàng 90% ca bạo hành nhân viên y tế khi đang cấp cứu
Tại hội thảo Bảo vệ Blouse trắng diễn ra ngày 29/10, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, cho biết tại, trên thế giới, nhân viên y tế bị bạo hành gấp bốn lần so với ngành nghề khác.
Tại Việt Nam, bạo hành trong ngành y tế có tỷ lệ cao, chiếm 25% tổng số bạo hành tại nơi làm việc. Chỉ từ năm 2010 đến tháng 5-2017, có 26 vụ việc điển hình về mất an ninh, trật tự bệnh viện trong đó năm 2014 có tới bảy vụ điển hình, trong đó có 2 trường hợp đã tử vong vì bị bạo hành.
Đáng nói, hầu hết nhân viên y tế bị bạo hành ở thời điểm đang phục vụ người bệnh. Tới 90% vụ bạo hành xảy ra khi bác sĩ đang cấp cứu, chăm sóc cho bệnh nhân, 60% xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho bệnh nhân, người nhà. 70% nạn nhân là bác sĩ, 15% là điều dưỡng.
Ông Khoa cũng cho rằng tại Việt Nam, việc xử lý bạo hành, gây hấn, xúc phạm nhân viên y tế còn quá nhẹ tay, chưa có chế tài xử phạt nặng nên tình trạng bạo hành xảy ra rất phổ biến. Trong khi ở các nước, hành vi này có thể sẽ bị giam giữ.
Theo bà Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, môi trường làm việc của cán bộ y tế ở nước ta có nhiều rủi ro, bác sĩ không chỉ đối mặt với những tác hại lây nhiễm và không lây nhiễm mà còn bị đe doạ hành hung.
2000 nhân viên y tế bị ung thư, mắc bệnh hiểm nghèo
Công đoàn Y tế Việt Nam thống kê sơ bộ ở một số tỉnh và đơn vị trực thuộc bộ đã có gần 2.000 cán bộ y tế bị ung thư, mắc bệnh hiểm nghèo.
Theo bà Bình, việc làm việc quá tải trong môi trường nhiều hóa chất, nóng, tiếng ồn, bức xạ ion hóa, sóng siêu âm, các tác động đến da, căng thẳng về tâm lý stress, nguy cơ bị bạo hành cao. Các bức xạ ion hóa gây biến đổi gen, nhiễm sắc thể, can thiệp vào quá trình chuyển hóa, chậm phân chia tế bào, nguyên nhân của các loại ung thư máu, da, xương và tuyến giáp.
Đánh giá về bệnh nghề nghiệp của nhân viên y tế, ông Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường cho rằng, cán bộ y tế đối diện với nhiều yếu tố nguy cơ chứa mầm bệnh, stress nghề nghiệp, làm ca, trực đêm, gặp nhiều nguy cơ bị bạo hành khi tiếp xúc với người nhà bệnh nhân và bệnh nhân...
Trong đó, các bệnh truyền nhiễm như viêm gan B, C, nhiễm HIV, bệnh leptospira có thể đe doạ nhân viên y tế bất cứ lúc nào. Nhiều nhân viên đã từng phải điều trị dự phòng lây nhiễm HIV do có nguy cơ khi cấp cứu người bệnh. Mới nhất là trường hợp của bác sĩ Nguyễn Văn Hiếu tại Trung tâm y tế huyện Mường Nhé.
Là bác sĩ trẻ được chi viện về vùng cao, tháng 6 /2018, trong một tình huống cấp cứu bệnh nhân có HIV, bác sĩ Nguyễn Văn Hiếu bị phơi nhiễm HIV. Bác sĩ Hiếu phải trải qua những tháng ngày đầy áp lực, căng thẳng điều trị phơi nhiễm HIV, rất may sau điều trị kết quả xét nghiệm âm tính.
"Ngoài ra, các bệnh nghề nghiệp khác do yếu tố vật lý dễ mắc phóng xạ, điếc do tiếng ồn và đục thủy tinh thể; nhóm bệnh liên quan do cả yếu tố hóa học, bụi dễ mắc bệnh viêm phế quản mạn tính, hen nghề nghiệp...luôn đe doạ nhân viên y tế", ông Hải nói.
Một nghiên cứu được khảo sát trên diện rộng cho thấy, có tới 27% nhân viên y tế thuộc hệ điều trị và 26% hệ dự phòng mắc bệnh mạn tính; 17% thuộc hệ điều trị dự phòng mắc các bệnh lây nhiễm trong thời gian làm việc; 57% nhân viên y tế thuộc hệ điều trị và hệ dự phòng bị tổn thương do bệnh xâm nhập khi tiêm và có nhiều bệnh lý nghiêm trọng, các bệnh chuyển hóa khác.
Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, kết quả khám sức khỏe định kỳ tại bệnh viện năm 2018 cho thấy, có 0,15% nhân viên có sức khỏe loại 4 và 2,88% nhân viên sức khỏe loại 3; 41% nhân viên đạt sức khỏe loại 2 trong đó các bệnh thường gặp là nhân xơ tuyến giáp và nang keo tuyến giáp.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam nói. "Nếu có máy đo đếm về tâm lý môi trường của con người thì có lẽ môi trường tâm lý ở bệnh viện là đặc biệt nhất. Tâm trạng, nhịp tim đập mạnh nhất có lẽ ở bệnh viện. Nhiều nhân viên y tế phải làm việc với một điều kiện yêu cầu hết sức căng thẳng, nhiều người phải tiến hành mổ hàng chục giờ. Có nhiều nhân viên y tế có những giấc ngủ không ngon. Đó là điều đáng suy nghĩ".
Trong khi đó, chế độ đối với bệnh nghề nghiệp, hiện nay danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong lĩnh vực y tế vẫn chưa được sửa đổi, bổ sung sau 23 năm ban hành nên nhiều cán bộ y tế chưa được hưởng chế độ bồi dưỡng từ các danh mục này. Vì vậy, nhiều chuyên gia đã đề xuất chính sách đảm bảo có môi trường lao động an toàn hơn cho cán bộ y tế.
Công đoàn ngành y tế cũng đề xuất sửa đổi Luật hình sự để đảm bảo hành vi tấn công nhân viên y tế đang làm nhiệm vụ cũng phải chịu hình thức xử phạt tăng nặng và hình phạt có tính răn đe như khi tấn công các lực lượng thi hành công vụ khác;