Báo chí và doanh nghiệp cần đồng hành vượt qua “Covid kinh tế”
Thành phố cải cách hành chính mạnh mẽ hơn, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp Thành phố Hà Nội đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn |
Chiều 14/7, Diễn đàn Doanh nghiệp và Báo chí 2020 với chủ đề “Cơ hội hợp tác phát triển từ khủng hoảng Covid-19” đã quy tụ hàng loạt Tổng biên tập của các báo cũng như các chuyên gia kinh tế; lãnh đạo các Hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức, doanh nghiệp và đại diện cơ quan ban ngành liên quan.
Toàn cảnh diễn đàn Doanh nghiệp và Báo chí 2020 |
Sự đồng hành là tất yếu
TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: “Chúng ta vừa trải qua những ngày tháng khó khăn đầu năm 2020 do ảnh hưởng của COVID-19, kể cả “COVID y tế” và “COVID kinh tế””.
Nhấn mạnh niềm tin về việc báo chí tiếp tục là “ngọn hải đăng” tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, TS Vũ Tiến Lộc mong báo chí góp phần vào cải cách môi trường kinh doanh. Trong bối cảnh dịch bệnh đầy rẫy những thông tin đa chiều, nhiều thông tin xấu độc gây hoang mang dự luận, thì những thông tin chính thống trên báo chí đã trở thành điểm tựa, tạo niềm tin cho người dân vào công tác chống dịch của Chính phủ.
“Để phát triển doanh nghiệp, bên cạnh giữ vững kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường thì cần từng bước cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là biện pháp quan trọng nhất. Báo chí đang góp phần mạnh mẽ vào quá trình này”, Chủ tịch Vũ Tiến Lộc nói.
Khẳng định "Sự đồng hành là tính tất yếu trên con đường phát triển”, ông Lê Mạnh Hùng - Phó Trưởng ban Ban Tuyên Giáo Trung ương cho biết: “Báo chí là kênh cung cấp thông tin, truyền tải đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước đến với doanh nhân, doanh nghiệp và người dân trong xã hội. Đồng thời báo chí có vai trò lớn trong giới thiệu, quảng bá hình ảnh thương hiệu cho doanh nghiệp… Trong bối cảnh dịch COVID-19 báo chí còn đóng vai trò là diễn giả, đề xuất với Đảng, Chính phủ và các cơ quan chức năng để tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp".
Ông Lê Mạnh Hùng – Phó Trưởng ban Ban Tuyên Giáo Trung ương. Ảnh: Theo Diễn đàn Doanh nghiệp |
Còn ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam thì cho rằng: Trong những năm vừa qua, doanh nghiệp và báo chí đã có mối quan hệ tương hỗ, gắn bó cùng phát triển. Tuy nhiên, cũng có những điều mà cả doanh nghiệp và báo chí chưa thể hài lòng với mình, cũng như với đối tác. Tựu chung lại, báo chí và doanh nghiệp vẫn luôn có trách nhiệm với nhau trong sự phát triển chung.
Ở vai trò Hội Nhà báo Việt Nam, ông Lợi bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp hãy mở lòng hơn với báo chí. "Có thể lúc này, lúc kia có những nhà báo đã từng gây khó khăn, thiệt hại cho doanh nghiệp, nhưng trên tổng thể, hầu hết người làm báo rất lành mạnh, tử tế, lấy mục đích phục vụ đất nước, nhân dân là chính. Số nhà báo tiêu cực rất ít, nếu có đều đã xử lý; nếu phát hiện, tiếp tục xử lý theo pháp luật, theo quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo".
"Tôi tin rằng, số đông người làm báo tử tế không bao giờ làm khó doanh nghiệp mà sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn" - ông nhấn mạnh.
Báo chí thúc đẩy chính sách, cầu nối doanh nghiệp với nhà nước
Chia sẻ thêm tại Diễn đàn, ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư cho biết, trong khủng hoảng COVID-19, các doanh nghiệp được Chính phủ đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ như miễn, giảm, hoãn nhiều loại thuế như thuế TN doanh nghiệp, thuế thuê đất, hoãn đóng BHXH…Tuy nhiên, những chính sách hỗ trợ này lại không được áp dụng với các cơ quan báo chí. Trong khi báo chí cũng gặp nhiều khó khăn từ đại dịch. Do đó, đề xuất nên cho báo chí thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ của Chính phủ. |
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư cho biết: “Nhiều doanh nghiệp sợ và muốn né tránh báo chí. Nhưng nhiều doanh nghiệp lại không sợ và không muốn tiếp xúc với báo chí. Bằng thực tế nhiều năm làm báo, tôi thấy rằng các thương hiệu chân chính không bao giờ sợ báo chí”.
Ông cho rằng chỉ những doanh nghiệp sân sau, lợi dụng kẽ hở của luật pháp, làm ăn bất chính mới sợ báo chí. Ở chiều ngược lại, báo chí không được làm tổn thất doanh nghiệp chân chính và không để doanh nghiệp bất chính hành hoành.
Về mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh, muốn có nền kinh tế mạnh phải có doanh nghiệp mạnh, để làm được điều này thì sự hỗ trợ của báo chí đối với sự phát triển của doanh nghiệp là điều vô cùng cần thiết.
LS. Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho biết, trước đây, mối quan hệ báo chí và doanh nghiệp là đồng hành theo kiểu “chia bùi, sẻ ngọt”; còn trong bối cảnh hậu COVID-19 tôi muốn dùng từ là “đồng cam, cộng khổ” bởi tại thời điểm này cả doanh nghiệp và báo chí đều khổ.
LS. Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam. Ảnh: Theo Diễn đàn Doanh nghiệp |
Doanh nghiệp có cái khổ cũ là vốn, đất đai, hạ tầng, nhân lực, hành chính, thanh kiểm tra, điều kiện môi trường kinh doanh và nỗi khổ mới hậu Covid-19 là thu hẹp thị trường tiêu thụ, thị trường cung cấp nguyên vật liệu. Bản thân doanh nghiệp cũng đang phải chịu rất nhiều chi phí để duy trì và tồn tại. Đây chính là mảnh đất để các nhà báo khai thác đề tài, đồng hành, cộng khổ với với doanh nghiệp.
Còn báo chí phải đối mặt với sức ép mạng xã hội và sức ép chi phí duy trì y như một doanh nghiệp thu nhỏ.
Trong bối cảnh đó, LS Huỳnh cho rằng, để định vị mình trong bối cảnh mới, báo chí cần 4S: Sung, sáng, sạch và sắc. Báo chí phải dũng cảm khi đấu tranh chống tiêu cực, ngăn cản những doanh nghiệp sai trái, trở thành diễn đàn tin cậy của doanh nghiệp và công chúng, góp phần cổ vũ mạnh mẽ lòng yêu nước, vì sự phát triển của một nước Việt Nam “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”.
Chia sẻ về mong muốn đồng hành cùng báo chí, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam cho biết: Với doanh nghiệp chúng tôi mong sự đồng hành với báo chí. Trong ngành xây dựng và bất động sản, chúng tôi hiện vướng nhiều cơ chế luật pháp, tiếng nói của chúng tôi đến được Chính phủ, Quốc hội chỉ có thể qua báo chí. Đây là điều chúng tôi hy vọng nhiều nhất ở báo chí và coi đây là cầu nối hữu hiệu, chắc chắn. Với những doanh nghiệp chân chính, làm đúng, làm tốt cho xã hội, chúng tôi mong muốn báo chí giới thiệu tới nhiều độc giả hơn nữa".
So sánh báo chí với cô gái đẹp, ông Hiệp mong muốn “cô gái đẹp” này công tâm và đồng cảm nhiều hơn, khách quan tìm hiểu, nghe thông tin từ nhiều chiều xem doanh nghiệp cố tình làm sai hay do sơ suất. Nếu sơ suất, báo chí hãy góp ý cho doanh nghiệp khắc phục. Đó là mặt rất tích cực của báo chí.
Các đại biểu tham gia Diễn đàn |
Tại Diễn đàn, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, Nguyên Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội, Giám đốc Trung tâm Hòa giải Việt Nam nhấn mạnh điều quan trọng nhất đối với báo chí cũng như đối với doanh nghiệp là cùng đất nước vượt qua suy thoái kinh tế. Báo chí có thể giúp thúc đẩy chính sách, phản ánh tiếng nói của doanh nghiệp tới các cơ quan chức năng.
Phát biểu kết thúc Diễn đàn, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI dí dỏm so sánh mối quan hệ giữa doanh nghiệp và báo chí phải đẹp như mối tình trong Núi Đôi của Văn Cao.
"Tôi nghĩ rằng báo chí và doanh nghiệp có được mối tình đẹp như vậy thì đất nước này sẽ phát triển mạnh mẽ" - ông nói.